Câu hỏi: Được biết từ năm 2018, Việt Nam bắt đầu triển khai Chương trình OCOP quốc gia, giai đoạn đầu tiên kéo dài 3 năm (2018-2020). Xin cho biết rõ những kết quả đạt được và định hướng trong thời gian tới?
Trả lời
Nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, từ năm 2018, các tỉnh, thành trong cả nước đã triển khai chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP). Kết quả triển khai 3 năm cho thấy, chương trình đã tạo ra bước tiến mới trong sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch ở các địa phương trong cả nước, góp phần đẩy nhanh xóa đói, giảm nghèo, giúp các địa phương hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới.
OCOP là gì?
OCOP (viết tắt tiếng Anh: One Commune, One Product, tức là Mỗi xã, phường một sản phẩm) là mô hình được học tập từ phong trào Mỗi làng một sản phẩm (One Village, One Product-OVOP) được khởi xướng năm 1979 tại Nhật Bản và mang lại nhiều lợi ích cho người dân nước này. OVOP có ba thành tựu lớn: một là, toàn cầu hóa sản phẩm địa phương; hai là, tăng tính sáng tạo, tự lực của địa phương; ba là, phát triển nguồn nhân lực. Đến nay, đã có hơn 40 quốc gia trên thế giới học tập mô hình này và đã rất thành công, mang lại đời sống ấm no cho người dân, đặc biệt là người dân vùng nông thôn.
Ở Việt Nam, OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn, trọng tâm là phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ, là những tiềm năng lợi thế của các địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện; là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng.
Sản phẩm OCOP được đánh giá và xếp hạng gồm 5 hạng sao:
Hạng 5 sao: Sản phẩm đạt chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế;
Hạng 4 sao: Sản phẩm đạt tiêu chuẩn, có thể nâng cấp để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế;
Hạng 3 sao: Sản phẩm đạt tiêu chuẩn, có thể phát triển lên hạng 4 sao;
Hạng 2 sao: Sản phẩm chưa đạt đầy đủ tiêu chuẩn, có thể phát triển lên hạng 3 sao;
Hạng 1 sao: Sản phẩm yếu, có thể phát triển lên hạng 2 sao.
Những kết quả chủ yếu
Sau 3 năm triển khai thực hiện, chương trình đã đạt được những kết quả chủ yếu sau:
Một là, có 4.469 sản phẩm được phân hạng từ 3 sao trở lên của 59 tỉnh, thành phố, vượt 1,86 lần so với mục tiêu đề ra.
Hai là, mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch covid-19, việc tiêu thụ sản phẩm OCOP cũng bị ảnh hưởng do chuỗi cung ứng bị đứt gãy, song mức tiêu thụ sản phẩm OCOP vẫn tăng trưởng tốt hơn so với các sản phẩm thương mại khác (mức tiêu thụ sản phẩm tăng từ 14-18%). Theo kết quả đánh giá của các địa phương, có 60,7% chủ thể OCOP đạt từ 3 sao trở lên, có doanh thu tăng bình quân 17,6%/năm; giá bán sản phẩm sau khi chính thức được công nhận OCOP tăng bình quân 12,2%.
Các địa phương đã tổ chức 66 hội chợ về sản phẩm OCOP cấp tỉnh, huyện với trên 10.000 gian hàng với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả như: hội chợ OCOP thường niên của tỉnh Quảng Ninh; chuỗi sự kiện kết nối sản phẩm các vùng miền của thành phố Hà Nội; nhịp cầu xúc tiến thương mại và đầu tư gắn với OCOP của tỉnh Đồng Tháp,… góp phần lan tỏa, nâng cao hình ảnh sản phẩm và thương hiệu OCOP Việt Nam trên thị trường. Qua đó, có 1.016 hợp đồng, bản ghi nhớ hợp tác giữa các chủ thể OCOP và đơn vị thương mại được ký kết. Trong đó có 354 chủ thể có sản phẩm được phân phối ổn định trong các hệ thống siêu thị.
