Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, thành viên Ủy ban công bố Báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số - DTI 2021 sáng 8/8. Ảnh: VNEconomy
Trong khuôn khổ phiên họp lần thứ ba của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số sáng ngày 8/8, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, thành viên Ủy ban đã công bố Báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số - DTI 2021. Báo cáo DTI 2021 được chọn có chủ đề “Chuyển đổi số từng bước trưởng thành qua việc triển khai công nghệ phòng, chống dịch bệnh”.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết, năm 2021 là năm thứ hai triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, cũng là năm đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại Việt Nam.
Đặc biệt, Việt Nam đã tiên phong triển khai nhiều ứng dụng số, nền tảng số có nhiều chục triệu người dùng. Tuy nhiên, năm 2021 cũng chứng kiến không ít ý kiến phê bình về sự yếu kém của các sản phẩm công nghệ số phòng chống dịch.
Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã trưởng thành rõ rệt về các nền tảng số quy mô lớn, đảm bảo an toàn dữ liệu người dân và triển khai trên toàn quốc.
Đại diện của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã chia sẻ về những điểm nổi bật của DTI 2021. Theo đó, giá trị DTI 2021 của cấp bộ cung cấp dịch vụ công là cao nhất, tiếp đến là cấp tỉnh và cấp bộ không cung cấp dịch vụ công.
Trong đó, giá trị trung bình DTI 2021 cấp tỉnh là 0,4014, tăng tới 32,7% so với năm 2020; cấp bộ cung cấp dịch vụ công là 0,4595, tăng 15,4% so với năm 2020. So với năm 2020, cả 2 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số của DTI 2021 cấp tỉnh đều tăng.
Giá trị trung bình DTI 2021 cấp bộ không cung cấp dịch vụ công là 0,2151, giảm nhẹ so với năm 2020. Lý do là năm 2021 có thêm 2 cơ quan lần đầu tiên tham gia đánh giá DTI là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đây là các cơ quan mới ở giai đoạn bắt đầu chuyển đổi số.
Cũng theo báo cáo vừa được công bố, có 12/89 bộ, tỉnh tham gia đánh giá có giá trị DTI 2021 đạt từ mức 0,5 trở lên, chiếm 13,48%. Kết quả này phản ánh quá trình chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương năm 2021 vẫn ở giai đoạn đầu, chưa có sự bứt phá lớn.
Đáng chú ý, chỉ số chuyển đổi số - DTI năm 2021 của các bộ ngành, địa phương thì Đà Nẵng, Bộ Tài chính và Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam dẫn đầu.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng lưu ý, chuyển đổi số là hành trình dài, mỗi tổ chức, cá nhân phải biết mình đang ở đâu để có những kế hoạch, giải pháp phù hợp với định hướng phát triển, nhu cầu và điều kiện thực tế. Để giúp các bộ ngành, địa phương đánh giá mức độ chuyển đổi số của mình, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành bộ chỉ số và định kỳ hàng năm thực hiện đánh giá, công bố kết quả.
Được biết, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư kết nối liên thông với 11 bộ, ngành, 4 doanh nghiệp Nhà nước và 14 địa phương tiếp tục làm giàu dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”; cấp trên 68 triệu thẻ căn cước gắn chíp điện tử; hoàn thành xác thực 45 triệu người tham gia Bảo hiểm xã hội; bước đầu thí điểm triển khai một số ứng dụng của thẻ căn cước phục vụ người dân khám chữa bệnh, rút tiền tại các cây ATM...
Ngoài ra, dịch vụ công trực tuyến được triển khai ngày càng hiệu quả, sâu rộng. Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 3.699 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; hơn 2,1 triệu tài khoản đăng ký (tăng hơn 2,8 lần so với cùng kỳ); hơn 122,7 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái (tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ); hơn 4,1 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng Dịch vụ công quốc gia (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ).
An toàn, an ninh thông tin tiếp tục được quan tâm, các doanh nghiệp Việt Nam dần làm chủ hệ sinh thái an toàn thông tin mạng. Trong 6 tháng đầu năm 2022, đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 6.641 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, tăng 37,92% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 35,14% so với đầu năm 2022. Đã có 922/3022 hệ thống thông tin của cơ quan Nhà nước được phê duyệt Hồ sơ đề xuất cấp độ an toàn thông tin, đạt 31%.
Bên cạnh đó, nhân lực cho chuyển đổi số được chú trọng phát triển, đa dạng hình thức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn. Tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương cũng đã bước đầu đạt kết quả tích cực, đã có 41/63 tỉnh, thành phố triển khai 36.300 tổ công nghệ số cộng đồng đến tận thôn, xóm với gần 200.000 thành viên tham gia.
Về phát triển kinh tế số, xã hội số, tỷ trọng đóng góp của kinh tế số trong GDP tiếp tục tăng; nhiều doanh nghiệp tích cực chuyển đổi số. Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP đến hết 6 tháng đầu năm ước tính là 10,41%. Tỷ trọng này năm 2021 ước tính là 9,6%. Mục tiêu đặt ra đến năm 2025 là 20%. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số ước đạt 67.300 doanh nghiệp, tăng gần 3.500 doanh nghiệp so với tháng 12/2021, đạt tỉ lệ 0,69 doanh nghiệp trên 1.000 dân.
Theo VNeconomy