Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách xã hội, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững, ổn định chính trị - xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ. Chính sách xã hội ở nước ta được triển khai tích cực, toàn diện, với hệ thống văn bản pháp lý đồng bộ, ngày càng hoàn thiện; phản ánh tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa. Hệ thống pháp luật và chính sách phát triển các lĩnh vực xã hội ngày càng được bổ sung và hoàn thiện. Diện thụ hưởng chính sách ngày càng mở rộng, mức hỗ trợ được nâng lên. Nguồn lực đầu tư phát triển các lĩnh vực xã hội ngày càng lớn, được tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước và các nguồn lực xã hội khác. Các lĩnh vực xã hội đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhất là giảm nghèo, tạo việc làm, ưu đãi người có công, giáo dục và đào tạo, y tế, trợ giúp người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, công tác gia đình và bình đẳng giới. Đời sống vật chất và tinh thần của người có công, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân và sự ổn định chính trị - xã hội.
Chính sách xã hội được coi là một bộ phận quan trọng trong hệ thống chính sách của Đảng và Nhà nước, là động lực to lớn, phát huy tính năng động, sáng tạo của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các chính sách xã hội được xây dựng và triển khai thực hiện hài hòa, đồng bộ với các chính sách phát triển kinh tế. Quan điểm về chính sách xã hội vì con người của Việt Nam được thể hiện rất rõ trong nội dung Văn kiện cũa các kỳ Đại hội Đảng và trong một số các Nghị quyết về chính sách xã hội.
Tại Đại hội đại biểu lần thứ VI đã đặt đúng vị trí, tầm quan trọng của chính sách xã hội trong phát triển đất nước. Chính sách xã hội là một nhiệm vụ được để ra trong Báo cáo chính trị của Đại hội “ Xây dựng và tổ chức thực hiện một cách thiết thực và có hiệu quả chính sách xã hội”: Chính sách xã hội nhằm phát huy mọi khả năng của con người và lấy việc phục vụ con người làm mục đích cao nhất; Bảo đảm việc làm cho người lao động…; Thực hiện công bằng xã hội phù hợp với điều kiện thực tế; bảo đảm an toàn xã hội…; Nâng cao chất lượng giáo dục…; Phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật…; Mở rộng mạng lưới và nâng cao chất lượng công tác y tế và thể dục thể thao …; Thực hiện tốt chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng…;Thực hiện tốt chính sách dân tộc…; Tạo điều kiện thuận lợi để người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài…
Đến Đại hội VII, Đảng ta tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của chính sách xã hội, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã khẳng định vai trò quan trọng của chính sách xã hội: “Chính sách xã hội đúng đắn vì hạnh phúc con người là động lực to lớn phát huy mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Cùng với việc khẳng định vai trò quan trọng của chính sách xã hội, phương hướng lớn của chính sách xã hội đã được đưa ra: “phát huy nhân tố con người trên cơ sở bảo đảm công bằng, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ công dân; kết hợp tốt tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội; giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần; giữa đáp ứng các nhu cầu trước mắt với chăm lo lợi ích lâu dài; giữa cá nhân với tập thể và cộng đồng xã hội”.
Đến Đại hội VIII, Đảng ta đưa ra những quan điểm để làm căn cứ hoạch định hệ thống chính sách xã hội: “- Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và trong suốt quá trình phát triển kinh tế. Công bằng xã hội phải thể hiện ở cả khâu phân phối hợp lý tư liệu sản xuất lẫn ở khâu phân phối kết quả sản xuất, ở việc tạo điều kiện cho mọi người đều có cơ hội phát triển và sử dụng tốt năng lực của mình; - Thực hiện nhiều hình thức phân phối, lấy phân phối theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế là chủ yêu, đông thời phân phối dựa trên mức đóng góp các nguồn lực khác vào kết quả sản xuất kinh doanh và phân phối thông qua phúc lợi xã hội, đi đôi với chính sách điều tiết hợp lý, bảo hộ quyền lợi của người lao động; - Khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với tích cực xóa đói giảm nghèo. Thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển, về mức sống giữa các vùng, các dân tộc, các tầng lớp dân cư; - Phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”, nhân hậu thủy chung; - Các vấn đề chính sách xã hội đều giải quyết theo tinh thần xã hội hóa. Nhà nước giữ vai trò nòng cốt, đồng thời động viên mỗi người dân, các doanh nghiệp, các tổ chức trong xã hội, các cá nhân và tổ chức nước ngoài cùng tham gia giải quyết những vấn đề xã hội.”
Xuyên suốt các kỳ Đại hội IX, X, XI, XII Đảng ta tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò, nhiệm vụ, mục tiêu của chính sách xã hội, trong đó, đặc biệt nhấn mạnh tới vấn đề công bằng trong các chính sách xã hội. Đặc biệt ngày 1/06/2012 tại Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành trung ương khóa XI, Đảng ta đã đưa ra Nghị quyết số 15-NQ/TW về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 -2020. Nghị quyết 15-NQ/TW đã đánh giá kết quả thực hiện chính sách xã hội của Việt Nam, đưa ra các bài học kinh nghiệm, đưa ra quan điểm của Đảng ta về chính sách xã hội trong giai đoạn 2012-2020: “1.Không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công và bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.;2. Chính sách ưu đãi người có công và an sinh xã hội phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội và khả năng huy động, cân đối nguồn lực của đất nước trong từng thời kỳ; ưu tiên người có công, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số.;3. Hệ thống an sinh xã hội phải đa dạng, toàn diện, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân, giữa các nhóm dân cư trong một thế hệ và giữa các thế hệ; bảo đảm bền vững, công bằng.;4. Nhà nước bảo đảm thực hiện chính sách ưu đãi người có công và giữ vai trò chủ đạo trong việc tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tham gia. Đồng thời tạo điều kiện để người dân nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh.;5. Tăng cường hợp tác quốc tế để có thêm nguồn lực, kinh nghiệm trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.”
Tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, trong báo cáo chính trị đã khẳng định cần“Nhận thức đầy đủ và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong các chính sách xã hội. Tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, tính bền vững trong các chính sách xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người”.
Quan điểm của Đảng ta về vai trò, ý nghĩa và vị trí đặc biệt của việc giải quyết các vấn đề về chính sách xã hội vì mục tiêu phát triển con người. Cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta đã ban hành các chính sách phù hợp. Chính sách xã hội ở nước ta trong những năm qua ngày càng được hoàn thiện trở thành hệ thống chính sách hỗ trợ lẫn nhau trong việc bảo đảm mục tiêu xây dựng tiến bộ, công bằng xã hội, Các chính sách xã hội đã góp phần tích cực trong việc nâng cao đời sống nhân dân, từng bước đáp ứng nguyện vọng của các giai cấp, các tầng lớp và cộng đồng dân cư trong xã hội./.
X.H