Hà Nội đi đầu trong cả nước trong triển khai chương trình OCOP với 1.054 sản phẩm, trong đó có 17 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 731 sản phẩm 4 sao, 306 sản phẩm 3 sao, góp phần tạo việc làm cho trên 5.000 lao động nông thôn, nâng cao thu nhập cho hàng nghìn lao động. Để đạt được kết quả như vậy, Hà Nội đã quan tâm, chỉ đạo sát sao trong việc kết nối, giao thương, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP; chú trọng đào tạo, tập huấn, giúp cho triển khai OCOP bài bản, chuyên nghiệp; tổ chức tốt công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sức lan tỏa, giúp các chủ thể OCOP hiểu được mục tiêu, ý nghĩa của chương trình, tích cực tham gia, hưởng ứng. Tiếp nối thành công, Hà Nội đã ban hành Kế hoạch thực hiện OCOP giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu đến năm 2025 có thêm 2.000 sản phẩm được chứng nhận từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 30 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Năm 2021, có thêm ít nhất 400 sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên.
Nhiều tỉnh khác cũng đã phát triển tốt sản phẩm OCOP. Chẳng hạn Bắc Cạn có 107 sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao và 2 sản phẩm OCOP đang trình xét xếp hạng 5 sao: Miến dong Bắc Cạn đã được xuất khẩu sang thị trường rất khắt khe là Cộng hòa Séc; sản phẩm tinh bột nghệ nếp đỏ cao cấp đạt thương hiệu nông nghiệp vàng Việt Nam,…
Một số hạn chế cần khắc phục
Một là, sự vào cuộc của một số địa phương còn chậm; giai đoạn đầu, một số địa phương còn lúng túng trong cách làm, xác định lợi thế, tiềm năng và chủ thể sản xuất; một số địa phương có biểu hiện “chạy theo phong trào” thành tích, chưa đi vào thực chất, dựa vào lợi thế vùng nguyên liệu, đặc trưng văn hóa, dân tộc; chưa thực sự quan tâm đến giải pháp hỗ trợ cụ thể cho chủ thể tham gia OCOP.
Hai là, hoạt động của các hợp tác xã chủ yếu là quy mô nhỏ, năng lực nội tại yếu, do đó, chất lượng và sức cạnh tranh của hàng hóa thấp, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu, gắn với thị trường tiêu thụ.
Ba là, ứng dụng, chuyển giao các thành tựu khoa học công nghệ còn chậm; việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị rất hạn chế.
Bốn là, hầu hết các địa phương chỉ tập trung vào những sản phẩm hiện có, chưa quan tâm phát triển sản phẩm mới gắn với vùng nguyên liệu, các làng nghề truyền thống. Các sản phẩm mới chỉ dừng lại ở khâu sản xuất và tiêu thụ trực tiếp, chưa có sự tham gia sâu của khâu chế biến, bảo quản. Một số địa phương có sản phẩm trùng lặp, thiếu sáng tạo, đột phá những sản phẩm thực sự có giá trị gia tăng. Cùng một loại sản phẩm nhưng trong một tỉnh, một huyện, thậm chí trong một xã lại có hàng chục thương hiệu, nhà sản xuất khác nhau. Nếu không tập trung được các sản phẩm này vào thành một thương hiệu lớn thì sẽ không có đủ sản phẩm, sản lượng để cung cấp ra thị trường. Có hàng nghìn sản phẩm OCOP 3 đến 4 sao nhưng hầu hết chưa có thị trường rộng mở. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm đã vào được chuỗi phân phối lớn lại không đủ sản lượng để cung cấp theo nhu cầu của người tiêu dùng.
Năm là, nhiều chủ thể OCOP chưa hiểu rõ về định hướng, yêu cầu của chương trình; chưa nắm rõ các quy định của pháp luật trong sản xuất, phân phối sản phẩm; chưa quan tâm nhiều đến vấn đề kết nối vùng nguyên liệu, đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, sở hữu trí tuệ,…
Sáu là, liên kết trong sản xuất còn hạn chế, quy mô, phạm vi liên kết còn nhỏ, hình thức liên kết còn giản đơn, chủ yếu dừng lại ở hợp đồng mua bán nông sản. Công tác xúc tiến thương mại còn manh mún, thiếu đồng bộ, chưa thu hút được người tiêu dùng. Nhiều chủ thể nhỏ chưa hiểu về thị trường, chưa định hướng rõ phân khúc thị trường, các nhóm sản phẩm, chỉ dẫn địa lý cũng như đăng ký nhãn hiệu tập thể, sở hữu trí tuệ,…
OCOP có ý nghĩa gì?
Việc thực hiện thành công OCOP trong giai đoạn vừa qua có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế-xã hội.
