Câu hỏi: Xin cho biết những nội dung cơ bản của Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023-2025.
Trả lời
Để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước, ngày 15/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 515/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023-2025.
Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hoá lâu dài với Việt Nam. Chương trình tập trung vào các hoạt động thuộc các lĩnh vực cụ thể, gồm: di sản văn hóa; văn hóa cơ sở; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; điện ảnh; thư viện; đào tạo; văn hóa dân tộc; văn hóa đối ngoại; công nghiệp văn hóa,...
Đối tượng của Chương trình bao gồm: Di sản văn hóa thế giới, di tích được công nhận di tích quốc gia đặc biệt, di tích cấp quốc gia; Di sản văn hóa phi vật thể được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận; di sản văn hóa phi vật thể có giá trị tiêu biểu hoặc nguy cơ mai một; Các thiết chế văn hóa, không gian văn hóa sáng tạo; đội tuyên truyền lưu động; các đồn Biên phòng; các cơ sở, điểm vui chơi giải trí cho trẻ em; Đội ngũ văn nghệ sỹ, đội ngũ trí thức, nhân lực quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực văn hóa; Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.
Chương trình đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, cụ thể:
Một là, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về văn hóa, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đồng thời phổ biến, truyền thông nâng cao nhận thức về Chương trình.
Thứ nhất, đồng bộ hệ thống pháp luật về phát triển văn hóa, bảo đảm kịp thời thể chế hóa các Nghị quyết, chủ trương của Đảng: Xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, hợp tác công tư cho phát triển văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa; Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách bảo tồn di sản, tài nguyên văn hóa đặc thù: Nghiên cứu, sửa đổi Luật Di sản văn hóa, Luật Quảng cáo.
Thứ hai, xây dựng thể chế văn hóa trong xã hội số; hoàn thiện quy định pháp luật về quyền tác giả; đổi mới chính sách đãi ngộ tôn vinh tài năng và cống hiến đối với đội ngũ văn nghệ sĩ, những người làm công tác văn hoá.
Thứ ba, tăng cường truyền thông về vị trí, vai trò của văn hóa, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa, Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 và phát biểu quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021.
Thứ tư, đẩy mạnh truyền thông, phổ biến sâu rộng về các nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình đến các cấp, các ngành, các tầng lớp dân cư, đội ngũ những người làm văn hóa, xác định rõ vai trò từng chủ thể trong thực hiện Chương trình.
Hai là, bảo tồn, phát huy bền vững các giá trị văn hóa của dân tộc
Thứ nhất, triển khai các chương trình, nhiệm vụ bảo quản, tu bổ, phục hồi và tôn tạo cho khoảng 02 di sản văn hóa, thiên nhiên được UNESCO ghi danh; khoảng 15 di tích quốc gia đặc biệt có giá trị đang xuống cấp nghiêm trọng. Hỗ trợ chống xuống cấp, tu sửa cấp thiết khoảng 150 di tích cấp quốc gia.
Thứ hai, đẩy mạnh xây dựng hồ sơ khoa học các di sản văn hóa phi vật thể có giá trị tiêu biểu hoặc có nguy cơ mai một, cần được bảo vệ khẩn cấp để ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, di sản thế giới.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác sưu tầm tài liệu cổ, quý hiếm có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học.
Thứ tư, nâng cấp, cải tạo một số bảo tàng công lập cấp quốc gia. Nghiên cứu, thành lập các bảo tàng chuyên ngành cấp quốc gia về nghệ thuật đương đại, nghệ thuật nhiếp ảnh; trung tâm quốc gia về bảo quản hiện vật.
Thứ năm, nghiên cứu, triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Phát triển các ứng dụng trải nghiệm thực tế ảo, nghiên cứu khai thác những giá trị về nghệ thuật truyền thống trong các kho dữ liệu đang có.
Thứ sáu, hỗ trợ các hoạt động truyền dạy, bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận và bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một.
