Câu hỏi: Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Xin cho biết Việt Nam đã và đang triển khai quá trình chuyển đổi số như thế nào?
Trả lời:
1. Chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, là xu thế tất yếu. Cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng công nghệ mới, là cuộc cách mạng dựa trên cách mạng số kết hợp với nhiều công nghệ, dẫn đến sự thay đổi chưa từng có tiền lệ trong mô hình kinh tế-xã hội, dẫn đến sự chuyển đổi của toàn hệ thống, khắp các quốc gia, các doanh nghiệp, các ngành công nghiệp và toàn xã hội. Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại cho các quốc gia nhiều cơ hội để phát triển đất nước. Trong bối cảnh đó, muốn hiện thực hóa khát vọng phát triển, phải nắm bắt thời cơ, thực hiện “chuyển đổi số” nhanh chóng và mạnh mẽ. Ở Việt Nam, chuyển đổi số được xem là “xương sống” của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. “Chuyển đổi số là cơ hội, lợi thế của Việt Nam. Nếu chúng ta xây dựng được chính sách phù hợp thì Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội này để vượt lên thành nước phát triển”(1).
Chuyển đổi số là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số như dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud),… để thay đổi một cách tổng thể, toàn diện tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế-xã hội, tái định hình cách chúng ta sống, làm việc và liên hệ với nhau. Đại dịch covid-19 càng thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam để vừa phòng, chống dịch covid-19; vừa chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả để phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội.
2. Cách tiếp cận và các trụ cột trong chuyển đổi số ở Việt Nam
Việt Nam có cách tiếp cận riêng, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình, nhưng không tách rời cách tiếp cận chung của thế giới. Đó là cách tiếp cận toàn cầu, bởi chuyển đổi số là vấn đề toàn cầu; và cách tiếp cận toàn dân, bởi chuyển đổi số tác động đến mọi người dân. Đồng thời, Việt Nam tiến hành chuyển đổi số theo cách tiếp cận tổng thể, liên thông và đẩy mạnh hợp tác công-tư.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định ba trụ cột quan trọng của chuyển đổi số ở Việt Nam là: chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Quá trình chuyển đổi số phải tuân thủ nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, là động lực, là người tham gia vào chuyển đổi số.
3. Lợi thế của Việt Nam trong chuyển đổi số
Việt Nam có nhiều lợi thế trong chuyển đổi số.
Thứ nhất, Việt Nam được đánh giá là 1 trong 20 nước sử dụng Internet nhiều nhất thế giới, với 68,17 triệu người dùng (chiếm 70% dân số). Việt Nam cũng có tỷ lệ người dân sở hữu điện thoại thông minh nhiều; đồng thời là quốc gia có sự gia tăng số lượng người dùng điện thoại thông minh cao nhất thế giới với mức tăng khoảng 18% (giai đoạn 2015-2019)(2).
Thứ hai, Việt Nam không bị áp lực và tổn thất lớn do phải chuyển từ mô hình cũ, công nghệ cũ như các quốc gia sớm phát triển công nghiệp.
Thứ ba, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh, có độ mở cao, Việt Nam đã ký 17 hiệp định thương mại tự do với hơn 60 nước, gồm các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN,….
Thứ tư, Việt Nam có khả năng thích ứng và đón nhận các xu thể phát triển lớn trên thế giới, bao gồm công nghệ số, chuyển đổi số.
Thứ năm, doanh nghiệp và người dân Việt Nam tích cực hưởng ứng và tham gia quá trình chuyển đổi số; ngành công nghệ thông tin và viễn thông Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ.
Thứ sáu, Việt Nam đang sở hữu cơ cấu dân số vàng với lực lượng lao động trẻ đông, nhanh nhạy, giàu tiềm năng để thực hiện chuyển đổi số.
Thứ bảy, các công ty công nghệ thông tin, hạ tầng công nghệ và tỷ lệ sử dụng công nghệ tại Việt Nam đang phát triển rất nhanh. Đi đầu là Tập đoàn Viettel, Tập đoàn VNPT, FPT, CMC, Vingroup,…
Thứ tám, bạn bè, đối tác quốc tế đều ủng hộ quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam, đây cũng là động lực thúc đẩy Việt Nam chuyển đổi số nhanh hơn.
4. Chủ trương, chính sách về chuyển đổi số của Việt Nam
Chủ trương, chính sách về chuyển đổi số ở Việt Nam được thể hiện rõ trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: “Phát triển nhanh và bền vững, dựa chủ yếu vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số và coi đây là nhân tố quyết định nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”(3). Đại hội XIII của Đảng xác định thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số là một trong những trọng tâm chính của nhiệm kỳ tiếp theo: “Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cách mạng công nghệ 4.0 để khoa học - công nghệ thực sự là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số để tạo bứt phá về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế”(4).
