Trong những năm gần đây, cơ cấu kinh tế của nền kinh tế quốc gia thay đổi theo hướng tích cực với sự vươn lên của ngành dịch vụ và công nghiệp. Mặc dù vậy, nông nghiệp vẫn đóng góp khoảng 10% GDP và tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động.
Việt Nam đã thành công trong xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp ra thị trường thế giới, lọt vào top 15 nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu trên 40 tỷ USD và xuất khẩu tới hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Các thị trường xuất khẩu nông sản chủ yếu của Việt Nam gồm: Trung Quốc, Mỹ, các nước Đông Nam Á, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản. Tỷ trọng xuất khẩu nông sản sang các thị trường này chiếm khoảng hơn 76% tổng kim ngạch của cả nước.
Các nhóm chính sách giải quyết tình trạng “được mùa mất giá”
Tuy nhiên, trong những năm qua, tình trạng "được mùa mất giá" liên tục xảy ra trong nông nghiệp và nhiều chiến dịch giải cứu đã được triển khai. Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đều có các giải pháp giải quyết vấn đề "được mùa mất giá" trong nông nghiệp.
Các giải pháp dựa vào nguyên tắc hoạt động của kinh tế thị trường với sự can thiệp của Chính phủ. Có thể chia các giải pháp thành các nhóm chính sách sau đây:
Thứ nhất, mở rộng và đa dạng hóa thị trường (tăng cầu) đối với các nông sản thông qua mở rộng thị trường cho nông sản, nhất là mở rộng xuất khẩu nông sản ra thị trường thế giới với các chương trình hợp tác kinh tế song phương và đa phương.
Đặc biệt, các hiệp định thương mại đa phương như Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA), Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Ấn Độ (AIFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)… là khu vực kinh tế bao gồm ASEAN, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản… chiếm khoảng 1/2 dân số toàn cầu
Thứ hai, hạn chế lượng cung nhằm kiểm soát lượng cung thông qua kiểm soát quy mô sản xuất để hỗ trợ giá cho nông sản như: Giảm bớt sản lượng, cho vay vốn canh tác và thu mua sản phẩm theo giá hợp đồng định trước để đảm bảo nông dân không bị thiệt khi được mùa...
Thứ ba, chính sách thu mua giá sàn đối với nông sản khi được mùa. Chính sách này đòi hỏi chính phủ phải bỏ ra một lượng tiền lớn để thu mua nông sản cho nông dân.
Mặc dù vậy, các chính sách mang tính thị trường, tôn trọng quy luật cung - cầu thường đem lại kết quả tích cực và bền vững hơn các chính sách can thiệp trực tiếp vào giá nông sản.
Tăng cường quản lý chuỗi cung ứng
Trong thị trường toàn cầu cạnh tranh cao ngày nay, chất lượng dẫn đến áp lực buộc các tổ chức phải tìm ra những cách thức mới để tập trung phát triển nông nghiệp bền vững và theo chiều sâu, thay vì số lượng nhằm tạo ra và cung cấp giá trị ngày càng lớn hơn.
Hơn nữa, thực tế cho thấy ở các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam cũng như các thị trường đã trưởng thành, quyền lực của người mua đã vượt qua quyền lực của khách hàng. Giá cả luôn là một biến số cạnh tranh quan trọng ở nhiều thị trường và các dấu hiệu cho thấy, nó trở thành một vấn đề cần phải tính toán trong quá trình quản lý chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế.
Quản lý chuỗi cung ứng đóng một vai trò quan trọng trong việc quyết định chính sách giá cả vì nó giữ cho chi phí kinh doanh ở mức tối thiểu và lợi nhuận cao nhất có thể. Quản lý chuỗi cung ứng bao gồm tất cả việc di chuyển và lưu trữ nguyên vật liệu, hàng tồn kho trong quá trình sản xuất và thành phẩm từ điểm xuất xứ đến điểm tiêu thụ.
Những lợi thế quan trọng của quản lý chuỗi cung ứng là: Giảm thất thoát sản phẩm trong quá trình vận chuyển và bảo quản, tăng doanh số bán hàng, thông tin tốt hơn về dòng sản phẩm, thị trường và công nghệ, giúp theo dõi và truy tìm nguồn gốc sản phẩm cũng như kiểm soát chất lượng và an toàn sản phẩm tốt hơn (khi áp dụng các tiêu chuẩn và GlobalGAP) và cuối cùng là đem lại sự hài lòng của khách hàng.
