Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Hùng Linh, Sáng lập, kiêm Giám đốc Think Future Consultancy cho biết, kể từ khi Ngân hàng Nhà nước công bố sẽ bán vàng qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước, chênh lệch giá vàng đã giảm rất nhanh từ mức 26% so giá vàng thế giới (ngày 29/5) xuống chỉ còn 12% vào sáng ngày 3/6. Khi giá bán chính thức được niêm yết vào buổi chiều ngày 3/6 là 79,98 triệu đồng/lượng thì giá vàng SJC trên thị trường đang từ 80,7 triệu đồng/lượng - 81 triệu đồng/lượng (mua vào, bán ra) cũng ngay lập tức giảm về bằng đúng mức giá đó. Đồng nghĩa chênh lệch giảm tiếp về 11%.
"Như vậy thì ngay cả khi chưa bán vàng, chênh lệch giá vàng đã giảm, cho thấy mức độ thành công của phương pháp bình ổn giá mới", ông Nguyễn Đức Hùng Linh nói.
Theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, chênh lệch giá vàng SJC trong nước so với giá vàng thế giới hay các loại vàng khác ở trong nước đều có lý do riêng. Vàng SJC có thương hiệu, uy tín và thanh khoản cao nhất thị trường nên thường có mức giá cao hơn các loại vàng thông thường. Người mua nếu không thích mức chênh này thì có thể mua các loại vàng khác đang có trên thị trường và với mức chênh thấp hơn.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đây là mức giá giảm khá sâu so với tuần trước là khoảng 82 triệu đồng/lượng và cả mức kỷ lục thiết lập trước đó là 92 triệu đồng/lượng.
"Điều này cho thấy, biện pháp này hiệu quả hơn đấu thầu ở chỗ Ngân hàng Nhà nước đã hạ giá rất mạnh, trong khi giá đấu thầu sát với thị trường", ông Nguyễn Trí Hiếu nói.
Chiều 3/6, đồng loạt các điểm bán vàng của 4 ngân hàng thương mại và Công ty SJC đã chính thức mở cửa bán vàng SJC cho người dân. Theo đó, với mức giá mua từ Ngân hàng Nhà nước là 78,98 triệu đồng/lượng, các ngân hàng niêm yết giá bán ra đồng loạt ở mức 79,98 triệu đồng/lượng, tức cao hơn 1 triệu so với giá mua vào. Còn giá vàng thế giới 2.326,86 USD/ounce (tương đương hơn 71,4 triệu đồng/lượng). Như vậy khoảng chênh lệch giá vàng miếng của hai thị trường hiện còn khoảng 9 triệu đồng/lượng, bằng một nửa so với lúc cao điểm hồi tháng 5 lên tới 20 triệu đồng/lượng.
Điều này đã dẫn đến hiện tượng nhiều người dân đến xếp hàng từ sớm chờ mua vàng tại các địa điểm bán vàng. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế đã khuyến cáo người dân cần thận trọng vì xu hướng giá có thể tiếp tục giảm do biện pháp quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước để giảm giá chênh trong những ngày tới.
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh cho rằng, đầu tư vàng để kiếm lời là một công việc đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm và công sức để nghiên cứu theo dõi. Việc này nằm ngoài khả năng của hầu hết người dân. Trong những ngày qua, việc chờ Ngân hàng thương mại bán vàng trực tiếp đã làm giảm nhu cầu mua vàng, làm giảm chênh lệch giá vàng và mang lại lợi ích cho chính người có nhu cầu mua vì đã mua được giá thấp hơn.
"Bong bóng tài sản hay đầu cơ thổi giá chỉ có thể làm được nếu người mua nóng vội. Nếu người dân bình tĩnh, không chạy theo phong trào cũng đó cũng là một cách để bảo vệ lợi ích của chính mình", Nguyễn Đức Hùng Linh nói.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện theo lộ trình thu hẹp chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC trong nước và giá thế giới.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết, cùng với 4 ngân hàng thương mại (Agribank, BIDV, Vietcombank và Vietinbank), Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC sẽ tham gia mua vàng từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để bán trực tiếp tới người dân.
Các ngân hàng và Công ty SJC khẳng định, việc bán vàng nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu bình ổn thị trường vàng theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, không vì mục tiêu lợi nhuận.
Từ ngày 4/6, các ngân hàng thương mại nhà nước sẽ triển khai bán vàng từ 9h.
Nguồn TTXVN