Nông dân xã Thanh Mỹ (Châu Thành, Trà Vinh) thu hoạch lúa vụ Đông Xuân 2023-2024. Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN
Công việc đồng áng của người nông dân đã thay đổi hẳn, từ “trông trời, trông đất, trông mây”, giờ đây, vật bất ly thân của họ là chiếc điện thoại thông minh. Từ truyền thống đến hiện đại, cuộc cách mạng chuyển đổi số trong nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn ra từng ngày từng giờ.
Làm nông bằng công nghệ
Nở nụ cười sảng khoái trên gương mặt đen sạm vì nắng gió, nông dân Nguyễn Văn Khanh đón chúng tôi giữa cái nắng chói chang và bạt ngàn ruộng lúa sắp bước vào kỳ thu hoạch. Vừa dẫn chúng tôi ra xem lúa, anh vừa chỉ tay lên chiếc máy bay không người lái đang bay phía trên rồi nói: “Tôi mua luôn chiếc T10 này đó, rồi thuê người về vận hành, máy đang phun dưỡng hạt hữu cơ để hạt chắc mẩy. Giờ làm lúa hiện đại rồi, không còn như xưa đâu, máy móc lo nhiều khâu rồi”.
Nông dân tiêu biểu vùng đất sen hồng Nguyễn Văn Khanh, người được biết đến khi thành công với giống lúa Nhật trên cánh đồng huyện Tam Nông (Đồng Tháp), đến nay đã tích tụ được diện tích sản xuất lúa 120 ha. Anh kiên quyết theo con đường sản xuất lúa tiêu chuẩn VietGAP để hạn chế thuốc bảo vệ thực vật, tạo nên sản phẩm gạo chất lượng, an toàn và giảm thiểu tác hại của phân bón, thuốc hoá học ra môi trường. Chiếc máy bay không người lái cùng hàng loạt máy móc cơ giới khác là những phương tiện hữu ích giúp anh theo đuổi mục tiêu này.
Anh Khanh cho biết: “Sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP khác với sản xuất nông nghiệp truyền thống dùng nhiều phân bón, thuốc hoá học như hiện nay. Một năm làm ba vụ lúa, chừng đó phân và thuốc, nguồn nước cũng như đất đai sẽ rất ô nhiễm. Áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào quy trình sản xuất lúa sẽ làm giảm năng suất, nhưng với việc sản xuất quy mô lớn, khép kín quy trình và sử dụng công nghệ hiện đại trong quá trình chăm sóc, giá thành sản xuất sẽ giảm bớt, trong khi giá bán sản phẩm sẽ cao hơn”.
Hiểu được tầm quan trọng của công nghệ hiện đại trong ngành sản xuất lúa gạo, anh Khanh đầu tư hàng loạt máy móc hiện đại như: Máy bay không người lái, máy bơm điện, máy cày, máy xới đất, máy gặt đập liên hợp, máy xúc… Anh cũng áp dụng các hệ thống cảm biến thông minh trên đồng ruộng để thông qua chiếc điện thoại thông minh, nắm rõ tình hình, chất lượng nguồn nước, tình hình sâu bệnh, những thay đổi của thời tiết và chủ động đưa ra phương án xử lý. Với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại, để chăm sóc 120 ha lúa, anh Khanh chỉ cần 30 nhân công.
Tiếp tục thực hiện ước mơ nông nghiệp sạch, tháng 1/2024, anh Khanh quyết định đưa 32 ha diện tích lúa của mình vào tham gia dự án “Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”. Với dự án này, dự kiến trong 6 mùa vụ liên tiếp từ năm 2023 - 2028, bằng nguồn vốn tài trợ 17 triệu đô la Australia (AUD) của Chính phủ Australia, dưới sự vận hành của Tổ chức Phát triển Hà Lan, phối hợp cùng ngành nông nghiệp 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang, sẽ có khoảng 200.000 ha lúa được chuyển đổi sang hướng sản xuất bền vững, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường.
Lúa chất lượng cao, giảm phát thải
Đánh giá tình hình phát triển, sản xuất lúa gạo hiện nay ở huyện Tam Nông, ông Lâm Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Nông cho biết, trong bối cảnh người nông dân ngày càng khó quyết định giá bán cho sản phẩm lúa gạo, việc giảm triệt để chi phí giống, phân bón, thuốc trừ sâu và công lao động đồng nghĩa với tăng lợi nhuận, dù năng suất có thể không tăng so với phương pháp truyền thống. Với huyện Tam Nông nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung, mặc dù không chịu nhiều ảnh hưởng từ xâm nhập mặn, nhưng thách thức lớn là thời tiết bất thường, không theo chu kỳ hàng năm. Nắng nóng hay mưa kéo dài đều có thể gây thiệt hại cho sản xuất. Bởi vậy, việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại đã giúp tăng sức chống chịu biến đổi khí hậu cho cây lúa, đảm bảo năng suất và chất lượng.
Theo bà Trần Thu Hà, Giám đốc dự án “Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”, dự án đã huy động 11 doanh nghiệp có uy tín trong ngành hàng lúa gạo tham gia hợp tác cùng nông dân, hợp tác xã các địa phương. Các doanh nghiệp này đều đưa đến các gói công nghệ ưu việt để đảm bảo ít nhất người nông dân có 30 % lợi nhuận từ sản xuất lúa khi thực hiện hợp đồng thu mua. Sản phẩm có thể tham gia phân khúc gạo cao cấp; khi bán được tín chỉ carbon, doanh nghiệp cũng sẽ chia sẻ lợi nhuận cho nông dân.
“Bước đầu, đã có hơn 8.000 ha lúa đăng ký tham gia dự án. Các hoạt động sẽ tạo nền tảng lợi ích để sau này, doanh nghiệp và bà con nông dân có thể tự liên kết. Dự án đã đưa ra một hệ thống đo đạc, báo cáo và tính toán lượng giảm phát thải khí nhà kính (MRV), được Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu công nhận, có thể ứng dụng trên quy mô lớn. Tín chỉ carbon từ dự án không chỉ giao dịch ở cấp dự án hoặc cấp quốc gia, mà còn có thể đưa ra thị trường carbon tự nguyện quốc tế”, bà Hà cho biết thêm.
Theo định hướng triển khai đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030", huyện Tam Nông đã đăng ký đến cuối năm 2023, có khoảng 4.900 ha lúa tham gia đề án, năm 2025 là 12.000 ha, năm 2030 là hơn 29.000 ha - tương đương toàn bộ diện tích lúa của huyện. Việc nhân rộng diện tích canh tác lúa giảm phát thải đang được thực hiện khẩn trương hơn bao giờ hết.
Theo ông Lâm Trọng Nghĩa, các hộ nông dân Tam Nông tham gia dự án có bước đệm tốt là đã triển khai các kỹ thuật canh tác áp dụng công nghệ hiện đại, ứng phó biến đổi khí hậu từ nhiều năm nay; nếu có hướng dẫn cụ thể sẽ tạo động lực mạnh mẽ hơn nữa cho ngành nông nghiệp địa phương. Người nông dân sẽ ngày càng hiểu tầm quan trọng của công nghệ hiện đại trong quy trình sản xuất lúa gạo, từng bước tham gia chuyển đổi diện tích lúa sang hữu cơ áp dụng khoa học - công nghệ hiện đại, trở thành phong trào cho toàn bộ vùng đất sen hồng này.
Nguồn TTXVN