Câu hỏi: Dịch bệnh đã có những tín hiệu kiểm soát tích cực. Người dân dần trở lại với nhịp sống bình thường mới. Những nhà máy, công trình dần khởi động lại sau nhiều ngày đóng cửa. Chính phủ đã có những giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để nhanh chóng phục hồi sản xuất?
Trả lời
Trong hai năm qua, kể từ khi đại dịch covid-19 bùng phát, đặc biệt, trong đợt dịch covid-19 lần thứ tư rất căng thẳng, phức tạp này, Đảng và Nhà nước ta luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp.
Với định hướng đưa chính quyền gần dân hơn, gần doanh nghiệp hơn, doanh nghiệp, người dân đến với chính quyền gần hơn, trong mấy tháng qua, Thủ tướng Chính phủ liên tiếp năm lần gặp mặt, làm việc với các doanh nghiệp trong, ngoài nước nhằm lắng nghe, chia sẻ và tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, khẳng định tinh thần đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp, hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro.
Ngày 29-9-2021, Hội nghị Thủ tướng đối thoại cùng doanh nghiệp đã được tổ chức trực tuyến với hơn 1.200 doanh nghiệp, hiệp hội tham dự tại 63 điểm cầu trực tuyến (đây là hội nghị lần thứ năm kể từ khi đợt dịch covid-19 lần thứ tư bùng phát) cho thấy sự sát cánh, đồng hành của Chính phủ cùng doanh nghiệp trong suốt diễn biến khó lường của dịch bệnh đối với nền kinh tế.
Với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, Chính phủ đã rất quyết liệt, nhanh chóng ban hành các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động, người dân với một loạt nghị quyết, nghị định ra đời trong thời gian rất ngắn, như:
- Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 29-6-2021 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
- Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01-7-2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19
- Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 09-9-2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch covid-19.
- Nghị quyết 116/NQ-CP ngày 24-9/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
- Các nghị quyết về hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện, giảm tiền nước, viễn thông,... Các ngân hàng thương mại đã đồng loạt giảm lãi suất cho các doanh nghiệp đang chịu tác động nặng nề bởi dịch.
Chính phủ cũng đã ban hành nhiều nghị định về việc gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất, về đánh giá sơ bộ tác động môi trường, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nhấn mạnh quan điểm hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro, Thủ tướng khẳng định, không vì khó khăn mà chúng ta bi quan, hoang mang, lo sợ. Tình hình càng khó khăn, phức tạp, càng phải đoàn kết, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhau. Lấy khó khăn, thách thức làm động lực vươn lên. Đối với các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang cùng Quốc hội cố gắng đồng hành với doanh nghiệp trên tinh thần ba không và năm thật. Ba không là không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm. Năm thật là nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thành quả thật.
Chính phủ đã thành lập các tổ công tác đặc biệt, trong đó có tổ công tác đặc biệt để xử lý các vấn đề liên quan đến kinh tế, liên quan đến doanh nghiệp, trong đó các bộ, các ngành cùng nhau tháo gỡ, cùng bàn, cùng chia sẻ và cùng tìm phương pháp.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, các ngành, địa phương, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chủ động, tích cực xử lý các vấn đề cho doanh nghiệp trên tinh thần các nguyên tắc chung, trên tinh thần luật pháp đã được quy định, trên tinh thần chủ trương của Đảng; phải linh hoạt để tổ chức thực hiện có hiệu quả, phù hợp với tình hình cụ thể, không cứng nhắc, cực đoan. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương phải rất trách nhiệm, chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn này. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải có chiến lược chống dịch, khẩn trương xây dựng kịch bản thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch covid-19, có sự tham gia ý kiến của doanh nghiệp, khi đó chính sách đưa ra sẽ hiệu quả hơn. Đặc biệt, cần tập trung cải cách hành chính, chống gây phiền hà, sách nhiễu cho doanh nghiệp; tiếp thu những phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp; xử lý theo thẩm quyền.
Về phía các doanh nghiệp, cần xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho mình để chủ động, sẵn sàng chuyển sang trạng thái mới, tái cấu trúc lại để phù hợp với tình hình.
Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài và phức tạp, Chính phủ và các bộ, ngành vẫn giữ vững được sự ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát, cán cân thương mại tiếp tục thặng dư, nợ công và nợ nước ngoài vẫn trong tầm kiểm soát. Thủ tướng Chính phủ đã nhận định, đạt zero covid sẽ là một điều rất khó khăn vì ngay tại các nước phát triển có tỷ lệ tiêm vắc xin đạt 90% dân số thì zero covid cũng là không thể. Tình hình thay đổi thì nhiệm vụ thay đổi. Tổ chức thực hiện, lãnh đạo, chỉ đạo cũng phải thay đổi. Thủ tướng nhấn mạnh sáu nguyên tắc phải quán triệt: Một là, y tế là trụ cột, là trung tâm; Hai là, kinh tế là nền tảng, là cơ sở; Ba là, dữ liệu khoa học và công nghệ là then chốt; Bốn là, ổn định chính trị-xã hội là trọng yếu, thường xuyên; Năm là, vaccine, thuốc chữa bệnh và ý thức của người dân là điều kiện tiên quyết; Sáu là, an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn.
Hơn lúc nào hết, chúng ta phải phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, phát huy tinh thần đồng hành cùng vượt khó. Chính phủ và chính quyền địa phương đang làm tất cả mọi thứ có thể để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch, sớm hồi phục.
Thiên Hương (tổng hợp)