Theo Giáo sư Jha, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang tăng tốc và ngành nông nghiệp đã và đang đảm bảo an ninh lương thực cho người dân Việt Nam. Lĩnh vực này cũng đem về cho đất nước lượng ngoại hối giá trị hơn 48 tỷ USD. Một trong những thành tựu khác của Việt Nam là sự gia tăng tuổi thọ và bảo hiểm y tế toàn dân bao phủ hơn 87% dân số.
Giáo sư Jha cho rằng dân số Việt Nam trẻ và đang tự thích nghi với nền kinh tế kỹ thuật số. Việt Nam đang xây dựng các nền tảng cốt lõi để trở thành thành viên của các tổ chức kinh tế khu vực, tạo điều kiện cho tăng trưởng trong nhiều lĩnh vực.
Cũng theo Giáo sư Jha, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam khá mạnh và đã đạt được gần 27,72 tỷ USD năm 2022. Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp giảm và lạm phát ở mức dưới 5% cho thấy các quyết định dài hạn mà Việt Nam đưa ra khi thực hiện công cuộc Đổi mới vào năm 1986 đã mang lại kết quả.
Các công ty lớn trong ngành sản xuất giày dép, điện tử và di động đã đầu tư vào nền kinh tế Việt Nam và một số công ty đã chuyển cơ sở sang Việt Nam. Môi trường kinh tế thuận lợi được cải thiện đã được các công ty như Adidas, Nike và Samsung đánh giá cao. Nhờ sự phát triển của các loại công nghệ kỹ thuật số mới và nhận thức của người tiêu dùng tốt hơn, Việt Nam đang chuẩn bị cho động lực lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử. Theo đó, Việt Nam đang tạo ra những thay đổi sâu rộng trong nền kinh tế dựa trên kỹ thuật số và chú trọng hơn vào phát triển khoa học và công nghệ.
Tác giả bài viết nhấn mạnh những yếu tố tạo nên tăng trưởng ấn tượng của kinh tế Việt Nam là việc tự do hóa thương mại, cải thiện điều kiện thuận lợi trong kinh doanh, đầu tư vào nguồn nhân lực và đặc biệt là một nền chính trị ổn định./.
Nguồn TTXVN