Ba là, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa
Thứ nhất, tăng cường năng lực cơ sở vật chất, hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, 50 khu vui chơi, giải trí dành cho trẻ em tại các khu công nghiệp, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn và các địa phương không tự cân đối được ngân sách.
Thứ hai, nghiên cứu phát triển tổ hợp Trung tâm Nghệ thuật biểu diễn quốc gia; xây dựng Dàn nhạc dân tộc quốc gia Việt Nam.
Thứ ba, tăng cường năng lực về cơ sở vật chất kỹ thuật ngành điện ảnh phù hợp với xu hướng phát triển chung của khu vực và thế giới. Triển khai “Trung tâm phát hành và phổ biến phim trực tuyến”.
Thứ tư, tăng cường năng lực hoạt động thư viện số. Hoàn chỉnh hệ cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu thư viện Việt Nam, tài nguyên thông tin mở và Trung tâm bảo quản tài nguyên thông tin số quốc gia, có khả năng liên thông với thư viện trong nước và nước ngoài.
Bốn là, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao đời sống tinh thần, năng lực thẩm mỹ của nhân dân
Thứ nhất, nghiên cứu xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị và chuẩn mực ứng xử của người Việt Nam; chuẩn mực về văn hóa trong công sở, của công chức, cộng đồng; quy tắc ứng xử văn hóa, văn minh trong môi trường số.
Thứ hai, xây dựng và hỗ trợ phát triển không gian trải nghiệm sách đa phương tiện hiện đại phục vụ phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng tại thư viện cấp tỉnh, thư viện cộng đồng ở những địa phương chưa có thư viện cấp xã.
Thứ ba, xây dựng và triển khai các hoạt động giáo dục nghệ thuật, nâng cao năng lực thẩm mỹ cho thanh, thiếu niên Việt Nam, chương trình giáo dục nghệ thuật trong nhà trường.
Thứ tư, xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số ở Việt Nam giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn 2045.
Thứ năm, thúc đẩy hoạt động, hỗ trợ trang thiết bị cho các đội thông tin, tuyên truyền lưu động tại vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn.
Năm là, phát triển đội ngũ văn nghệ sỹ, trí thức và nguồn nhân lực quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học chất lượng cao trong lĩnh vực văn hóa
Thứ nhất, xây dựng chương trình khoa học nghiên cứu cơ bản về văn hóa, về văn hóa trong xã hội số, văn hóa đặc thù của các dân tộc, nghệ thuật đỉnh cao, nghệ thuật truyền thống.
Thứ hai, nâng cao năng lực, xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản về văn hóa, cán bộ quản lý văn hóa tầm chiến lược, hoạch định, tư vấn xây dựng chính sách phát triển ngành.
Thứ ba, đào tạo, bồi dưỡng 100 chuyên gia, cán bộ chuyên môn về biên kịch, lý luận và phê bình, giám tuyển, giám định thuộc các lĩnh vực: điện ảnh, mỹ thuật, nghệ thuật biểu diễn và về giám định cổ vật.
Thứ tư, lựa chọn những văn nghệ sĩ, nghệ nhân, trí thức trẻ có năng lực, khả năng sáng tạo để đào tạo dài hạn, tham dự các khóa bồi dưỡng nâng cao ngắn hạn ở trong nước và nước ngoài.
Thứ năm, trọng dụng, tuyển dụng nhà khoa học, văn nghệ sĩ tài năng, nghệ nhân các ngành, nghề truyền thống tham gia công tác đào tạo, giảng dạy trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.
Thứ sáu, tăng cường năng lực cơ sở vật chất kỹ thuật và công nghệ, các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo theo chuẩn quốc tế cho 02 cơ sở giáo dục đại học, 04 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và một số viện nghiên cứu chuyên ngành văn hóa, nghệ thuật theo mô hình tiên tiến thế giới, trong đó có ít nhất 01 đơn vị nghiên cứu, tư vấn chính sách, chiến lược phát triển của ngành văn hóa (còn tiếp)
T.H