Chuyển đổi số còn là yếu tố then chốt thúc đẩy chuyển đổi xanh. Ảnh minh họa
Với nhận thức ngày càng cao về biến đổi khí hậu và tình trạng cạn kiệt tài nguyên, các quốc gia, doanh nghiệp, và cá nhân đều nhận ra rằng nền kinh tế - xã hội cần phải chuyển đổi sang mô hình phát triển bền vững, trong đó chuyển đổi số chính là công cụ hỗ trợ hiệu quả cho chuyển đổi xanh, được dẫn dắt bởi yếu tố trọng tâm là con người.
Ngoài việc xây dựng khả năng phục hồi kinh tế xã hội quốc gia, chuyển đổi số còn là yếu tố then chốt thúc đẩy chuyển đổi xanh, với các cam kết về khí hậu toàn cầu. Theo UNDP, nhiều quốc gia đang tận dụng công nghệ số theo những cách đổi mới để tăng gấp đôi nỗ lực áp dụng năng lượng tái tạo, chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn và bảo vệ đa dạng sinh học.
Theo ông Nguyễn Thế Phương, Giám đốc Tư vấn FPT Digital, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, dù là hai khái niệm độc lập, nhưng lại gắn bó mật thiết và phụ thuộc lẫn nhau trong mục tiêu hướng đến phát triển bền vững. Chuyển đổi số, hay quá trình tích hợp công nghệ vào mọi khía cạnh của cuộc sống, sẽ tạo ra những thay đổi sâu sắc trong cách con người tương tác với thế giới. Công nghệ số giúp con người thu thập, phân tích, và sử dụng dữ liệu theo những cách chưa từng có trước đây.
“Từ các cảm biến IoT giám sát môi trường đến hệ thống AI quản lý chuỗi cung ứng, công nghệ số cho phép chúng ta hiểu rõ hơn về cách thức sử dụng tài nguyên, đồng thời tối ưu hóa các quy trình nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường. Ví dụ, phân tích dữ liệu lớn có thể giúp doanh nghiệp nhận biết nguồn năng lượng lãng phí, từ đó điều chỉnh chiến lược để tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường”, ông Nguyễn Thế Phương nói.
Giám đốc Tư vấn FPT Digital ví von chuyển đổi số và chuyển đổi xanh “như hai bánh xe cùng vận hành trên con đường tiến về tương lai, sự thành công của mỗi quá trình đều hỗ trợ và thúc đẩy quá trình còn lại”.
Minh họa cho quá trình tương hỗ của chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, ông Thế Phương cho biết chuyển đổi xanh thúc đẩy chuyển đổi số bằng cách tạo ra nhu cầu mới về công nghệ. Nhờ vào chuyển đổi xanh, các công nghệ mới như blockchain trong quản lý chuỗi cung ứng bền vững hay hệ thống giám sát thông minh cho mạng lưới năng lượng tái tạo được đưa vào ứng dụng rộng rãi.
Sự tương hỗ này còn mở ra cơ hội tạo ra các mô hình kinh doanh mới, nơi mà cả hai xu hướng số hóa và xanh hóa cùng nhau mang lại lợi ích lâu dài. Các doanh nghiệp, khi chuyển đổi số để đạt hiệu quả hoạt động cao hơn, đồng thời đầu tư vào chiến lược phát triển bền vững, sẽ củng cố vị trí của mình trong lòng khách hàng và thị trường. Điều này tạo ra một vòng tuần hoàn tích cực, trong đó chuyển đổi số giúp thúc đẩy quá trình xanh hóa, và quá trình xanh hóa lại tạo động lực cho chuyển đổi số.
“Nhìn chung, mối quan hệ tương hỗ giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đã hình thành một hệ sinh thái kinh tế mới, nơi mà sự cân bằng giữa phát triển và bảo vệ môi trường được đề cao hơn bao giờ hết.
Chuyển đổi xanh thúc đẩy chuyển đổi số bằng cách tạo ra nhu cầu mới về công nghệ. Nhờ vào chuyển đổi xanh, các công nghệ mới như blockchain trong quản lý chuỗi cung ứng bền vững hay hệ thống giám sát thông minh cho mạng lưới năng lượng tái tạo được đưa vào ứng dụng rộng rãi".
Sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ như IoT, trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) đang thay đổi sâu sắc cách vận hành của nền kinh tế. Từ đây, việc đưa ra quyết định trở nên thuận tiện và chính xác hơn dựa trên dữ liệu và công nghệ, giúp doanh nghiệp nhìn rõ chính mình, hiểu và biết được mình cần phải làm gì để xây dựng nền tảng vận hành xuất sắc đặt trong bối cảnh phát triển bền vững.
Hai quá trình này không chỉ đồng hành mà còn bổ trợ lẫn nhau, tạo ra một mô hình phát triển bền vững và toàn diện, hướng đến một tương lai mà cả công nghệ và thiên nhiên đều cùng phát triển thịnh vượng.
Mặc dù nhận thức cao về việc thực hiện chuyển đổi kép song các doanh nghiệp vẫn gặp lúng túng trong triển khai. Trao đổi tại phiên tọa đàm “Chuyển đổi số xanh - Tăng trưởng bền vững” bàn về những giải pháp thúc đẩy chuyển đổi kép, trong khuôn khổ Hội nghị và Triển lãm Biztech Vietnam 2024 mới đây, các chuyên gia đều nhấn mạnh một yếu tố quan trọng để thành công trong chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, đó là yếu tố về con người.
