Trả lời:
Chủ quyền quốc gia là thuộc tính chính trị- pháp lý không thể tách rời của quốc gia. Bao gồm hai nội dung, đó là: quyền tối cao của quốc gia trong phạm vi lãnh thổ của mình và quyền độc lập của quốc gia trong quan hệ quốc tế.
Cách đây 4 thế kỷ, Francis Bacon – nhà triết học – chính trị gia người Anh đã dự báo tri thức sẽ là quyền lực trong một cuộc chiến mới. Và thực tế cho thấy, hiện nay dân số thế giới đều đã có thể tiếp cận được loại quyền lực này.
Theo quan niệm truyền thống, lĩnh vực chủ quyền quốc gia trên thế giới hiện nay được khẳng định dựa trên 4 yếu tố cơ bản, đó là: Lãnh thổ – nền tảng; dân số; tài nguyên và chính quyền. Và 4 quyền lợi cơ bản, đó là: Bình đẳng, độc lập, tự vệ và quản trị.
Căn cứ vào đó, chủ quyền không gian mạng của mỗi quốc gia cũng bao hàm 4 yếu tố cơ bản tương ứng, đó là: các hệ thống thông tin (lãnh thổ); chủ thể các hoạt động trên mạng – góc độ ảo (dân số); số liệu – đối tượng thao tác trên mạng – biểu đạt trạng thái tín hiệu theo ý đồ mà con người có thể lý giải được (tài nguyên); quy tắc xử lý và truyền số liệu (chính quyền).
Chủ quyền không gian mạng của mỗi quốc gia cũng phát triển dựa theo 4 quyền lợi cơ bản, bao gồm:
Các nước có quyền bình đẳng tham dự quản lý mạng Internet quốc tế (bình đẳng);
Nước khác không được can dự vào vận hành hạ tầng cơ sở thông tin thuộc lãnh thổ nước khác (độc lập);
Nhà nước dùng quyền lực và năng lực quân sự của mình, để bảo vệ không gian mạng của quốc gia không bị xâm phạm(tự vệ);
Truyền tải số liệu cùng các hoạt động xử lý nó thuộc quyền tư pháp và quản lý hành chính của quốc gia (quản trị).
Các lĩnh vực chủ quyền cũ mà các quốc gia (trong đó có Việt Nam) khẳng định bao gồm: đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời là không gian vật lý và được gọi là không gian thứ nhất. Không gian mạng (không gian ảo do con người tạo ra) được coi là không gian thứ hai./.
TĐ