Trước hết, OCOP đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, trong đó, người dân là chủ thể, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo. Đồng thời, chương trình này làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, hướng người dân vào kinh tế thị trường, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế ở khu vực nông thôn góp phần tái cơ cấu kinh tế nông thôn.
Thứ hai, OCOP đã đánh thức được tiềm năng, gợi mở lối đi, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, khai thác thế mạnh bản địa từ nguồn nguyên liệu tại chỗ của mỗi địa phương, vùng miền; hình thành vùng sản xuất nông sản sạch gắn với chuỗi giá trị. Để có đủ nguyên liệu sản xuất các sản phẩm OCOP, các chủ thể đã đầu tư quy hoạch, xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, sản xuất theo quy trình an toàn, đẩy lùi tập quán canh tác manh mún, nhỏ lẻ, liên kết lỏng lẻo ở nhiều địa phương, giúp phát triển công nghệ chế biến nông sản, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm.
Thứ ba, OCOP tạo ra các sản phẩm dịch vụ có chất lượng, phục vụ phát triển du lịch địa phương.
Thứ tư, OCOP góp phần tạo việc làm, giảm nghèo hiệu quả, tạo ra nhiều công ăn, việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân và thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong xây dựng nông thôn mới.
Thứ năm, OCOP góp phần làm giảm việc di dân từ nông thôn ra thành phố.
Thứ sáu, OCOP góp phần đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy sự phát triển bền vững kinh tế nông thôn.
Định hướng giai đoạn 2021-2025
Một là, nhà nước đã có định hướng rõ về cơ chế chính sách hỗ trợ cho các chủ thể tham gia OCOP, chú trọng nâng cao năng lực: triển khai bài bài việc đào tạo và chuẩn hóa nghề cho lao động tham gia; hỗ trợ đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, sở hữu trí tuệ và kết nối thị trường,…
Hai là, cần tập trung vào chuỗi sản phẩm chiến lược, chú ý phát triển sản phẩm có lợi thế, đặc trưng của địa phương, gắn với yếu tố văn hóa, con người ở mỗi vùng miền, dân tộc để phục vụ phát triển kinh tế, du lịch; phát triển sản phẩm mới mới trên cơ sở lợi thế vùng nguyên liệu và các nghề truyền thống; nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, chủ thể tham gia chương trình; xây dựng nguồn nguyên liệu chủ động cho OCOP, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu khi có nhu cầu lớn; phấn đấu có 10.000 sản phẩm được phân hạng từ 3 sao trở lên.
Ba là, chú trọng phát triển các loại hình tổ chức kinh tế tham gia, ưu tiên hỗ trợ một cách thực chất hơn các hợp tác xã, doanh nghiệp. Huy động được lực lượng lao động ở địa phương để vừa tạo công ăn việc làm, vừa giảm chi phí giá thành.
Bốn là, giai đoạn 2021-2025, tập trung nhiều cho các giải pháp về ứng dụng chuyển đổi số để có thể kiểm soát chất lượng sản phẩm. Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm qua thương mại điện tử. Tăng cường chuyển đổi số để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Khi các chủ thể tham gia đăng ký vào hệ thống cơ sở dữ liệu thì cơ quan quản lý nhà nước các cấp có thể kiểm tra, giám sát được số lượng sản phẩm, các kênh tiêu thụ, bán hàng của các chủ thể; hỗ trợ được cho các chủ thể khi có ý kiến phản hồi của khách hàng để nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng như hỗ trợ chủ thể phát triển sản phẩm mới.
Năm là, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá bài bản, đồng bộ và thường xuyên, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP quốc gia làm cơ sở đẩy mạnh thị trường và tiếp cận thị trường quốc tế.
Sáu là, chú trọng vấn đề liên kết, đặc biệt là gắn kết các chuỗi sản xuất với hệ thống siêu thị.
Bảy là, cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giúp các chủ thể giữ vững và nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm.
Chương trình OCOP đã thể hiện sự phù hợp về định hướng nhằm phát huy thế mạnh, lợi thế, điều kiện tự nhiên, văn hóa của các địa phương. Gần 3 năm qua phát triển OCOP đã trở thành giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Với sự đa dạng vùng miền, sản phẩm, Việt Nam có lợi thế trở thành quốc gia mạnh về OCOP. Việc tiếp tục đẩy mạnh chương trình OCOP có vai trò quan trọng, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn mạnh mẽ hơn, người dân nông thôn được cải thiện đời sống, văn hóa. Đây là vấn đề hết sức quan trọng để phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Phương Dung