Hiện tại, nhiều tổ chức, cá nhân kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ nông sản của tỉnh Hải Dương góp phần chung tay giúp đỡ bà con vượt qua khó khăn.
Thời điểm này, tại nhiều cánh đồng rau, củ, quả... của tỉnh Hải Dương đã đến kỳ thu hoạch, song do ảnh hưởng của dịch, đã có hàng ngàn ha su hào, bắp cải, cà chua, ổi... bị phá bỏ vì không tiêu thụ được. Theo thống kê của toàn tỉnh, còn trên 4.000 ha rau vụ Đông đang đến kỳ thu hoạch; sản lượng khoảng 90.700 tấn, chủ yếu là hành; cà rốt; rau bắp cải, su hào, súp lơ, rau ăn lá... đang cần được giải cứu.
Chị Phạm Minh Thắm, thành viên Nhóm giải cứu nông sản Hải Dương tại Hà Nội cho biết, với tinh thần “bầu ơi thương lấy bí cùng”, nhóm “Thắm và những người bạn” đã kêu gọi cộng đồng trên mạng xã hội, chỉ sau 2 ngày nhóm đã nhận được hàng ngàn đơn hàng chung tay giải cứu vựa nông sản Hải Dương. Theo đó, hàng sẽ được một số HTX trên địa bàn tỉnh thu gom và đội xe của HTX vận chuyển đến tay người tiêu dùng với giá phi lợi nhuận.
Cụ thể, ổi Thanh Hà 5.000 đồng/1kg, su hào 2.000 đồng/củ, bắp cải 3.500 đồng/kg, cà rốt 7.000 đồng/kg...
“Nhóm chúng tôi kêu gọi ủng hộ người dân vùng dịch ở Hải Dương thì đã nhận được sự ủng hộ của người dân Hà Nội và người ta đã mua theo nhóm rất nhiều. Hiện nay số lượng đơn chúng tôi chưa thống kê đầy đủ, nhưng đã lên đến vài chục tấn rồi. Ở Hải Dương có hợp tác xã đứng ra thu mua gom nông sản cho người nông dân và cũng đã được kiểm dịch qua các chốt kiểm soát và kiểm dịch để chuyển cho chúng tôi” - chị Thắm cho biết.
Chị Vũ Thị Thu Trang, thành viên HTX Tân Đức, Huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương- một trong những HTX tổ chức thu gom, tiêu thụ nông sản của bà con trong tỉnh Hải Dươg cho biết, hiện tại HTX giải cứu đợt 1 được khoảng 3 tấn nông sản. Nhóm cam kết tất cả những người đi thu hoạch nông sản không thuộc diện cách ly; cùng với đó, trong quá trình thu hoạch người nông dân đều được đảm bảo đeo khẩu trang, sử dụng đồ bảo hộ, đảm bảo các sản phẩm nông sản đến tay người tiêu dùng an toàn.
Hiện tại các sản phẩm nông sản của HTX đã được nhận hỗ trợ tiêu thụ của Hệ thống siêu thị Co.opmart Hà Nội, sàn thương mại điện tử hangtindung.com... Chuyến hàng nông sản đầu tiên từ Hải Dương sẽ được chuyển đến Hà Nội vào thứ 3 tuần tới.
Tất cả các hợp tác xã thì đều có chứng nhận VietGap là rau củ sạch và được phun khử khuẩn trước khi đưa ra thị trường. Khi mà những sản phẩm đến tay bà con thì đã được sát trùng, phun khử khuẩn trước khi vận chuyển đi. Đầu Hà Nội các anh chị cũng đã liên hệ để khi lên Hà Nội sẽ có khử khuẩn một lần nữa. Thực tế tìm hiểu ý kiến bác sỹ chuyên ngành thì đối với các hàng nông sản như thế này, nếu như mà có virus lưu lại trên nông sản thì cũng không có khả năng giữ được trong thời gian dài.
Việc chung tay giúp đỡ bà con nông dân vượt qua khó khăn là một việc làm được cộng đồng ủng hộ. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 đang có chiều hướng diễn biến phức tạp tại tỉnh Hải Dương nhiều người tiêu dùng bày tỏ mong muốn chính quyền địa phương cần giám sát chặt chẽ quy trình thu hoạch để đảm bảo nông sản được an toàn.
Chị Nguyễn Mỹ Huyền, ở Hai Bà Trưng, Hà Nội và chị Vũ Lan Phương, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội bày tỏ: “Mình sẵn sàng tham gia việc giải cứu nông sản, nhưng mình nghĩ những khâu vận chuyển hàng hóa, vận chuyển nông sản phải được đảm bảo kĩ càng, được kiểm tra đầy đủ, người thu hoạch, người chở nông sản phải đảm bảo mọi phương pháp phòng dịch nếu không sẽ dễ đưa dịch từ nơi này sang nơi khác, điều đó rất là nguy hiểm”.
Chia sẻ quan điểm này, các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp cho rằng, những nơi sản xuất phải đảm bảo các điều kiện: những người tham gia dây chuyền sản xuất, vận chuyển không thuộc đối tượng bị cách ly và nguy cơ lây nhiễm bệnh... Quá trình khai thác vận chuyển đến Hà Nội phải được kiểm dịch, phun khử khuẩn.
Ông Trần Đức Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam cho rằng: “Hải Dương là một trong những nơi chuyên canh sản xuất các loại thực phẩm sạch. Hiện nay vì e ngại vì dịch bệnh mà người tiêu dùng khó tính với sản phẩm thì sẽ làm cho người dân thiệt hại nặng nề hơn, lãng phí của xã hội. Còn về vấn đề nhà nước khi đưa các sản phẩm vào lưu thông và đặc biệt là qua các kênh phân phối có uy tín thì chắc chắn là người dân có thể yên tâm đã có sẵn các quy trình để kiểm duyệt các thực phẩm đảm bảo”.
“Chống dịch nhưng không để hàng hóa khó lưu thông” - Hải Dương cũng đề nghị Chính phủ cần sớm có chỉ đạo, tránh tình trạng tê liệt trong lưu thông hàng hóa mà nông sản là đối tượng trước tiên, sau đó là các ngành sản xuất công nghiệp. Đồng thời nhấn mạnh, Hải Dương sẽ đảm bảo điều kiện phòng dịch thì mới cho hàng hoá lưu thông ra thị trường để người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng./.
Nguyễn Hằng/VOV1