Văn hóa chính trị là một bộ phận, một phương diện của văn hóa trong xã hội có giai cấp, phản ánh trình độ trưởng thành của nhân cách chính trị của các chủ thể chính trị trong đời sống xã hội, là chất lượng tổng hợp của tri thức chính trị và niềm tin chính trị của mỗi cá nhân tạo thành ý thức chính trị, bản lĩnh chính trị công dân, thúc đẩy họ hành động chính trị tích cực, phù hợp với mục tiêu, lí tưởng chính trị của xã hội. Đây là những phát hiện mới mẽ và được hầu hết các nhà chính trị thừa nhận rằng văn hóa là yếu tố hiện đang và sẽ giữ vai trò quyết định vận mệnh của các nền chính trị đương đại.
Đối với nền chính trị nước ta, Đảng đặt mục tiêu lãnh đạo dân tộc hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Đây là mục tiêu mang đậm tính văn hóa và nhân văn sâu sắc bởi nó hướng tới một xã hội mà ở đó tất thảy người Việt Nam được ấm no, tự do và phát triển toàn diện. Đó là nền chính trị phấn đấu vì hạnh phúc đích thực của nhân dân. Mục tiêu ấy không chỉ phù hợp với nguyện vọng của đông đảo nhân dân Việt Nam, của lý tưởng xã hội XHCN, mà còn là mục tiêu cao đẹp mà nhân loại tiến bộ hướng tới. Để lãnh đạo đất nước vượt qua khó khăn, nắm bắt cơ hội, đạt được mục tiêu cao cả đó, Đảng phải có một đội ngũ cán bộ có văn hóa chính trị cao, có trình độ và khả năng thực hiện các nội dung chính trị một cách văn hóa. Chính vì thế, Đảng đã luôn tiến hành chỉnh đốn và đổi mới chính mình, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, giữ vững sự đoàn kết và uy tín trước nhân dân.
Kết quả của 35 năm đổi mới, đất nước ta đã giành được những thành tựu to lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội. Nhưng, cũng trong quá trình này, mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường đã gây ra những vấn đề phức tạp. Đó là tình trạng phân cực giàu - nghèo diễn ra nhanh với khoảng cách ngày càng xa; một số giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc bị mai một; tình trạng tha hóa, biến chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ, làm mất uy tín của Đảng trước nhân dân, tạo nên kẽ hở cho các thế lực thù địch xuyên tạc, chống phá, làm tổn hại niềm tin của nhân dân vào chủ nghĩa Mác – Lênin, sự lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên CNXH mà nhân dân ta đã lựa chọn. Tình hình đó cho thấy rằng, đất nước ta đang đứng trước nhiều thử thách mới, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ sự chuyển hóa của một bộ phận đảng viên trong nội bộ. Từ Hội nghị TW 4 khóa XI về xây dựng Ðảng đến nay, liên tiếp trong các kỳ đại hội, Đảng đã bổ sung những nhận thức mới quan trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đến Đại hội lần thứ XIII, Đảng đã đặc biệt đã nhấn mạnh tới việc gắn xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Là lực lượng chịu trách nhiệm trước quần chúng nhân dân, vì vậy, hơn lúc nào hết, vấn đề xây dựng văn hóa đảng được đặt ra như là một nhiệm vụ tối quan trọng cần cho mỗi cán bộ, đảng viên để lãnh đạo nhân dân thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, bảo vệ nền độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ trong giai đoạn hiện nay.
Đặc thù của nền chính trị nước ta là Đảng cộng sản - đảng chính trị duy nhất, cầm quyền nên việc mạnh dạn nhìn nhận, chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm trong hệ thống để kịp thời khắc phục và thanh lọc những cán bộ đảng viên thoái hóa, biến chất là hành động dũng cảm và cần phải làm thường xuyên để cho Đảng luôn trong sạch, có văn hóa của tổ chức và có đủ năng lực lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, xứng đáng với danh hiệu “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Để thực hiện thành công mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, điều tiên quyết là Đảng ta phải bảo đảm vững mạnh, phải có đội ngũ cán bộ đảng viên có năng lực cao, phẩm chất đạo đức tốt, nghĩa là Đảng có một nền tảng văn hóa chính trị cao.
Nhiệm vụ chỉnh đốn Đảng hiện nay theo lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, đó là “ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế; xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng” để tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng Đảng trong thời gian tới, làm cho tổ chức đảng, chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh nhằm giữ gìn và phát huy vai trò gương mẫu của tổ chức Đảng và cán bộ đảng viên trước toàn dân, củng cố niềm tin ở người dân, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng của nước ta. Như vậy, việc tự nhìn nhận khuyết điểm và quyết tâm chỉnh đốn đội ngũ, đó chính là xây dựng văn hóa chính trị của Đảng ta.
Văn hóa chính trị luôn là vấn đề quan trọng, có tính quyết định trực tiếp trong việc xây dựng con người chính trị cho chế độ xã hội của nước ta. Chính vì vậy, trong bất kỳ thời điểm, hoàn cảnh lịch sử nào thì việc thường xuyên chăm lo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng vẫn luôn là mong muốn của cả xã hội. Xây dựng văn hóa trong Đảng được coi là nhân tố đảm bảo, nhân tố trước hết trong chiến lược lãnh đạo xây dựng và phát triển đất nước, vì trình độ xử lý các tình huống chính trị một cách khoa học và nghệ thuật không chỉ đem lại sự độc lập và ổn định chính trị mà còn là điều kiện cho việc phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, phát triển con người, xây dựng và phát triển đất nước. Phát huy những thành tựu đã đạt được, vượt qua những khó khăn, thách thức phát sinh trong quá trình đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, thực hiện tốt an sinh xã hội, giải quyết những tồn đọng, những vấn đề gây bức xúc trong dân hiện nay sẽ là những yếu tố quan trọng để nâng cao hơn nữa tính văn hóa chính trị trong sự lãnh đạo của Đảng hiện nay.
ĐTT