Tuyên Quang xác định phải thực hiện chuyển đổi số và coi đây là giải pháp quan trọng để giúp nông dân, các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp tạo ra bước đột phá lớn nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm với chi phí thấp nhất.
Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp số
Thời gian qua, Tuyên Quang đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Các chính sách ra đời đã góp phần tạo điều kiện cho các địa phương đưa nhanh khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hình thành các vùng sản xuất tập trung, thực hiện chuyển dịch kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp, góp phần ổn định và nâng cao đời sống cho các hộ dân vùng nông thôn, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.
Xác định chuyển đổi số là một giải pháp quan trọng đưa ngành nông nghiệp phát triển bền vững, thời gian qua, Tuyên Quang đã tập trung ưu tiên xây dựng hệ thống dữ liệu phục vụ cấp và quản lý mã số vùng trồng; kết nối nông nghiệp thông minh có quy mô vùng chuyên canh, sản xuất quy mô công nghiệp. Đồng thời, tỉnh cũng đẩy mạnh hình thành hệ sinh thái nông nghiệp số nhằm khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia vào chuyển đổi số; xây dựng nền tảng ứng dụng công nghệ chuỗi khối để cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai phục vụ nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua nền tảng số.
Bên cạnh việc đẩy mạnh dán mã QR, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp, tỉnh cũng xây dựng thành công nhiều thương hiệu nông sản, đồng thời triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay, toàn tỉnh Tuyên Quang có 191 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng trong đó có 39 sản phẩm 4 sao và 152 sản phẩm 3 sao.
Hiện nay, tỉnh có 3 sản phẩm (Cam Sành Hàm Yên, chè Shan tuyết Na Hang, bưởi Soi Hà) được cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý... Tỉnh cũng đang phối hợp triển khai thực hiện Dự án “Đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thịt trâu Chiêm Hóa” và Dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Na Hang” cho sản phẩm rượu ngô men lá huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang”...
Hiện, Tuyên Quang có nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận ứng dụng công nghệ IoT (sử dụng hệ thống cảm biến, máy ảnh và các thiết bị khác giúp người nông dân có được những thông tin chính xác nhất trong quá trình sản xuất nông nghiệp); công nghệ GIS thông minh quản lý và dự báo sâu bệnh, truy xuất nguồn gốc điện tử… Nhờ ứng dụng nông nghiệp thông minh, nhiều sản phẩm nông nghiệp của Tuyên Quang đã xây dựng được thương hiệu và từng bước khẳng định chỗ đứng trên thị trường.
Đồng bộ giải pháp
Tại Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được UBND tỉnh ban hành ngày 8/6 mới đây cũng khẳng định, tập trung ứng dụng công nghệ trong sản xuất, từng bước xây dựng vùng nông nghiệp công nghệ cao, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm để mở rộng thị trường trong nước và hướng đến thị trường xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang, để chuyển đổi số thành công, ngành nông nghiệp,sẽ triển khai đồng bộ, bài bản trên 5 lĩnh vực: chuyển đổi nhận thức, hoàn thiện hạ tầng số, dữ liệu số, phát triển kinh tế số nông nghiệp, phát triển nông dân số, nông thôn số. Sở cũng xác định 7 nhiệm vụ trọng tâm trong chuyển đổi số, trong đó tập trung xây dựng hệ thống dữ liệu của ngành như đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản... đảm bảo cung cấp thông tin, phục vụ việc tra cứu đến doanh nghiệp và người dân; hỗ trợ các doanh nghiệp HTX, hộ nông dân tối ưu hóa chuỗi liên kết giá trị, phấn đấu đưa 100% sản phẩm OCOP của tỉnh lên sàn thương mại điện tử...
Theo ông Nguyễn Văn Việt, mục tiêu xuyên suốt của ngành là đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin, đặc biệt phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh trên tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Ứng dụng công nghệ số trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, hướng dẫn, khuyến khích nông dân thực hiện thương mại điện tử trong nông nghiệp tập trung vào các sản phẩm chủ lực của địa phương, những sản phẩm đã ứng dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP giúp tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghiệp số trong nền kinh tế…