Sau chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tới Việt Nam, ngành bán dẫn của Việt Nam được cho là đứng trước cơ hội lớn để thu hút dòng vốn hấp dẫn từ Hoa Kỳ. Tuy nhiên, để hấp thụ được dòng vốn này, cần có sự chuẩn bị kỹ càng về nhân sự chất lượng cao, bởi kỹ sư về lĩnh vực bán dẫn của Việt Nam đang rất khiêm tốn. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ KH-ĐT khẩn trương xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực trong ngành bán dẫn đến năm 2030.
Theo dự báo của một số chuyên gia, tổng nhu cầu nhân lực ngành bán dẫn trong 5 năm tới khoảng 20.000 người và 10 năm tới khoảng 50.000 người, từ trình độ đại học trở lên.
Trong giai đoạn 2019-2022, số tuyển mới sinh viên đại học khối ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông, các ngành phục vụ nhân lực cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tăng trung bình 10% mỗi năm, cao hơn so với mức tăng trưởng chung 6,5%. Thế nhưng nhìn vào thực tế, từ trước đến nay, người học và các cơ sở đào tạo thường ưu tiên lựa chọn, đầu tư vào những ngành nghề có chi phí đào tạo thấp mà thị trường lao động trước mắt có nhu cầu lớn.
Vì vậy, những ngành công nghệ vi mạch bán dẫn có số lượng sinh viên theo học và tốt nghiệp đến nay còn rất thấp. Đây chính là điểm nghẽn lớn. Do đó, bên cạnh sự định hướng rõ nét, nguồn lực hỗ trợ tương xứng và công cụ điều phối hiệu quả của Nhà nước, rất cần sự chủ động vào cuộc của các cơ sở giáo dục đại học, kết hợp cùng các tập đoàn doanh nghiệp, nhằm đào tạo nguồn nhân lực đi trước một bước.
Bộ GD-ĐT cũng đang xây dựng kế hoạch hành động trong toàn ngành để thúc đẩy triển khai đào tạo, gia tăng nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, nhất là kỹ sư thiết kế vi mạch. Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, không ai khác chính là các cơ sở giáo dục đại học.
Nhiệm vụ đầu tiên và cũng là quan trọng nhất, đó là tăng cường năng lực cho các cơ sở giáo dục đại học, cả về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và công nghệ, chương trình đào tạo, công cụ, phần mềm… Tiếp đến, cần có những giải pháp để thu hút những sinh viên đang học các ngành phù hợp, ngành gần tương tự; thu hút nhiều hơn nữa những học sinh phổ thông đăng ký vào học những ngành này.
Mặt khác, cần xây dựng những hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học với các doanh nghiệp sử dụng nhân lực, với các địa phương nơi các doanh nghiệp đang đầu tư hoặc sẽ đầu tư, nhằm chia sẻ tầm nhìn, kinh nghiệm, tối ưu hóa sử dụng các nguồn lực…
Ngày 19-10, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội thảo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. Có 5 cơ sở giáo dục đại học đã hợp tác để hình thành liên minh đại học đào tạo lĩnh vực công nghệ bán dẫn. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã nhấn mạnh đến sứ mệnh, trách nhiệm đặt lên vai toàn bộ hệ thống giáo dục đại học, rằng nếu phát triển được lĩnh vực công nghệ bán dẫn, sẽ nâng tầm được tầm của đất nước, bởi câu chuyện này không phải là câu chuyện của một lĩnh vực sản xuất bình thường.
Xã hội đang rất trông chờ ngành giáo dục cần có các giải pháp đột phá, không thể phát triển bằng kinh nghiệm cũ, thói quen cũ, cách làm cũ, mà phải có cách làm, tầm nhìn thực sự mới mẻ.
Nguồn SGGP