Nhận diện căn bệnh "phai Đoàn"
“Phai Đoàn” là tình trạng “mờ dần” của tổ chức Đoàn khi không giữ được vị trí, vai trò là trường học XHCN của thanh niên. ĐVTN không giữ được mục tiêu, lý tưởng, tinh thần xung kích, sáng tạo, cống hiến của tuổi trẻ. Biểu hiện khác là một bộ phận thanh niên thiếu niềm tin vào tổ chức Đoàn; không giữ được lập trường tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống của người thanh niên cách mạng.
Bệnh “phai Đoàn” còn có thể nhận diện qua các “triệu chứng” thường gặp: Ngại sinh hoạt Đoàn; không muốn phấn đấu trở thành đảng viên; lối sống thực dụng, đề cao vật chất quá mức; thoái thác nghĩa vụ công dân; phấn đấu cầm chừng, ngại rèn luyện…
Tại Lạng Sơn, thời gian qua, tổ chức Đoàn đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng hoạt động, đưa hoạt động hướng mạnh về cơ sở. Song, trên thực tế, hoạt động của các tổ chức Đoàn đã bộc lộ một số hạn chế nhất định: Lực lượng đoàn viên mỏng, chất lượng hoạt động của các chi đoàn còn thấp, sinh hoạt chi đoàn chưa được tổ chức thường xuyên.
“Nội dung, hình thức sinh hoạt và hoạt động còn thiếu hấp dẫn, ít sáng tạo, chưa đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn hiện nay, nhất là ở địa bàn dân cư. Vai trò của người đoàn viên chưa được phát huy; khả năng vận động, tập hợp ĐVTN còn nhiều hạn chế. Một bộ phận đoàn viên còn thụ động, ý thức xây dựng tổ chức chưa cao, tình trạng bỏ sinh hoạt đoàn, thờ ơ với hoạt động và sinh hoạt của tổ chức đoàn vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi”. Một số đơn vị triển khai chủ trương 1+2 chưa quyết liệt. Việc sắp xếp, luân chuyển cán bộ Đoàn quá tuổi theo Quy chế cán bộ Đoàn gặp nhiều khó khăn. Chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, tạo nguồn cán bộ Đoàn chưa đáp ứng yêu cầu, nguồn để bồi dưỡng cán bộ làm công tác Đoàn còn hạn chế. Công tác quản lý đoàn viên, đoàn vụ tại nhiều cơ sở Đoàn thực hiện chưa đúng quy định. Tình trạng chi đoàn, Đoàn cơ sở không nắm rõ đoàn viên do mình quản lý, đoàn viên sinh hoạt hai chiều, sự biến động của đoàn viên vẫn diễn ra.
Việc duy trì sinh hoạt chi đoàn 1 tháng/1 lần tại khu vực địa bàn dân cư, chưa đảm bảo. Nội dung, phương thức sinh hoạt, hoạt động của chi đoàn, đoàn cơ sở gắn với nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên chậm được đổi mới, thiếu hấp dẫn. Chỉ tiêu phấn đấu ít nhất 60% đảng viên mới được kết nạp từ đoàn viên ưu tú không đạt chỉ tiêu đề ra. Công tác tham gia giám sát, phản biện xã hội của nhiều cơ sở Đoàn thực hiện chưa hiệu quả. Đặc biệt là tỷ lệ đoàn kết tập hợp thanh niên trong nhiệm kỳ 2017-2022 chỉ đạt 67%.
Cần phương thuốc hữu hiệu
Với lực lượng hùng hậu, trên gần 170 nghìn đoàn viên, khắc phục bệnh “khô Đoàn” là nhiệm vụ quan trọng đối các cấp bộ Đoàn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Theo đó, những vấn đề căn cốt mà các tổ chức, đoàn thể, nhất là tổ chức Đoàn đã, đang và sẽ phải kiên trì, kiên quyết thực hiện là: Nhận thức, đánh giá đúng biểu hiện và tính nguy hại của bệnh “phai Đoàn” ở một bộ phận thanh niên hiện nay. Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu trong tổng thể hệ thống giải pháp phòng ngừa biểu hiện “phai Đoàn”; là yêu cầu bắt buộc đối với các cấp ủy, chi bộ, đảng bộ cũng như các cấp bộ Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên, tổ chức giáo dục và quản lý thanh niên phải tiến hành. Trước hết Giải pháp đầu tiên là tổ chức Đoàn toàn tỉnh cần chủ động đổi mới và tăng cường tuyên truyền, giáo dục ĐVTN sống có lý tưởng, có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội; xây dựng và duy trì hiệu quả hoạt động của CLB Lý luận trẻ và đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội của Đoàn. Tổ chức Đoàn chủ động, đấu tranh với các luận điệu sai trái, phản động và khuyến cáo ĐVTN về những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch để cảnh giác.
