LTS: Ngày 10-4-2013, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế, một cột mốc quan trọng trên tiến trình Việt Nam, đồng hành cùng các nước. Đến nay, Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế. Tuy nhiên, hội nhập quốc tế 10 năm qua cũng còn những hạn chế. Việc tổng kết Nghị quyết số 22-NQ/TW cũng là dịp để Việt Nam đưa ra các giải pháp hiện thực hóa những nội dung được đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là coi trọng, phát huy vai trò hội nhập kinh tế, quốc phòng, an ninh; mở rộng và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế trong các lĩnh vực xã hội, giáo dục và đào tạo, văn hóa…
Vị thế nhóm 30 quốc gia hùng mạnh
“Vị thế Việt Nam trên trường quốc tế đã gia tăng mạnh mẽ, vai trò ngày càng quan trọng”. Đó là nhận định của nhiều quan chức, chính trị gia, hay các tổ chức quốc tế. Theo một xếp hạng của Hãng US News & World Report công bố tháng 1-2023, với quy mô kinh tế ngày càng tăng, quyền lực mềm và sức ảnh hưởng được công nhận rộng rãi, Việt Nam giữ vững vị thế trong nhóm 30 quốc gia hùng mạnh nhất thế giới năm 2022. Cụ thể, xếp hạng này cho biết, Việt Nam có GDP đạt trên 363 tỷ USD, dân số vượt 98,2 triệu, GDP đầu người theo sức mua tương đương trên 11.553USD. Ở Đông Nam Á, Việt Nam chỉ đứng sau Singapore (vị trí 26, GDP 397 tỷ USD, với 5,45 triệu người), vượt Indonesia (vị trí 32, GDP 1.119 tỷ USD, dân số trên 276 triệu người), Thái Lan (vị trí 36, GDP 506 tỷ USD, với 70 triệu người).
Bảng xếp hạng của US News & Word Report là một phần nghiên cứu “Những quốc gia tốt nhất thế giới” hàng năm, khảo sát và đánh giá 85 quốc gia dựa trên phản hồi từ 17.000 người tham gia. Bảng xếp hạng này đánh giá khách quan mức độ ảnh hưởng cũng như sức mạnh chính trị, kinh tế và quân sự của các nước này trên thế giới.
Mới đây, Tạp chí The Travel (Canada) đã liệt kê 10 điểm đến tuyệt vời nhất tại khu vực châu Á cho du khách trên thế giới, trong đó Việt Nam xếp vị trí thứ 5 và được đánh giá là một trong những quốc gia thanh bình nhất thế giới.
Những đánh giá trên sẽ khó có được nếu Việt Nam không đẩy mạnh hội nhập quốc tế với một tư duy, nhận thức mới theo Nghị quyết số 22-NQ/TW. Dù công cuộc đổi mới từ năm 1986 đánh dấu bước mở rộng và thúc đẩy hội nhập, nhưng với Nghị quyết số 22-NQ/TW, hội nhập quốc tế là một tư duy, định hướng mới, được triển khai với tầm cao mới. Đại sứ Đặng Đình Quý, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Liên hiệp quốc, khẳng định: Nghị quyết số 22-NQ/TW xác định việc hội nhập của Việt Nam không chỉ tuân thủ các cam kết quốc tế, mà còn là chủ động tích cực tham gia xây dựng, vận dụng quy tắc luật lệ quốc tế, tham gia các hoạt động của cộng đồng quốc tế. Thực tiễn hội nhập của Việt Nam, nhất là quá trình đàm phán, ký kết, nội luật hóa và triển khai thực hiện cam kết đối với 15 hiệp định thương mại tự do là minh chứng rõ nét cho thấy Việt Nam luôn nghiêm chỉnh tuân thủ “luật chơi”, tích cực tham gia đóng góp xây dựng “luật chơi”.
Từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương tới các FTA đa phương, FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao hơn, Việt Nam đều đã ghi tên mình là một người làm luật, như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP, nay là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP); Hiệp định FTA Việt Nam - EU (EVFTA). Việc tham gia các luật quốc tế này đã thúc đẩy thương mại, đầu tư, phát triển kinh tế đất nước, cải thiện đời sống cho người dân.
Với định hướng đưa các mối quan hệ quốc tế đi vào chiều sâu, Việt Nam đã tiếp tục nâng cấp quan hệ với các đối tác của mình. Năm 2020, khi dịch Covid-19 hoành hành khiến mọi hoạt động trực tiếp trên thế giới bị đình trệ, Việt Nam và New Zealand đã có hội nghị cấp cao trực tuyến tuyên bố chính thức nâng cấp quan hệ 2 nước lên Đối tác chiến lược. Sự sáng tạo, linh hoạt đó là một ví dụ cho thấy Việt Nam chủ động trong hội nhập, và cho đến nay Việt Nam đã có 17 Đối tác chiến lược, 13 Đối tác toàn diện - trong đó bao gồm cả 5 thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (4 Đối tác chiến lược: Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp; Mỹ là Đối tác toàn diện).
