Với sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng công nghệ lớn, mạng xã hội đã trở thành môi trường giao tiếp chính, gần gũi của người dân, đi vào từng ngõ ngách của cuộc sống. Tuy nhiên, mạng xã hội cũng chính là môi trường chủ yếu phát tán các quan điểm sai trái, thù địch, tin giả, thông tin xấu, độc. Chính vì vậy, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội là vấn đề cấp bách hiện nay, gắn với vai trò, trách nhiệm cụ thể của các chủ thể và sự đa dạng, phù hợp về nội dung.
Mạng xã hội và những mặt trái
Với tính chất là một hệ thống cho phép người dùng có thể kết nối, giao lưu, chia sẻ những thông hữu ích trên nền tảng Internet, mạng xã hội mang lại cho con người rất nhiều những lợi ích như: cập nhật tin tức, kết nối các mối quan hệ, kinh doanh, quảng cáo... Do đó, mạng xã hội đã tạo nên một cộng đồng có giá trị, nâng cao vai trò của mỗi người dùng trong việc xây dựng các mối quan hệ xã hội. Tại Việt Nam, có khoảng 270 mạng xã hội được cấp giấy phép hoạt động với khoảng 35 triệu người dùng, chiếm 37% dân số, trong đó những mạng xã hội lớn, được sử dụng nhiều nhất do các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp, phổ biến nhất là Facebook, Youtube, Zalo và mới nổi lên là Tik Tok.
Bên cạnh những tiện ích đáp ứng nhu cầu của tổ chức, cá nhân, mặt trái của mạng xã hội đã gây nên những hệ lụy rất đáng báo động. Đây là mảnh đất màu mỡ để các tội phạm công nghệ cao có thể sống “cộng sinh”, lừa đảo, trục lợi về kinh tế, nơi các thế lực thù địch, phần tử xấu triệt để lợi dụng để phát tán quan điểm sai trái, xuyên tạc, xúc phạm cá nhân, gây nhiễu cộng đồng, dẫn dụ cư dân mạng vào những lối sống lệch chuẩn, phi chính trị, phai nhạt lý tưởng cách mạng.
Chính vì vậy, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là yêu cấp thiết.
Nâng cao trách nhiệm của chủ thể và đổi mới nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng
Với đặc tính thông tin nhanh, nhiều chiều trên mạng xã hội, nếu không có sự chủ động, định hướng thông tin từ sớm, “đi trước” thì sẽ chỉ luôn chạy sau kẻ địch. Nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh trên không gian mạng cần hướng đến cung cấp các kiến thức mang cơ bản, mang tính định hướng, nâng cao nhận thức cho cư dân mạng về những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, những kiến thức cần thiết về sử dụng mạng xã hội thông thái, có trách nhiệm, những khung khổ pháp lý để điều chỉnh hành vi của cán bộ, đảng viên trên không gian mạng. Với những vấn đề “nóng”, “nổi” cần sớm cung cấp thông tin chính thống để định hướng dư luận, không tạo khoảng trống để thông tin sai lệch, xuyên tạc có “đất diễn”.
Những nội dung trên cho thấy vai trò hết sức quan trọng của các cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội. Trên mặt trận này. Các cơ quan Đảng, Nhà nước phải tăng cường “hiện diện” trên mạng xã hội thông qua các tài khoản chính thống, tương tác thường xuyên với cộng đồng; chuyển tải nhanh các thông tin về tình hình kinh tế, chính trị - xã hội trong và ngoài nước, chủ trương xử lý các vụ việc phức tạp, nhạy cảm; cung cấp những kiến thức cơ bản về an ninh mạng, văn hóa ứng xử trên mạng xã hội, có ý thức và bản lĩnh chính trị vững vàng khi tham gia mạng xã hội để họ có được “sức đề kháng” chống lại các thông tin độc hại.
Các cơ quan báo chí, các nhà báo đại diện cho các cơ quan truyền thông đại chúng có uy tín và tầm ảnh hưởng, những cán bộ làm công tác tư tưởng, giới khoa học nghiên cứu các vấn đề chính trị - xã hội không chỉ tham gia định hướng dư luận thông qua các bài báo được đăng tải trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, không chỉ là những người sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm mà còn phải tham gia với tư cách cá nhân để định hướng dư luận, cung cấp những góc nhìn đúng đắn, tích cực.
Những người có uy tín, những người nổi tiếng trên mạng xã hội (KOLs) là chủ thể đặc biệt trên không gian mạng, thường được sự chú ý của dư luận xã hội và của cộng đồng mạng, có sức ảnh hưởng lớn đối với cộng đồng mạng. Mọi thông điệp, mọi bài viết của họ đều được cộng đồng mạng quan tâm và chia sẻ. Do vậy, số này cần thể hiện các quan điểm, chính kiến cá nhân theo đúng quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chia sẻ thông tin của các cơ quan truyền thông đại chúng chính thống.
Đội ngũ cán bộ, đảng viên, sinh viên, những cộng đồng thường xuyên sử dụng mạng xã hội là lực lượng đông đảo bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội hữu hiệu nhất. Đội ngũ này phải là những cư dân mạng có trách nhiệm, thông thái, không vô ý lan truyền những thông tin sai trái, thù địch. Đồng thời, cần xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về luật an ninh mạng; cần có cơ chế pháp lý trong việc đăng bài, duyệt bài, xóa bài, xóa bình luận nếu vi phạm qui định về an ninh mạng.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội phải được tổ chức phù hợp với các đặc điểm của mạng xã hội, không chỉ cung cấp thông tin tốt, ngăn chặn thông tin xấu mà còn phải hình thành khung khổ pháp lý, đạo đức và ứng xử để điều chỉnh hành vi của cư dân mạng. Và quan trọng hơn, phải hướng tới xây dựng cộng đồng mạng có trách nhiệm, coi đây là sức mạnh tự thân để đấu tranh lấn át các quan điểm sai trái, thù địch nay từ khi chúng mới được phát tán trên không gian mạng..
T.H