Thống kê trong những ngày cuối tháng 11 vừa qua, tại miền Bắc, giá lợn hơi dao động trong khoảng 50.000-51.000 đồng/kg. Tương tự, khu vực miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam, giá cũng dao động trong khoảng 49.000-53.000 đồng/kg. Tính chung từ đầu quý IV-2023 đến nay, giá lợn hơi không cải thiện, thậm chí còn giảm sâu so với cùng kỳ năm trước.
Nhìn chung, từ đầu năm 2023 đến nay, chăn nuôi lợn gặp khó khăn do giá thịt lợn hơi thấp trong khi chi phí đầu vào cao, bệnh Dịch tả lợn châu Phi quay trở lại ở một số địa phương và đang có diễn biến phức tạp hơn.
Trước những diễn biến có phần “không thuận” kể trên, ngành Nông nghiệp, đặc biệt là người chăn nuôi lợn cần nâng cao sự chủ động trước dịch bệnh, đồng thời nắm chắc nhu cầu thị trường để có kế hoạch sản xuất phù hợp, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng dịp cuối năm cũng như Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đang đến gần.
Có một điểm thuận lợi là tổng số lợn của cả nước ước tính đến thời điểm cuối tháng 11-2023 tăng 4% so với cùng thời điểm năm 2022, với số lượng khoảng 27 triệu con. Vì vậy, các cơ quan chức năng dự báo sẽ không thiếu nguồn cung mặt hàng này, chưa kể các nguồn thực phẩm khác, chắc chắn sẽ bảo đảm đầy đủ thực phẩm cho thị trường cuối năm và Tết Nguyên đán.
Vấn đề quan trọng hiện nay là các cơ quan chức năng, đặc biệt là các ngành Nông nghiệp, Công Thương… cùng các địa phương cần tăng cường theo sát diễn biến cung - cầu mặt hàng thịt lợn, nhằm tránh xảy ra đột biến cục bộ về giá; đồng thời theo dõi thị trường con giống, thức ăn chăn nuôi để có biện pháp chỉ đạo kịp thời, góp phần ổn định đầu vào cho người chăn nuôi. Ngoài ra, các địa phương cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm, trong đó có lợn hơi, đặc biệt là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới.
Người chăn nuôi cùng các nhà phân phối cần điều tiết phù hợp lượng cung cũng như kế hoạch bán hàng, chung tay cùng cơ quan quản lý nhà nước, chia sẻ lợi nhuận, có trách nhiệm với người tiêu dùng, không để giá lợn tăng “nóng”, ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát kinh tế vĩ mô của Nhà nước, nhất là thời điểm “nhạy cảm” của thị trường cuối năm và trước, trong, sau Tết Nguyên đán. Nói cụ thể hơn, các đơn vị sản xuất, kinh doanh thịt lợn và các mặt hàng nông sản thực phẩm tổ chức nuôi lợn tái đàn thận trọng, không găm hàng, thổi giá. Doanh nghiệp phân phối cung ứng hàng hóa bảo đảm chất lượng thường xuyên, liên tục tại các điểm bán hàng; phối hợp với ngành chức năng chủ động nắm nguồn cung sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất để chủ động có phương án phân phối ra thị trường.
Bên cạnh đó, để ổn định nguồn cung thịt lợn trên thị trường, trong khi chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, các hộ chăn nuôi cần chủ động phối trộn thức ăn để giảm chi phí và hướng tới chăn nuôi khép kín, an toàn sinh học. Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền cũng cần có thêm chính sách hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật… cho các trang trại chăn nuôi lớn mở rộng quy mô sản xuất, qua đó hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư, tránh ô nhiễm môi trường và nguy cơ phát sinh dịch bệnh.
Trong bối cảnh bệnh Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, ngành Nông nghiệp cần tăng cường hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc cơ sở chăn nuôi và môi trường xung quanh; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Thịt lợn là mặt hàng thiết yếu trong bữa ăn mỗi gia đình, vì thế, khi chủ động được nguồn cung và cầu sẽ góp phần bình ổn giá mặt hàng này trên thị trường.
Theo Hà Nội mới