Mềm dẻo trước mọi sức ép
Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh, trong đó có việc tham gia các hoạt động hợp tác ở mức cao hơn, như hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc đã tạo tiền đề để Việt Nam bước lên nấc thang mới trong việc tham gia các tổ chức quốc tế. Tham gia ASEAN, APEC, các tổ chức khu vực, Việt Nam đã được đánh giá cao về vai trò của mình. Song hơn thế, Việt Nam đã lần thứ hai đảm nhiệm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2020-2021; lần thứ hai là Chủ tịch ASEAN (năm 2020); Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hiệp quốc khóa 77; thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, với những sáng kiến, chương trình nghị sự mới được các quốc gia hưởng ứng và tôn trọng.
Trong số các cam kết của Việt Nam khi được bầu vào Hội đồng Nhân quyền, điều đáng khích lệ là Việt Nam đã ưu tiên thực hiện các cam kết và nghĩa vụ của mình theo các điều ước quốc tế về quyền con người
Bà PAULINE TAMESIS, Điều phối viên thường trú Liên hiệp quốc tại Việt Nam
Đáng chú ý hơn cả là tháng 5-2014, 2 sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam đầu tiên đã nhận nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc ở Nam Sudan. Đến nay, Việt Nam đã gửi 512 lượt quân nhân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình đến 3 phái bộ và trụ sở Liên hiệp quốc. Tháng 10-2022, có 3 sĩ quan công an nhân dân đầu tiên tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan, đánh dấu sự khởi đầu của giai đoạn lực lượng công an nhân dân tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc. Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres từng phát biểu trong chuyến thăm Việt Nam tháng 10-2022: “Việt Nam và nhân dân Việt Nam hoàn toàn có thể tự hào vì tiếng nói của các bạn được tất cả các quốc gia tôn trọng”. Mới đây nhất, tháng 2, sau trận động đất lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam đã cử các đoàn cứu hộ của quân đội, công an đến tham gia hỗ trợ tìm kiếm người gặp nạn và được Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cảm ơn vì sự đoàn kết, sẻ chia.
Nghị quyết số 22-NQ/TW còn khẳng định nguyên tắc: “…không tham gia vào các tập hợp lực lượng, các liên minh của bên này chống bên kia”. Đây chính là giới hạn của hội nhập quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh. Trong 10 năm qua, các hoạt động hội nhập quốc tế của Việt Nam luôn tuân thủ nghiêm chỉnh nguyên tắc này. Trong Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019 cũng khẳng định nguyên tắc 4 không: không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Đối với các đối tác, các tổ chức quốc tế và khu vực, các hoạt động hội nhập quốc tế của Việt Nam cũng được triển khai một cách công khai, minh bạch, tránh bị hiểu lầm là “đi với bên này chống bên kia”. Trong bối cảnh xung đột nước lớn gia tăng căng thẳng liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraine 2 năm qua, Việt Nam luôn thể hiện quan điểm thẳng thắn, rõ ràng, chân thành với các nước.
Trong một bài viết gần đây trên Tờ Bangkok Post về “ngoại giao cây tre của Việt Nam”, cây bút đối ngoại kỳ cựu người Thái Lan là Kavi Chongkittavorn nhận xét: “...Cho dù Mỹ và phương Tây có những khác biệt với Việt Nam trong quan điểm về cuộc chiến Ukraine, nhưng cuối cùng họ hiểu rằng hợp tác với Việt Nam cần tiếp tục và tăng cường”. Kavi còn nhìn nhận rằng: Có thể dễ dàng nhận thấy cách Việt Nam thực tế với cái gọi là ngoại giao cây tre, với các cường quốc, không quá uốn mình nhưng đủ mềm dẻo để đứng vững trước sức ép từ bên ngoài.
Năm 2023 đánh dấu tròn 46 năm Việt Nam trở thành thành viên Liên hiệp quốc. Từ nghèo đói vươn lên nhóm 30, từ quốc gia có chiến tranh trở thành người tham gia cứu hộ, cùng gìn giữ hòa bình quốc tế. Việt Nam hoàn toàn đã khác trong mắt bạn bè quốc tế.
Trong năm 2023 và những năm tiếp theo, TPHCM tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế. Trong đó, thành phố tiếp tục triển khai hiệu quả, đồng bộ các hoạt động đối ngoại của Đảng bộ, chính quyền, đối ngoại nhân dân trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa thông tin đối ngoại; xây dựng thương hiệu và quảng bá hình ảnh quốc tế thành phố an toàn sau đại dịch, điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư, du khách... Trong vòng 10 năm trở lại đây, số lượng kiều hối gửi về nước hàng năm tăng đáng kể, trung bình 10%-15%/năm. TPHCM là địa phương có lượng kiều hối gởi về hàng năm chiếm gần 50% tổng lượng kiều hối trên cả nước (riêng năm 2022, kiều hối về TPHCM đạt 6,8 tỷ USD). Dòng tiền này đã góp phần tạo nguồn thu ngoại tệ, ổn định tỷ giá, ổn định thị trường ngoại hối, tăng tính thanh khoản trong thanh toán quốc tế và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế thành phố.
Nguồn SGGP