Mặt khác, cần tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi. Tuyên truyền rộng rãi về những giá trị hình mẫu đoàn viên, thanh niên, đội viên thời kỳ mới “Tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn”, tổ chức các diễn đàn thảo luận về phẩm chất trung thực, trách nhiệm và nghị lực trong thanh niên. Phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng những hình mẫu thanh niên trên các lĩnh vực. Tăng cường rèn luyện tác phong, thực hiện lề lối công tác, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu, trung thực, trách nhiệm của cán bộ đoàn. Xây dựng và thực hiện quy chế văn hoá công sở trong cơ quan Đoàn các cấp.
Triển khai các phong trào hành động cách mạng đảm bảo tính rộng khắp, tính định hướng, tính hiệu quả, tính bền vững, tính sáng tạo, trong đó, chú trọng lấy thanh niên là trung tâm, chủ thể của hoạt động. Lựa chọn những mô hình, cách làm hiệu quả để nhân rộng theo hướng có chiều sâu, bền vững trong toàn Đoàn, tạo dấu ấn xã hội tích cực.
Các cấp bộ đoàn tổ chức vận động đoàn viên, thanh niên tham gia phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, ứng dụng sâu rộng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao thu nhập, hỗ trợ thanh niên nông thôn thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng; bảo vệ môi trường; xây dựng đời sống văn hóa, bài trừ các hủ tục ở nông thôn; giữ gìn an ninh và trật tự xã hội nông thôn. Tập trung nhân rộng một số mô hình, giải pháp hiệu quả trong hỗ trợ thanh niên làm kinh tế, các công trình, phần việc thanh niên tham gia xây dựng nông thôn mới.
Tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện cho thanh niên có cơ hội bình đẳng trong học tập, rèn luyện, phát triển toàn diện, tập trung vào những nhu cầu thiết thực, chính đáng của thanh niên. Chú trọng nâng cao năng lực số, năng lực sử dụng ngoại ngữ để thanh niên chủ động tham gia, nắm bắt và tận dụng tối đa cơ hội của chuyển đổi số, tạo nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao chuẩn bị cho những bước phát triển nhảy vọt của đất nước.Triển khai hiệu quả các hoạt động “Tiếp sức đến trường”. Phát triển các quỹ, học bổng, giải thưởng hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế, khuyết tật đến trường. Vận động học sinh đã bỏ học và có nguy cơ bỏ học trở lại trường. Tổ chức các hoạt động cổ vũ, hỗ trợ nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề, bổ sung tri thức mới phù hợp với từng đối tượng thanh niên, lĩnh vực nghề nghiệp. Nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề và đào tạo lại nhằm nâng cao kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng được yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tăng cường mô hình kết nối các trường đại học, cơ sở nghiên cứu với doanh nghiệp. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm do Đoàn quản lý.
Đồng hành với thanh niên nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần: Phát triển sâu rộng các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao phù hợp cho từng đối tượng thanh niên, trong đó, quan tâm đến các hoạt động dành cho thanh niên công nhân, nông thôn, yếu thế, khuyết tật. Phát động cuộc vận động “Mỗi thanh niên ít nhất một môn thể thao làm bạn”. Đẩy mạnh phong trào “Mỗi thanh niên 10.000 bước chân mỗi ngày”. Tăng cường các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về tác hại của ma túy, rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích.
Phát huy vai trò “tự phát hiện và tự chữa bệnh” của mỗi thanh niên. Đây là một trong những giải pháp quyết định tính hiệu quả trong “khắc phục và chữa trị” bệnh “phai Đoàn” ở một bộ phận thanh niên hiện nay. Bởi suy đến cùng, mọi phương thức tác động của các chủ thể “chữa bệnh” chỉ có hiệu quả khi và chỉ khi “người bệnh” chủ động tiếp nhận, biến quá trình “điều trị” thành quá trình “tự điều trị”. Theo đó, cần khuyến khích và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho thanh niên nâng cao năng lực tự nhận thức và chỉ ra những biểu hiện “lâm sàng” đối với bạn bè, đồng chí, đồng đội; đồng thời, cần có cơ chế để khuyến khích thanh niên tích cực, chủ động phòng ngừa “bệnh” ở mọi lúc, mọi nơi, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh với tinh thần xung kích của tuổi trẻ.
Phòng ngừa bệnh “phai Đoàn” - một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị” như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã căn dặn, không chỉ là lương tâm, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là các cấp bộ Đoàn, Hội, mà còn là sứ mệnh của mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh niên Việt Nam hiện nay. Chỉ có như vậy thì thanh niên mới thực sự là trường cột của nước nhà, là chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
LS