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030(5). Đồng thời hàng loạt văn bản pháp lý đã ra đời, như: Luật Giao dịch điện tử, Nghị định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, Nghị định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước, Quyết định về gửi nhận văn bản điện tử,…. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp lý phù hợp với thời đại số là yếu tố quan trọng, cần thiết để thúc đẩy, phát triển chính phủ số.
5. Thực trạng chuyển đổi số ở Việt Nam trong thời gian qua
Một số kết quả về chuyển đổi số ở Việt Nam
Theo đánh giá của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp lần thứ nhất Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số ngày 30/11/2021, chuyển đổi số của Việt Nam trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả quan trọng: Ứng dụng công nghệ số được đẩy mạnh, đặc biệt trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi, trong công tác phòng, chống dịch covid-19, phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu. Các hệ thống chỉ đạo, điều hành, trao đổi văn bản điện tử đã phổ biến trong hầu hết các cơ quan nhà nước. Theo báo cáo của Liên hợp quốc, xếp hạng chỉ số phát triển chính phủ điện tử của Việt Nam năm 2020 tăng 03 bậc so với năm 2016 (từ số 89 lên số 86).
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã làm chủ các công nghệ cốt lõi, phát triển nền tảng công nghệ cho chuyển đổi số. Việt Nam có 64.000 doanh nghiệp số. Doanh thu của cộng đồng này năm 2021 ước đạt 135 tỷ USD, tăng trưởng gần 10%. Các doanh nghiệp số, nền tảng số là tài nguyên, dữ liệu của Việt Nam.
Đóng góp của kinh tế số vào nền kinh tế Việt Nam đang tăng rất nhanh.
Một số khó khăn, hạn chế, tồn tại
Một là, Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị chỉ rõ: quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động do hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn nhiều hạn chế; Đầu tư chưa tương xứng.
Hai là, xếp hạng chính phủ điện tử của Việt Nam còn thấp, theo đánh giá của Liên hợp quốc, đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN. Kinh tế số của Việt Nam còn hạn chế, kết nối giữa các nền tảng chưa đáp ứng yêu cầu. Xã hội số còn nhiều vướng mắc. Chuyển đổi số từ nhận thức đến hành động còn có khoảng cách; hưởng thụ về chuyển đổi số của người dân, doanh nghiệp còn hạn chế, bất cập; kết nối các nền tảng số còn mất nhiều thời gian, gây lãng phí nguồn lực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Ba là, một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự coi trọng chương trình chuyển đổi số, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu.
Bốn là, môi trường pháp lý, cơ chế, chính sách còn chưa theo kịp sự phát triển. Nghị quyết 52-NQ/TW nêu rõ: “thể chế, chính sách còn nhiều bất cập”. Hệ thống thể chế, pháp luật chưa tạo thuận lợi cho chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Hệ thống văn bản pháp luật ban hành thiếu đồng bộ, chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn, chưa phù hợp với yêu cầu chuyển đổi số; thiếu các quy định về giao dịch dữ liệu, bảo vệ cơ sở dữ liệu, dữ liệu cá nhân, thông tin riêng tư; thiếu quy định về quyền cá nhân, đạo đức khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo; các quy định về danh tính số, định danh và xác thực điện tử cho người dân còn chậm được ban hành.
Năm là, kỹ năng số và nguồn nhân lực số ở Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số. Năng lực chuyển đổi số của doanh nghiệp còn yếu, lực lượng doanh nghiệp nền tảng số đông nhưng chưa mạnh, các nền tảng số “Make in Viet Nam” còn non trẻ, bị cạnh tranh gay gắt từ bên ngoài.
6. Một số giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số ở Việt Nam
Trước hết, cần thống nhất nhận thức từ quan điểm chỉ đạo đến hành động. Việc nâng cao nhận thức, chuyển đổi nhận thức của cán bộ lãnh đạo, quản lý, của mỗi người dân, doanh nghiệp về chuyển đổi số là hết sức quan trọng; là tiền đề căn bản để xây dựng các giải pháp, cách làm phù hợp; thúc đẩy những đổi mới sáng tạo, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, góp phần thực hiện hiệu quả quá trình chuyển đổi số trong tương lai.
Hai là, đầu tư thích đáng, phù hợp, hiệu quả, khoa học cho chuyển đổi số. Cần đầu tư về khoa học công nghệ, nâng cao năng lực quản trị quốc gia; đầu tư hoàn thiện hạ tầng số, các cơ sở dữ liệu số, kết nối đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước. Đẩy mạnh hợp tác công tư dưới sự dẫn dắt của Chính phủ đi đôi với sự năng động, hiệu quả của thị trường, xã hội.
