Kế hoạch cũng xác định một số biện pháp cụ thể cần triển khai như: Phổ biến kiến thức, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là kỹ năng ứng phó khi xảy ra tình huống thiên tai lớn, phức tạp cho các cấp chính quyền cơ sở, người dân và DN để chủ động phòng, chống, giảm thiệt hại. Đưa kiến thức phòng chống thiên tai vào chương trình đào tạo và hoạt động ngoại khóa của một số cấp học, bậc học; lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức và năng lực tại cộng đồng, sự kiện văn hóa cấp thôn, xã.
Đồng thời, tập trung xây dựng, củng cố, nâng cấp khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão kết hợp với dịch vụ hậu cần nghề cá theo quy hoạch. Tiếp tục trồng rừng phòng hộ ven biển; tu bổ, củng cố, nâng cấp hệ thống đê, kè biển; xây dựng, củng cố nhà kết hợp sơ tán dân khi có bão lũ lớn; xây dựng, củng cố hệ thống cảnh báo thiên tai đa mục tiêu…
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và nước biển dâng và dự báo thiên tai ngày càng gia tăng và có xu hướng cực đoan hơn ở hầu hết các vùng miền trên cả nước. Những năm gần đây, tình hình thiên tai tiếp tục diễn biến bất thường, khốc liệt, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Chỉ tính riêng năm 2021, tổng số người bị thiệt mạng và mất tích do thiên tai gây ra là 108 người, thiệt hại về kinh tế lên tới 5.218 tỷ đồng.
Năm 2022, theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, tình hình thời tiết tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Cụ thể trong năm, các hiện tượng thời tiết, khí hậu thường vẫn có khả năng có những biến động mạnh nên cần lưu ý đề phòng bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp, mưa lớn cục bộ, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt trong các tháng mùa mưa bão. Trong 6 tháng cuối năm 2022, lượng mưa có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt mưa nhiều hơn so với trung bình ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ vào tháng 7-9/2022 và từ tháng 9-11/2022 ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ.
Từ dự báo nêu trên, BR-VT cần thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, kịp thời thông tin đến người dân biết để chủ động phòng tránh. Đặc biệt rà soát phương án, xây dựng các kịch bản cụ thể để chủ động triển khai thực hiện khi có tình huống xảy ra, không để bị động, bất ngờ; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, trang thiết bị để huy động ứng phó các tình huống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”; bảo đảm an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, công trình đang thi công.
Ngoài ra, nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, chính quyền địa phương phối hợp cùng cơ quan liên quan tuyên truyền, hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây có nguy cơ đổ ngã ở xung quanh nhà trước mùa mưa bão. Đồng thời khẩn trương kiểm tra, rà soát đầu tư, nâng cao khả năng chống chịu trước thiên tai của công trình kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống đê điều, hồ đập, khu neo đậu tàu thuyền trú tránh bão.
Rõ ràng nếu có sự chuẩn bị tốt các phương án phòng, chống thiên tai thì khi có bão, lụt xảy ra, những thiệt hại về người và tài sản của người dân sẽ được giảm đi rất nhiều.