Let’s Feast Vietnam - Hành trình kỳ thú đang nhận được sự quan tâm trước ngày lên sóng chính thức. Hiển nhiên, sự chờ đợi của khán giả có căn cứ khi chương trình quy tụ 14 nhà sáng tạo nội dung trẻ trung, cá tính và hài hước, tài năng đến từ 6 quốc gia châu Á. Họ sẽ cùng nhau hội ngộ và khám phá vẻ đẹp văn hóa, ẩm thực, du lịch Việt Nam.
Cùng thời điểm, một chương trình có chủ đề tương tự là Hành trình rực rỡ cũng được khán giả đón nhận tích cực. Qua 10 tập phát sóng, chương trình thu hút hàng trăm triệu lượt người xem (view) trên các nền tảng số. Phía nhà sản xuất cho biết, chương trình ra đời với mong muốn đem đến một chương trình giải trí kết hợp khám phá, tôn vinh lịch sử, văn hóa tại các địa danh trên cả nước, từ đó khơi dậy niềm tự hào dân tộc, đồng thời quảng bá và phát triển mạnh mẽ du lịch nước nhà. Đáng chú ý, Hành trình kỳ thú và Hành trình rực rỡ đều là phiên bản thuần Việt.
Hai ví dụ trên cho thấy việc chuyển hướng của các đơn vị sản xuất gameshow và truyền hình thực tế dường như không chỉ “gãi đúng chỗ ngứa” của khán giả, mà còn vạch ra hướng đi mới, thoát khỏi những lối mòn hiện nay. Thực tế, sóng truyền hình đang nhan nhản các chương trình về thi thố tài năng, hẹn hò, ca hát, hài hước… Bản thân nhiều đơn vị thừa nhận họ loay hoay trong việc tìm những chương trình phù hợp, thu hút. Rất nhiều chương trình đã “chết yểu” chỉ sau một mùa lên sóng vì không đủ sức níu khán giả.
Chúng ta từng có bài học thành công từ các chương trình đã sản xuất hay kinh nghiệm từ nước bạn, nhất là Hàn Quốc, với những thành công vang dội của Running Man, 2 days - 1 night… mà Việt Nam đã mua bản quyền về sản xuất. Một thuận lợi khác đến từ việc bùng nổ của mạng xã hội mang đến nhiều lợi thế trong việc quảng bá, thu hút không chỉ trong phạm vi Việt Nam. Như Hành trình kỳ thú đã quy tụ nhiều nhân vật nổi tiếng tầm quốc tế, được phát sóng trên toàn châu Á thông qua nền tảng Netflix hứa hẹn mang lại sự phổ biến rộng khắp.
Tuy nhiên, ai cũng hiểu sản xuất các chương trình này đặt ra rất nhiều thách thức. Đó là câu chuyện “hao tài tốn của” gấp nhiều lần so với các chương trình được ghi hình trong trường quay, lại chịu vô vàn tác động từ các yếu tố ngoại cảnh trong quá trình sản xuất. Thời gian ghi hình dài, đội ngũ sản xuất lên đến hàng trăm người… kéo theo chi phí cao, chưa kể những rủi ro về con người. Sự ủng hộ của khán giả là động lực quan trọng nhưng nó chưa hẳn đảm bảo doanh thu để các đơn vị sản xuất chấp nhận mạo hiểm, thậm chí sẵn sàng bù lỗ. Bài toán này đặt ra vấn đề, nếu các đơn vị sản xuất tiếp tục đơn thương độc mã trong hành trình này thì không ai dám chắc sẽ có những mùa tiếp theo của các chương trình hiện hữu hay sự xuất hiện của các chương trình mới.
Do đó, nó đòi hỏi sự chung tay nhiều hơn nữa từ các bên liên quan, trong đó có cả cơ quan quản lý nhà nước. Sự hỗ trợ này có thể đến theo nhiều cách khác nhau, có thể là về vật chất hay tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình ghi hình… Đặc biệt, với các địa phương là điểm dừng chân của các chương trình, sự phối kết hợp nhuần nhuyễn thiết nghĩ cũng giúp đôi bên cùng có lợi. Hành trình kỳ thú may mắn có sự đồng hành của Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VH-TT-DL), Meta và nhiều thương hiệu Việt. Hay như 2 ngày 1 đêm, Hành trình rực rỡ… cũng có nhiều nhãn hàng tài trợ.
Khi có sự tham gia nhiều hơn nữa từ các nguồn lực xã hội hóa khác nhau sẽ là tiền đề để các chương trình này tăng cả về số lượng và chất lượng. Chúng ta đang kỳ vọng vào cú bắt tay giữa du lịch và điện ảnh thông qua các chiến lược thu hút, tạo điều kiện về hợp tác sản xuất, nhất là với nước ngoài. Thiết nghĩ, ở lĩnh vực truyền hình, những sự hợp tác như thế cũng cần được nhân rộng, thậm chí có thể đi trước một bước.
Nguồn SGGP