Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, giai đoạn 2016-2020 nền kinh tế vẫn bộc lộ một số hạn chế, đó là mô hình tăng trưởng có thay đổi nhưng chậm, hiệu quả đầu tư chưa cao, giải ngân vốn đầu tư công chậm, chất lượng quản trị doanh nghiệp chưa được cải thiện rõ nét, khu vực kinh tế tư nhân chưa đáp ứng được vai trò là động lực quan trọng... Khắc phục những hạn chế này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng dự thảo Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 trình Thủ tướng Chính phủ.
Kế hoạch có mục tiêu tổng quát là tạo nên thay đổi rõ nét trong mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào tăng năng suất, hiệu quả, nâng cao tính tự chủ và khả năng thích ứng của nền kinh tế; từng bước tạo lập hệ thống động lực và các yếu tố nền tảng để hướng tới nền kinh tế dựa vào đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững.
Trong đó, đáng chú ý, kế hoạch đặt ra các mục tiêu quan trọng: Tốc độ tăng năng suất lao động đạt 6,5-7%/năm; nâng cao đóng góp của ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo để chiếm khoảng 45-50% tốc độ tăng trưởng của cả nước; thu hẹp khoảng cách về năng lực cạnh tranh với các nước trong nhóm ASEAN-4; hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công và tổ chức tín dụng, duy trì nợ công không quá 60% tổng sản phẩm trong nước (GDP).
Đến năm 2025, có ít nhất 20 sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, xây dựng được thương hiệu trên thị trường quốc tế; 50% số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ tham gia vào mạng lưới sản xuất các tập đoàn đa quốc gia, cung ứng 30% nhu cầu trong nước; tăng cường khai thác thị trường trong nước, đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu; kinh tế số chiếm 20% GDP.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng, trong bối cảnh hiện nay còn nhiều khó khăn, đòi hỏi sự tỉnh táo, quyết tâm của Chính phủ, cơ quan chức năng để phát huy lợi thế và tạo được bứt phá trong thời gian tới. Trong đó, tiếp tục quan tâm thỏa đáng cải thiện chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong nước. Đặc biệt, cần có giải pháp để tiếp thu, nghiên cứu và phát huy tiến bộ khoa học - công nghệ, giúp nâng cao năng suất lao động.
Theo ông Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, để thực hiện tốt cơ cấu lại nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu phát triển, cần chú trọng vào lĩnh vực trọng tâm với các giải pháp bao gồm: Cơ cấu lại đầu tư công đi đôi với hoàn thiện thể chế quản lý, bảo đảm hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế, ưu tiên đổi mới cách thức thẩm định, đánh giá, lựa chọn dự án đầu tư.
Tiếp theo, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, tăng tốc độ cổ phần hóa, nâng cao thực chất trình độ quản trị, tăng cường tính công khai, minh bạch trong quản lý doanh nghiệp. Cơ cấu lại thị trường tài chính, trọng tâm là các tổ chức tín dụng với việc xử lý nợ xấu, xây dựng thị trường vốn nhằm bảo đảm hiệu quả trung gian tài chính, cân bằng giữa phát triển thị trường tiền tệ và thị trường vốn.
Cơ cấu lại các ngành công nghiệp: Tập trung các giải pháp nhằm thúc đẩy nâng cao năng suất lao động trong ngành công nghiệp; phát triển nhanh, chuyên sâu một số ngành công nghiệp nền tảng, chiến lược, có lợi thế cạnh tranh như công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử, công nghiệp chế tạo. Cơ cấu lại các ngành dịch vụ, tập trung phát triển một số ngành có lợi thế, giá trị gia tăng cao...
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, giai đoạn 2021-2025 sẽ tập trung phát triển kinh tế tư nhân, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo bứt phá về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo. Nghiên cứu bổ sung, sửa đổi, đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ đối với các khởi nghiệp sáng tạo; đồng thời, tạo cơ chế, động lực kết nối hữu hiệu giữa đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp và các bên có liên quan khác bên cạnh việc xây dựng, phát động phong trào khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.
Theo Hanoimoi.com.vn