Trả lời câu hỏi nhiều doanh nghiệp còn băn khoăn như chuyển đổi số-xanh sẽ bắt đầu từ đâu, các công nghệ mới, đặc biệt là AI, đóng vai trò như thế nào trong lộ trình này, ông Will Nguyễn, Phó Tổng Giám đốc phụ trách công nghệ thông tin và chuyển đổi số của KPMG, khẳng định chuyển đổi số-xanh bắt đầu từ “nhận thức của lãnh đạo doanh nghiệp”.
“Nhận thức này có thể bắt nguồn từ việc đánh giá vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp khi tham gia vào sân chơi quốc tế. Khi lãnh đạo doanh nghiệp đã có nhận thức, họ sẽ đầu tư và việc đầu tư phải dựa trên lộ trình của doanh nghiệp”, ông Will Nguyễn nói. “Với công cụ và sức mạnh của AI hiện tại, doanh nghiệp có thể nhận được báo cáo về những gì đã xảy ra và đang diễn ra theo thời gian thực, cũng như dự đoán về khả năng đạt được các mục tiêu trong tương lai gần và xa”.
Một điều thuận lợi là hiện nay, các hãng công nghệ lớn đã tích hợp chức năng AI vào các giải pháp của họ, vì thế khi doanh nghiệp sử dụng các giải pháp thì có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng các công cụ AI này.
Đại diện KPMG cho rằng nhận thức về ESG (môi trường, xã hội, và quản trị) hiện nay không chỉ là trách nhiệm xã hội mà còn mang tính cạnh tranh. “Thực sự, với sự phát triển của công nghệ hiện nay và xu hướng xã hội của cộng đồng doanh nghiệp, các giải pháp chuyển đổi số và xanh không còn đắt đỏ như trước”, ông Will Nguyễn nói. “Doanh nghiệp không nhất thiết phải mua trọn gói công nghệ, điều này giúp giảm yếu tố đầu tư ban đầu. Có rất nhiều giải pháp trên thị trường có thể hỗ trợ doanh nghiệp trở nên xanh hơn với mức đầu tư phải chăng”.
Theo bà Trương Thị Ái Nhi, Quản lý dự án cao cấp Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED), trong quá trình nghiên cứu và đánh giá hiệu quả, Viện ICED đã phỏng vấn nhiều doanh nghiệp cũng như các khu công nghiệp. “Các đơn vị đều nhận thấy một điều quan trọng là để doanh nghiệp thực hiện tốt vai trò của mình, việc số hóa đóng vai trò cực kỳ quan trọng và cấp bách. Nếu không ứng dụng công nghệ số, việc thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh có thể sẽ không đạt được hiệu quả mong muốn”, bà Ái Nhi nói.
Có 7 bước cơ bản để kết hợp chuyển đổi số và chuyển đổi xanh thành công. Đó là đánh giá hiện trạng và xác định mục tiêu; Thiết kế chiến lược phối hợp; Triển khai công nghệ thích hợp; Đào tạo và thay đổi văn hóa doanh nghiệp; Quản lý dự án và giám sát; Hỗ trợ hợp tác và truyền thông; Đảm bảo tuân thủ quy định.
Hiện nay các doanh nghiệp cũng như nhiều bên liên quan đang ngày càng quan tâm nhiều hơn đến việc đóng góp vào kinh tế tuần hoàn cũng như tăng trưởng xanh. Để hỗ trợ doanh nghiệp về mặt tài chính, bà Ái Nhi cho rằng có nhiều giải pháp, trong đó thông thường sẽ qua các chính sách thuế. Ngoài ra, một số doanh nghiệp đưa ra sáng kiến hợp tác chặt chẽ với ngân hàng, tức là ngân hàng không chỉ là đối tác tài chính mà còn là cổ đông trong quá trình chuyển đổi của doanh nghiệp. “Điều này mang lại sự tự tin cho doanh nghiệp về mặt tài chính và đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng các chiến lược liên quan đến tài chính xanh của doanh nghiệp”, bà Ái Nhi nói.
Một cách tổng quan hơn, với vai trò là một chuyên gia tư vấn và từng triển khai thực tế cho nhiều doanh nghiệp ở đa dạng ngành nghề trong nước, ông Nguyễn Thế Phương cho biết có 7 bước cơ bản để kết hợp chuyển đổi số và chuyển đổi xanh thành công. Đó là đánh giá hiện trạng và xác định mục tiêu; Thiết kế chiến lược phối hợp: Triển khai công nghệ thích hợp; Đào tạo và thay đổi văn hóa doanh nghiệp; Quản lý dự án và giám sát; Hỗ trợ hợp tác và truyền thông; Đảm bảo tuân thủ quy định.
Sự tư vấn, hướng dẫn từ chuyên gia sẽ giúp doanh nghiệp đạt được hiệu quả cao hơn trong việc kết hợp chuyển đổi số và xanh, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh bằng việc giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả vận hành và thúc đẩy sự phát triển bền vững. “Nếu chúng ta nhận thức đúng, đủ và quyết tâm thực hiện chuyển đổi số-xanh, thì đó chính là 50% thành công của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Thế Phương khẳng định.