Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hỏi, tìm hiểu hoạt động sản xuất của nông dân xã Ái Quốc (TP Hải Dương, trước đây thuộc huyện Nam Sách) ngày 31/5/1957
Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới, gồm 6 điều. Trong 6 điều có 5 điều đề cập đến chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên và 1 điều về tổ chức thực hiện.
Cụ thể, các chuẩn mực đạo đức là “yêu nước, tôn trọng nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm; gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời”. Trong Quy định số 144-QĐ/TW đã diễn giải cụ thể từng chuẩn mực.
Nghiên cứu các chuẩn mực nêu trên, thấy rằng Bộ Chính trị đã kế thừa nhiều chuẩn mực đạo đức truyền thống, có giá trị bền vững do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra trước đây. Chẳng hạn, chuẩn mực đạo đức “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” đã được Bác Hồ nhiều lần nhắc đến khi Người còn sống và bản thân Bác là tấm gương sáng ngời của những phẩm chất cao đẹp ấy.
Từ khi thành lập Đảng đến nay, Đảng ta và Bác Hồ cũng luôn yêu cầu các cán bộ, đảng viên phải suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng cách mạng của Đảng; nêu cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với sự nghiệp cách mạng của Đảng; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; tôn trọng, tin tưởng, gần gũi và gắn bó mật thiết với nhân dân; việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại đến dân phải hết sức tránh…
Bên cạnh kế thừa những chuẩn mực truyền thống, Bộ Chính trị còn bổ sung, phát triển những chuẩn mực mới, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu xây dựng Đảng, phát triển đất nước. Đất nước ta đang trong giai đoạn đổi mới, hội nhập mạnh mẽ với thế giới, sự sáng tạo là động lực then chốt để phát triển nên các chuẩn mực mới của cán bộ, đảng viên cũng đặt ra yêu cầu “bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập”. Quy định số 144-QĐ/TW yêu cầu cán bộ, đảng viên phải dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thách thức, hành động vì lợi ích chung, vì nước, vì dân; chủ động nâng cao kiến thức, kỹ năng, năng lực công tác, làm việc trong môi trường quốc tế… Trong mối quan hệ giữa nói và làm, quy định nêu rõ: “Nói đi đôi với làm, làm đi đôi với nói, đã nói là làm”.
Quy định số 144-QĐ/TW đã làm rõ, nhấn mạnh vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đó là cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao thì sự nêu gương phải càng cao và không để gia đình, người thân, người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi, đồng thời tích cực vận động gia đình, người thân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Một điểm mới khác tiến bộ là Quy định số 144-QĐ-TW đề ra chuẩn mực đạo đức “cán bộ, đảng viên thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín”. Chuẩn mực mới này xuất phát từ thực tiễn gần đây. Đó là không ít cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao vi phạm Điều lệ Đảng, trách nhiệm nêu gương, vi phạm pháp luật… đã xin từ chức. Trong những trường hợp này, việc từ chức thể hiện nhận thức rõ trách nhiệm cá nhân khi không còn đủ khả năng, uy tín đảm nhiệm trọng trách.
Quy định số 144-QĐ/TW là một thước đo rất quan trọng cho các cán bộ, đảng viên trong mọi hành động, công việc, phấn đấu không ngừng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn mới. Các chuẩn mực đặt ra cũng sẽ là một căn cứ không thể thiếu để chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.
Theo Báo Hải Dương