10 năm nỗ lực xây dựng nông thôn mới
Những ngày trung tuần tháng 4, phóng viên đến huyện Đức Trọng khi địa phương mới nhận được quyết định của Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) của Chính phủ. Ông Nguyễn Lê Hoàng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng vui mừng cho biết, sau 10 năm bắt tay vào xây dựng NTM đến nay, đời sống người dân đã thay đổi rõ rệt.
Người dân huyện Đức Trọng đã phát triển kinh tế, thoát nghèo từ khi có Chương trình xây dựng NTM.
Theo ông Hoàng, trước khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, huyện Đức Trọng có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển chưa đồng bộ, kinh tế phát triển chưa cao, sản xuất tiểu thủ công nghiệp còn nhỏ lẻ… Đặc biệt, lúc đó địa phương là huyện thuần nông, thu nhập của người dân còn thấp, bình quân đạt 23 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn cao (chiếm 8,25%).
Năm 2009, xã Tân Hội (huyện Đức Trọng) được Trung ương chọn là 1 trong 11 xã thí điểm thực hiện Chương trình NTM trong toàn quốc, nhờ đó địa phương đã được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo.
Từ kinh nghiệm thực tiễn xây dựng NTM tại một xã điểm, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo sâu sát, quyết liệt để chương trình xây dựng NTM trở thành phong trào toàn diện trên địa bàn. Từ đó, nhận thức của phần lớn cán bộ và người dân về xây dựng NTM mới đã có chuyển biến rõ rệt. Dân chủ cơ sở được nâng cao, ý thức và trách nhiệm làm chủ của người dân từng bước được nâng lên rõ rệt, qua đó phát huy được nhiều cách làm sáng tạo, góp phần huy động được nhiều nguồn lực đóng góp xây dựng NTM.
Người dân Đức Trọng tham gia Lễ hội thác Pongour vào ngày rằm tháng Giêng hàng năm.
Đến nay, toàn huyện đã có 14/14 xã đạt chuẩn NTM và đang dần hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn. Để tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chí NTM đã đạt được, UBND huyện Đức Trọng đã chỉ đạo các xã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo quy định của tỉnh và xây dựng NTM kiểu mẫu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (dự kiến hết năm 2020, toàn huyện có ít nhất 1 xã đạt NTM kiểu mẫu). Bên cạnh đó, từng bước triển khai thực hiện các nội dung phấn đấu huyện NTM trong quá trình đô thị hóa.
Quê hương “thay áo mới”
Ông Võ Văn Phương – Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng cho biết, đến nay trên 88% diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã được cơ giới hóa từ khâu làm đất, gieo trồng, thu hoạch. Tính đến cuối năm 2019, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt trên 242 triệu đồng/ha/năm, trong đó cá biệt có mô hình sản xuất hoa trong nhà kính đạt trên 2 tỷ đồng/ha/năm.
Trở lại xã Đạ Quyn, xã cuối cùng đạt chuẩn NTM của huyện Đức Trọng sau 1 năm, chúng tôi nhận thấy rõ niềm vui của người dân địa phương khi đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên rõ rệt.
Canh tác trong vườn cà chua trĩu quả, anh Y Păm Ayũn (thôn Chơ Rung, xã Đạ Quyn) phấn khởi cho biết: “Trước đây gia đình mình cũng rất khó khăn, nhưng khi xã triển khai Chương trình xây dựng NTM thì các chủ trương đã đến được với bà con, làm thay đổi nhận thức của mọi người. Sau khi được hỗ trợ làm rau màu có giá trị kinh tế cao, mình lại vận động mọi người xung quanh làm theo, đến nay toàn xã đã có trên 30 hộ sản xuất rau công nghệ cao. Cũng nhờ thay đổi phương thức canh tác nên kinh tế gia đình mình và của bà con đã đổi thay nhanh chóng, đời sống vật chất, tinh thần theo đó cũng tốt hơn trước đây rất nhiều”.
Được biết, ban đầu Y Păm Ayũn có 3ha trồng cà phê nhưng giá trị kinh tế thấp, lại không có vốn để đầu tư. Sau khi được vận động, anh đã phá 3.000m2 cà phê để đầu tư trồng cà chua theo hướng công nghệ cao. Trước tết vừa qua, trừ chi phí các loại gia đình anh vẫn còn dư được hơn 100 triệu đồng.
Cũng giống như anh Y Păm Ayũn, chị Ka Sắ K’uy (trú tại thôn Chơ Ré, xã Đạ Quyn) cho biết, đời sống người dân thay đổi rõ rệt là từ năm 2011, khi Chương trình xây dựng NTM được phát động.
“Từ chỗ được lãnh đạo địa phương vận động, quan tâm giúp đỡ, người dân đã thay đổi cách nghĩ cũng như cách làm. Bà con đã mạnh dạn đầu tư, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chủ động tăng gia sản xuất để vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu chính đáng”- chị Ka Sắ K’uy nói.
Dự kiến trong năm 2020, toàn huyện Đức Trọng có ít nhất 1 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, thu nhập bình quân đạt 59 - 60 triệu đồng/người/năm, giá trị sản xuất trên đất nông nghiệp đạt trên 250 triệu đồng/ha”, ông Võ Văn Phương – Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng cho biết.
Theo Dân Việt