Ba là, Việt Nam cần làm chủ hạ tầng số, nền tảng số và cơ sở dữ liệu quốc gia. Hạ tầng số gồm: hạ tầng thiết bị, truyền thông, hạ tầng dữ liệu, ứng dụng và hạ tầng nghiên cứu phát triển. Tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số chiều 11/12/2021, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam phát triển nền tảng chuyển đổi số. Đây là giải pháp giúp giữ được tài nguyên dữ liệu của Việt Nam.
Việt Nam đặt mục tiêu làm chủ công nghệ di động 5G, làm chủ hạ tầng điện toán đám mây (cloud) thông qua các nền tảng “Make in Viet Nam”. Đây là mục tiêu chiến lược, giúp chúng ta thực hiện được mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời giúp chúng ta làm chủ được dữ liệu của người Việt. Mục tiêu này cần được ưu tiên hàng đầu.
Hạ tầng bưu chính được chuyển đổi thành hạ tầng của dòng chảy vật chất, dòng chảy dữ liệu phục vụ cho nền kinh tế số; thành huyết mạch của thương mại điện tử; phục vụ phát triển chính phủ số, cải cách hành chính, góp phần đưa dịch vụ công lên mức độ 3, 3; bảo đảm an toàn tuyệt đối dịch vụ bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước từ Trung ương tới địa phương.
Phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá thúc đẩy chính phủ số, chuyển đổi số nhanh hơn (bởi các nền tảng này đã đưa vào sử dụng, dùng chung, ví dụ: thanh toán điện, nước số), giảm chi phí (bởi không cần đầu tư kinh phí, thời gian phát triển mới phần mềm), tăng hiệu quả (bởi số người sử dụng lớn sẽ giảm chi phí). Ngành thông tin, truyền thông cần định hướng phát triển hệ sinh thái các nền tảng số đáp ứng nhu cầu của người dân thông qua mở rộng phạm vi hoạt động của các nền tảng số make in Vietnam.
Quan trọng nhất là xây dựng và kết nối cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương. Kinh tế số là nền kinh tế dựa trên dữ liệu nên chính sách về dữ liệu có vai trò quyết định cho nền kinh tế số. Chính phủ cần có chiến lược để tạo ra nhiều dữ liệu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khai thác dữ liệu này để tạo ra giá trị. Các bộ, ngành, địa phương cần triển khai thực hiện tốt Quyết định 1911/QĐ-TTg ngày 15/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện kết nối, chia sẻ giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Bốn là, hoàn thiện thể chế số. Cần đầu tư thích đáng cho hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách. Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp lý phù hợp với thời đại số là rất cần thiết, có thể được coi là một yếu tố quan trọng để thúc đẩy, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam có “một thị trường trẻ và đủ lớn để có thể nhanh chóng thương mại hóa các ý tưởng số mới, nhiều doanh nghiệp công nghệ số năng động”, chỉ cần thêm một cú hích là Chính phủ hoàn thiện thể chế số, hợp pháp hóa các tài sản số, sản phẩm, dịch vụ số, nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân,… là có thể mở ra không gian mới cho các doanh nghiệp công nghệ số.
Năm là, cần làm chủ không gian mạng quốc gia hướng tới phát triển không gian mạng quốc gia an toàn, lành mạnh, nhân văn và rộng khắp. An toàn, an ninh mạng là yêu cầu quan trọng, không thể tách rời của chuyển đổi số, bởi nó giúp bảo vệ vững chắc thành quả của chuyển đổi số, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, tạo điều kiện cho phát triển đất nước bền vững.
Sáu là, đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực. Để đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực có chất lượng cao, Việt Nam cần tập trung triển khai chính sách đào tạo nguồn nhân lực; phát triển nguồn nhân lực số, cơ sở dữ liệu; chuyển đổi số, đặc biệt trong các lĩnh vực ngân hàng, đất đai, logistics,…
Điểm đặc biệt của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là tạo ra cơ hội bình đẳng như nhau để bứt phá đi lên đối với tất cả các quốc gia, nắm bắt cơ hội này, với tinh thần quyết tâm, đồng lòng, không ngừng vượt khó, sáng tạo, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nâng cao nhận thức, hành động mạnh mẽ, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào việc thực hiện được các mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, góp phần xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường, giàu mạnh.
Thiên Hương
Chú thích, Tài liệu tham khảo
(1), (2), “Chuyển đổi số mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam”, https://dangcongsan.vn/thoi-su/chuyen-doi-so-mo-ra-co-hoi-lon-cho-viet-nam-531205.html, truy cập ngày 14/12/2021.
(3), (4). Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H., 2021, tr.214, 46.
(5). Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.