Xử lý mâu thuẫn bằng bạo lực
Ngày 18/3/2021, mạng xã hội lan truyền một đoạn clip ghi lại cảnh đánh nhau của nhóm nữ sinh lớp 8 ở tỉnh Đồng Tháp. Hình ảnh từ clip cho thấy một nữ sinh bị nhóm nữ sinh khác kéo từ trên xe máy xuống, dùng mũ bảo hiểm đánh, dùng chân đạp vào người nạn nhân kèm theo những lời mắng chửi thô tục. Nguyên nhân dẫn đến xô xát được xác định là do mâu thuẫn trong chuyện tình cảm.
Ngày 15/3/2021, xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ, 2 nữ sinh của một trường THCS ở tỉnh Kiên Giang đã lao vào đánh nhau dữ dội tại một bãi đất trống. Thay vì ngăn cản lại có rất đông người đứng xem và dùng điện thoại ghi lại vụ việc rồi đăng lên mạng xã hội.
Trước đó, ngày 12/3/2021, trên mạng xã hội cũng lan truyền clip dài hơn 5 phút ghi lại cảnh 2 nữ sinh đánh nhau ngay trong lớp học của một trường THPT ở TP.HCM. Trong lúc 2 nữ sinh này đánh nhau, một số học sinh khác không những không can ngăn mà còn cổ vũ, thậm chí tham gia hành hung một trong 2 nữ sinh này và kêu gọi chốt cửa. Nguyên nhân được cho là các nữ sinh này có mâu thuẫn trên mạng xã hội từ trước.
TS tâm lý Nguyễn Thu Hồng, Trường đại học Sư phạm TP.HCM nói chuyện về văn hóa ứng xử trong trường học tại Trường TH-THCS-THPT Song ngữ Lạc Hồng. Ảnh: Internet
Điểm chung của các vụ xô xát của các học sinh thời gian qua đều xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ trong chuyện tình cảm hoặc chỉ vì hiểu lầm trong giao tiếp hoặc sự thách thức từ bạn bè… mà các em sẵn sàng dùng bạo lực để giải quyết. Điều đáng lo là khi vụ việc xảy ra, những học sinh chứng kiến không hề can ngăn mà còn cổ vũ, quay clip đưa lên mạng xã hội…
Phối hợp đồng bộ để giáo dục tốt kỹ năng sống cho học sinh
Theo TS Lê Minh Công, Phó trưởng khoa Công tác xã hội, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), hành vi bạo lực học đường như xâm phạm thân thể, tinh thần của học sinh hiện nay có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân là do các phương pháp giáo dục về văn hóa ứng xử trong nhà trường, gia đình chưa đáp ứng kịp yêu cầu của sự phát triển, đặc biệt trong bối cảnh bùng nổ công nghệ số. Học sinh ngày nay dễ tiếp cận và bị ảnh hưởng trực tiếp từ các thông tin xấu, độc, bạo lực trên internet, đặc biệt trên mạng xã hội, game online.
Theo TS Lê Minh Công, để hạn chế bạo lực học đường, mỗi gia đình cần có sự quan tâm, chia sẻ với con các vấn đề xung quanh trường lớp. Đồng thời định hướng cho trẻ cách ứng xử, các kỹ năng và kinh nghiệm sống cần thiết, giúp cho trẻ tự bảo vệ bản thân khỏi các nguy cơ bạo lực học đường. Đặc biệt, gia đình, nhà trường cần quan tâm đến các nội dung trẻ tiếp cận trên mạng xã hội, hướng các em xem các chương trình lành mạnh, tích cực; tránh xa những nội dung xấu, độc, bịa đặt, bạo lực, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, hành động của trẻ. Nhà trường cần xây dựng những bộ quy tắc ứng xử, chương trình, hoạt động trải nghiệm cho học sinh giao tiếp, thực hành, ứng xử với nhau trong trường học cũng như trên không gian mạng…
Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh là biện pháp căn cơ để phòng ngừa, ngăn chặn bạo lực học đường. Ảnh minh họa: internet
Đồng quan điểm nêu trên, lãnh đạo một trường THCS tại tỉnh Đồng Nai cho rằng, hiện nay chương trình giáo dục còn nặng nề về kiến thức mà chưa thực sự chú trọng nhiều đến những kỹ năng sống. Những biện pháp chế tài như đình chỉ học, hạ hạnh kiểm… cũng chỉ là tạm thời, khó ngăn chặn từ gốc các vụ bạo lực học đường tái diễn. Ở lứa tuổi học sinh, các em chưa trưởng thành về nhận thức và trách nhiệm hành vi do chưa có sự cân bằng giữa phát triển tâm sinh lý và xã hội nên dễ bị lôi kéo, kích động dẫn tới những hành vi bạo lực bộc phát. Do vậy, người lớn cần định hướng về cách ứng xử, đặc biệt là kỹ năng sống cho các em, nhất là những giá trị đạo đức về lòng khoan dung, yêu thương, tôn trọng…
Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh không chỉ là trách nhiệm của nhà trường mà phải có sự tham gia của nhiều phía, trong đó có sự kết nối chặt chẽ của 3 lực lượng giáo dục cơ bản: Nhà trường- gia đình- cộng đồng. Gia đình đóng vai trò đặc biệt quan trọng lrong việc giáo dục và hình thành nhân cách các em từ nhỏ đến khi các em đi học và trưởng thành. Nhà trường nên tổ chức thường xuyên các hoạt động trải nghiệm đa dạng với học sinh làm trung tâm trong nói không với bạo lực học đường, kết hợp với lồng ghép nội dung về giáo dục giá trị sống; kỹ năng sống vào chương trình, nội dung và các hoạt động giáo dục khác. Phát huy vai trò của tổ chức Đoàn, Đội trong việc đồng hành cùng học sinh, sinh viên phòng ngừa, ngăn chặn bạo lực học đường./.
Quang Minh