Những đổi thay trong cách nói, cách làm của từng người đã có những biến chuyển theo chiều hướng tích cực. Những giằng co các giá trị xưa - nay trong văn hóa ứng xử của người Hà Nội đã dần được định hình, để tạo nên hình ảnh người Hà Nội trong thời đại mới.
Bề dày văn hóa không dễ xô đổ
Hà Nội từ sau khi mở rộng địa giới hành chính, người dân ở bốn xứ Đông, Nam, Đoài, Bắc nhập về TP, để Hà Nội giờ đây có cả người Dao, người Mường. Hà Nội cũng có những làng Tây, làng Hàn Quốc hay các cộng đồng dân cư Âu, Á khác.
“Đủ để thấy Hà Nội bây giờ phong phú, nhưng phức tạp nhường nào. Chính vì vậy, không thể hỏi lối sống như cái thời Hà Nội được khuôn lại trong “Nhị Hà quanh Bắc sang Đông, Kim Ngưu Tô Lịch là sông bên này...” - GS.TS Lê Hồng Lý - Viện Nghiên cứu văn hóa bày tỏ.
Lễ hội Carnival đường phố Hà Nội tại không gian phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Công Hùng |
GS Lê Hồng Lý cho rằng, điều khác biệt với truyền thống là nếu trước đây Hà Nội trầm mặc, tĩnh tại hơn, chậm rãi, ung dung và tự tại hơn thì ngày nay, nhịp sống nhanh hơn, áp lực hơn. Những thông tin đa chiều tác động không nhỏ đến đời sống Hà Nội. Cuộc sống bề bộn, gấp gáp của kinh tế thị trường một mặt mở ra nhiều cơ hội làm ăn, sáng tạo cho người dân, song lại lấy đi của họ sự bình thản, tĩnh lặng, sự chiêm nghiệm, suy tư trước đây. Do vậy, nhiều người, nhất là những người lớn tuổi cảm thấy nét thanh lịch truyền thống xưa đã không còn.
Có thời gian những đánh giá hành động ứng xử thiếu văn minh như: Đeo bám người nước ngoài để bán hàng, ăn xin; hành vi lệch chuẩn nơi công cộng; chen lấn, vứt rác bừa bãi, đua xe trái phép, tệ nạn xã hội... bị áp đặt là bản chất ứng xử.
Tuy nhiên, khi đại dịch Covid-19 tràn qua, những ánh nhìn đánh giá mang tính thiện cảm về văn hóa ứng xử người Hà Nội được nhân lên, khi những người con đang sinh sống và làm việc ở Thủ đô lan tỏa các chương trình phần quà miễn phí: Ai cần thì lấy, hay các địa điểm phát khẩu trang, hoặc dựng ATM gạo miễn phí không chỉ ở Hà Nội mà mở ra ở các tỉnh thành thì nhiều nhận xét nét văn hóa về tình người Tràng An đã không bị phôi phai.
Để Hà Nội ngày càng văn minh
Hơn 10 năm cho một chặng đường để Hà Nội thực hiện mục tiêu, chương trình xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Trên con đường đó, nhiều người vẫn nhớ về người Tràng An một thời: “Yêu văn, yêu hoa, sành mỹ thuật, ăn mặc đơn sơ và trang nhã, dễ hòa hợp với bà con phường, xóm; ghét cay ghét đắng những chuyện tục tằn kệch cỡm”- nhà văn Hoàng Đạo Thúy viết trong cuốn “Hà Nội thanh lịch”. Giao thoa thanh lịch truyền thống với văn minh hiện đại trong nếp sống của người Hà Nội hôm nay, theo các chuyên gia, đó là tất yếu của quá trình phát triển.
Nhìn nhận những vấn đề đặt ra đối với phát triển văn hóa Hà Nội, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong từng nhấn mạnh, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa tương xứng với yêu cầu phát triển, chưa hình thành được hệ giá trị nhân cách với các chuẩn mực rõ ràng về đạo đức, lối sống của người Hà Nội, chưa tạo được chuyển biến rõ nét về văn hóa ứng xử của người dân. Quy tắc ứng xử đã được Hà Nội triển khai thực hiện nhưng vẫn còn những vi phạm của cán bộ, công chức trong ứng xử với đồng nghiệp và Nhân dân...
Để khắc phục một vài hiện tượng xấu xí, tăng cường công tác tuyên truyền xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, sau khi ban hành 2 Quy tắc ứng xử, năm 2019, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND về việc đẩy mạnh tuyên truyền xây dựng nếp sống văn hóa, trật tự, kỷ cương, văn minh đô thị gắn với việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP.
Chủ tịch UBND TP yêu cầu các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội từ TP đến cơ sở tập trung tuyên truyền thực hiện: Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong hệ thống chính trị, trong các cơ quan, đơn vị, thôn, làng, tổ dân phố, mỗi gia đình và các tầng lớp Nhân dân. Xây dựng văn hóa người Hà Nội “nói lời hay, làm việc tốt, ứng xử đẹp”. Giáo dục lịch sử, truyền thống, văn hóa, nếp sống và bồi dưỡng phẩm chất người Hà Nội, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Những chỉ đạo của các cơ quan chính quyền được người dân nhiệt liệt hưởng ứng triển khai, để người Hà Nội càng thân thiện dễ mến.
"Thời gian gần đây là giai đoạn có nhiều cú sốc văn hóa, nhiều điều chưa đẹp, xô bồ, lộn xộn..., song chắc chắn sẽ dần dần được điều chỉnh để định hình một sự thanh lịch mới của Hà Nội. Sự thanh lịch đó không còn đúng như thời của Phạm Đình Hổ, của Hoàng Đạo Thúy hay những năm sau đó, mà sẽ có nhiều thay đổi để phù hợp với lối sống hiện đại hôm nay" - GS.TS Lê Hồng Lý - Viện Nghiên cứu văn hóa "Để xứng đáng là người Hà Nội thanh lịch thì trong tự thân mỗi người, từ trong cách làm, cách ăn nói, ăn mặc, ăn ở, ăn chơi, ăn uống, ăn diện... tất cả đều phải uyển chuyển. Rất diện nhưng không phô trương, cẩn thận nhưng không cầu kỳ, kín đáo mà vẫn ấn tượng. Người Hà Nội luôn tự hào về nét thanh lịch của mình và coi đó như một hình ảnh đặc trưng riêng của con người đất kinh kỳ" - PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ - nguyên Trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội. |
Theo Kinh tế và Đô thị