Đoàn Thanh niên huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương thực hiện Công trình số hóa thông tin di tích lịch sử cấp quốc gia.
Trong thời đại toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế là đòi hỏi tất yếu. Để hội nhập quốc tế thành công, yếu tố quan trọng nhất là con người, sau đó đến các điều kiện hạ tầng khác. Về con người, trước tiên chúng ta phải có đội ngũ những công dân sẵn sàng cho hội nhập. Để sẵn sàng cho hội nhập, từ tư duy của con người cho đến hành trang kiến thức là rất quan trọng.
Hiện tại, nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn đang là thách thức đối với Việt Nam. Năng suất lao động bình quân của chúng ta còn thấp so với nhiều nước trong khu vực. Tỷ lệ lao động được đào tạo chưa cao. Lao động chất lượng cao, đội ngũ chuyên gia còn thiếu hụt. Chất lượng giáo dục đại học chưa được như kỳ vọng... Đây cũng chính là rào cản trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội cũng như quá trình hội nhập của Việt Nam. Vì vậy, để hội nhập quốc tế thành công, trước tiên cần đẩy mạnh hơn nữa việc giáo dục ý thức hội nhập cho mỗi công dân, đặc biệt là những người trẻ.
Trong kỷ nguyên số, người trẻ Việt Nam có nhiều cơ hội nhưng đi đôi với đó là rất nhiều thách thức.
Trước tiên nói về cơ hội, công nghệ số ra đời là bước tiến vĩ đại của nhân loại. Ứng dụng kỹ thuật số có mặt trong tất cả mọi lĩnh vực của đời sống. Người trẻ Việt Nam có điều kiện thuận lợi để tiếp cận với những thành tựu kỷ nguyên số một cách nhanh chóng.
Ưu thế của tuổi trẻ là sự nhanh nhạy với cái mới, tinh thần ham học hỏi, say mê khám phá. Ứng dụng kỹ thuật số đã giúp cuộc sống của người trẻ tiến bộ, văn minh rất nhiều so với thế hệ cha anh chỉ trước một, hai thập kỷ. Người trẻ có nhiều cơ hội học tập, làm việc, sáng tạo nhờ những ứng dụng số rất hiện đại.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất trong kỷ nguyên số là việc máy móc tinh vi ra đời có thể khiến hàng loạt người lao động mất việc làm. Ưu thế lực lượng lao động trẻ, dồi dào với tiền công rẻ của Việt Nam từ giai đoạn trước sẽ dần "biến mất" khi công nghệ số lên ngôi. Nếu không nỗ lực học tập, nâng cao trình độ thì người trẻ Việt Nam rất khó bắt kịp với tốc độ toàn cầu. Thực tế cho thấy, lao động Việt Nam còn đang thiếu hụt về kỹ năng và năng suất khi làm việc trong môi trường hiện đại.
Tác phong công nghiệp của lao động Việt Nam chưa cao, sự thích ứng với những môi trường hiện đại còn kém. Thậm chí, nhiều người trẻ còn lười nhác trong việc học tập, nghiên cứu. Những ứng dụng công nghệ số còn bị lãng phí khi rất nhiều người trẻ chỉ dùng để giải trí.
Trước những cơ hội và thách thức ấy, người trẻ Việt Nam cần sẵn sàng trong tâm thế hội nhập quốc tế, nỗ lực nhiều hơn nữa trong học tập, lao động và nghiên cứu. Đây là xu hướng tất yếu, là sứ mệnh, nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi công dân.
Song song với sự tự nâng cao năng lực, khả năng hội nhập của mỗi công dân, Nhà nước cần tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đi đôi với chế độ thu hút, đãi ngộ xứng đáng với nhân tài cũng là động lực đáng kể để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Trong thời đại hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, việc kết nối với mạng lưới giáo dục toàn cầu mang ý nghĩa rất quan trọng. Vì vậy, cần tăng cường trao đổi và học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác nhau về việc giáo dục thế hệ trẻ hội nhập quốc tế cũng như giúp các bạn trẻ học tập và làm việc quốc tế. Có như vậy mới thúc đẩy phát triển giáo dục trong nước và xây dựng một thế hệ trẻ năng động, hội nhập, giỏi giang.
Riêng với tỉnh Hải Dương, công tác chuyển đổi số và hội nhập quốc tế đã rất được quan tâm ngay từ đầu nhiệm kỳ, các nội dung về chuyển đổi số được thể hiện xuyên suốt trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Trong giai đoạn vừa qua, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã không ngừng thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh gắn với chuyển đổi số, ứng dụng khoa học-công nghệ đồng thời tăng cường hội nhập quốc tế. Tỉnh đã đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ. Phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Đầu tư xây dựng các đô thị động lực của tỉnh trở thành đô thị xanh, thông minh, hiện đại. Tập trung nguồn lực khoa học - công nghệ cho các nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng và thực hiện chuyển đổi số vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh. Tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế; tổ chức nhiều đoàn khảo sát, công tác, trao đổi kinh nghiệm tại nước ngoài…
Trước những bước chuyển mình đó, đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức cũng cần có những thay đổi để thích ứng, đáp ứng yêu cầu công việc. Đặc biệt những lao động trẻ Hải Dương cần nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề để không bị “lạc hậu” trong sự phát triển của thời kỳ mới.
Theo Báo Hải Dương