Thách thức trong quản lý chuỗi cung ứng là duy trì và quản lý cả 3 dòng chảy thị trường chính: sản phẩm, thông tin và tài chính một cách hiệu quả, mang lại kết quả tối ưu cho người nông dân, người bán buôn và khách hàng.
Hiện nay, trong sự phát triển nhanh chóng của công nghệ IT, nông nghiệp nước ta vẫn tiếp tục duy trì chuỗi cung ứng truyền thống kém hiệu quả với khâu sản xuất còn manh mún cũng như số lượng khâu trung gian trong chuỗi cung ứng truyền thống cao và do đó lượng lãng phí lớn và chi phí giao dịch cũng cao.
Các cơ chế chuỗi cung ứng truyền thống trung gian thường kém tối ưu trong chuỗi cung ứng tổng thể, do đó khiến nông dân sản xuất thừa hoặc sản xuất thiếu so với mức sản xuất lý tưởng nếu chúng được tích hợp theo chiều dọc với người mua.
Sự góp mặt của các trung gian điện tử
Gần đây, các trung gian điện tử đã nổi lên như một kênh mua bán thay thế, dựa trên công nghệ. Sự hiện diện của một trung gian điện tử giúp cải thiện lợi nhuận của nông dân khi giúp cho người nông dân sản xuất tiệm cận hơn với mức sản xuất lý tưởng đối với người nông dân vì sức mạnh thị trường quan trọng hơn khả năng tiếp cận thị trường.
Bằng cách cung cấp sự minh bạch về giá cả và bằng cách cung cấp một kênh bán hàng mới cho nông dân, ít nhất về nguyên tắc, các trung gian điện tử sẽ giảm bớt một số thách thức chính mà nông dân phải đối mặt trong chuỗi cung ứng nông sản truyền thống.
Tuy nhiên, theo các nhà kinh tế, vấn đề cần lưu ý ở đây là: khi số lượng nông dân tăng lên, tổng lợi nhuận của tất cả nông dân sẽ hội tụ về 0 trong giới hạn, bất kể sự hiện diện của trung gian điện tử. Do đó, một cách hiệu quả hơn để cải thiện sinh kế của nông dân ở các nền kinh tế đang phát triển là hợp nhất các nông dân cá thể thành các tập thể nông dân lớn hơn để nâng cao sức mạnh thị trường của họ.
Điều này dẫn đến sự cần thiết về sự đổi mới các mô hình tập đoàn nông trường mạnh có khả năng hợp tác và cạnh tranh trong chuỗi cung ứng nội địa và quốc tế cũng như cần sửa đổi luật đất đai ở Việt Nam theo hướng sản xuất công nghiệp cho nền nông nghiệp quy mô lớn.
Tóm lại, có thể khẳng định rằng: nông sản đóng một vai trò quan trọng đối với cuộc sống của người dân và đóng góp lớn vào nền kinh tế và ổn định xã hôi của đất nước. Trong những năm qua, tình trạng "được mùa mất giá" liên tục xảy ra trong nông nghiệp, người nông dân vẫn còn thu nhập thấp và khu vực vực nông thôn vẫn là vùng trũng trong bức tranh toàn xã hội.
Chính sách can thiệp vào thị trường của Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp đã đem lại những kết quả nhất định. Tuy nhiên, các chính sách mang tính thị trường tôn trọng quy luật cung - cầu thường đem lại kết quả tích cực hơn các chính sách can thiệp trực tiếp vào giá nông sản.
Để phát triển thị trường cho hàng nông sản, chiến lược quản lý chuỗi cung ứng đóng một vai trò quan trọng trong việc quyết định chính sách giá cả vì nó giữ cho chi phí kinh doanh ở mức tối thiểu và lợi nhuận cao nhất có thể.
Hơn nữa, trong thời đại kỹ thuật số, trong chuỗi cung ứng, các trung gian điện tử dựa trên công nghệ đã nổi lên như một kênh mua bán thay thế trung gian truyền thống dựa vào các nhà môi giới, đem lại nhiều hiệu quả cho người nông dân.
Cuối cùng là tiếp tục hoàn thiện luật đất đai, hạ tầng và phát triển các mô hình tập đoàn nông trường lớn khép kín tối đa các khâu trong chuỗi cung ứng sẽ đảm bảo phát triển bền vững và khả năng cạnh tranh cao cho nông sản Việt Nam./.
Theo Thế giới và Việt Nam