“Liều thuốc” cho xuất khẩu
Theo Bộ Công thương, từ sau khi gia nhập WTO vào năm 2007, đến nay Việt Nam đã tham gia 15 FTA và đang đàm phán 3 FTA mới. Trong đó, khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) là FTA đầu tiên Việt Nam tham gia - cột mốc giúp Việt Nam hội nhập kinh tế sâu rộng và cũng là bước đột phá cho quá trình tham gia các FTA sau này. Việc tham gia các FTA như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… hứa hẹn tăng trưởng đột phá cho xuất nhập khẩu hàng hóa.
Trong số các FTA đã ký thì AFTA có tỷ lệ xóa bỏ thuế quan cao nhất - 98% với lộ trình thực hiện là 19 năm (nếu tính cả mặt hàng xăng dầu, lộ trình này là 25 năm). FTA có tỷ lệ xóa bỏ thuế quan thấp nhất - 74% là FTA ASEAN - Ấn Độ, với lộ trình thực hiện là 14 năm. Các FTA còn lại có tỷ lệ xóa bỏ thuế quan khoảng từ 86%-93% với lộ trình thực hiện từ 11-17 năm.
Bộ Công thương đánh giá, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các thị trường có FTA đã tăng mạnh mẽ. Năm 2004, Việt Nam mới có 2 đối tác FTA là ASEAN và Trung Quốc, tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt gần 7 tỷ USD. Đến hết năm 2019 (sau 1 năm CPTPP có hiệu lực), tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường có FTA là 123,11 tỷ USD. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với các thị trường FTA đạt 480 tỷ USD, tăng 22,5% so với năm 2020 và chiếm gần 72% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với toàn thế giới. Đến năm 2022, Việt Nam xuất khẩu đạt 372 tỷ USD. Trong đó, các FTA thế hệ mới đã giúp Việt Nam gia tăng đáng kể sản lượng xuất khẩu, với mức tăng trưởng trên 20%, một số thị trường tăng trên 30% - cao hơn nhiều tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung. Năm 2022, xuất siêu sang các thị trường FTA mới là trên 30 tỷ USD. Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định: “Thành tích tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu và duy trì xuất siêu năm 2022 có sự đóng góp không nhỏ của các FTA thế hệ mới. Nếu không có các thị trường này, chúng ta đã nhập siêu chứ không phải xuất siêu”.
Theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), giá trị kim ngạch xuất khẩu của nhiều địa phương sang các thị trường FTA thế hệ mới trong 2-3 năm qua gia tăng đáng kể. Có những địa phương ghi nhận tăng trưởng 2 con số cùng tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. Ngay trong bối cảnh dịch Covid-19, các FTA thế hệ mới trở thành “liều thuốc” để kinh tế Việt Nam sớm phục hồi. Năm 2023, mặc dù kinh tế thế giới suy giảm, xuất khẩu khó khăn nhưng các FTA thế hệ mới vẫn đang được kỳ vọng là “phao” giúp Việt Nam duy trì tăng trưởng.
Theo khảo sát công bố năm 2022 của Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và tận dụng hiệp định thương mại tự do KTP (KTPC), gần 86% doanh nghiệp đánh giá, hội nhập FTA đang mang lại tác động tích cực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng đáng kể so với mức gần 47% năm 2016. Theo Tập đoàn Lộc Trời, nhờ EVFTA, năm 2022, doanh nghiệp đã xuất khẩu 24.000 tấn gạo sang Liên minh châu Âu (EU), cao gấp nhiều lần thời điểm chưa có EVFTA (năm 2018, tập đoàn này chỉ xuất khẩu 2.000 tấn gạo sang EU).
Bài toán tận dụng ưu đãi thuế quan
Đối tác mà Việt Nam ký FTA đã mở rộng nhưng tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan đang có xu hướng giảm, từ mức kỷ lục 39,7% năm 2017 giảm xuống 32,7% năm 2021. Năm 2022, có thị trường hoặc mặt hàng, tỷ lệ này chỉ còn 22%-24%. Theo bà Đỗ Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), trong các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực sang thị trường CPTPP thì hiện nay, dệt may vẫn là nhóm hàng mà tỷ lệ sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) CPTPP thấp (xơ sợi là 33% nhưng các mặt hàng dệt may thì chỉ có trên 10%) và gần như không tăng trong 3 năm qua.
“Hạn chế hiện nay là có những mặt hàng mà chúng ta có tỷ lệ tận dụng tốt thì giá trị xuất khẩu lại khiêm tốn. Những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao thì tỷ lệ tận dụng thấp”, ông Ngô Chung Khanh nhận xét. Khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về kết quả thực hiện một số FTA thế hệ mới cho thấy, chỉ 29% doanh nghiệp có giao dịch xuất nhập khẩu với các nước CPTPP từng có lô hàng được hưởng ưu đãi thuế quan theo hiệp định. Hiện nay, hoạt động xuất nhập khẩu của nhiều địa phương còn tập trung vào các thị trường truyền thống, chưa đẩy mạnh sang các thị trường mới có FTA trong CPTPP, EVFTA. Như vậy, dư địa để tận dụng hiệu quả cơ hội từ các FTA, nhất là các FTA mới đi vào thực thi gần đây như CPTPP, EVFTA, UKVFTA... còn rất lớn.
Để tận dụng tối đa ưu đãi trong các FTA, bà Đỗ Thị Thu Hương nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin về mặt hàng và thị trường cũng như ưu đãi thuế quan theo từng hiệp định; quan tâm, tìm hiểu các quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan… Còn theo ông Ngô Chung Khanh, để hội nhập sâu và tận dụng tốt hơn các FTA, doanh nghiệp cần tìm thêm các mặt hàng có thể tận dụng trong chuỗi giá trị hiện nay để xuất khẩu nhiều hơn.
Đánh giá sau hơn 3 năm các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA đi vào thực thi, ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Trưởng Ban Pháp chế VCCI, cho rằng, cần đổi mới phương thức hỗ trợ doanh nghiệp trong tiến trình thực thi các FTA. Cách thức hỗ trợ phải xuất phát từ những vấn đề thực tế của doanh nghiệp và cần tạo được cơ chế kết nối giữa các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, giữa cơ quan nhà nước với hiệp hội doanh nghiệp. “Trước tiên là rà soát để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Vai trò của chính quyền địa phương hết sức quan trọng, vì họ là cơ quan trực tiếp xử lý các thủ tục với doanh nghiệp, nắm bắt nhiều nhất những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp”, ông Thạch nói.
Còn theo ông Ngô Chung Khanh, để thúc đẩy tiến trình hội nhập, khai thác hiệu quả hơn các FTA, các địa phương nên xác định những mặt hàng chiến lược để có cơ chế tập trung hỗ trợ; cần xây dựng bộ chỉ số FTA Index (song song với Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI) để thay đổi tư duy, cách làm trong việc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tận dụng FTA. Về FTA Index, Bộ Công thương cho biết, Chính phủ đã phê duyệt đề án xây dựng bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA hàng năm của các địa phương (FTA Index). Đây được coi là một trong những thước đo hữu hiệu để xác định mức độ tận dụng ưu đãi tại các địa phương, đồng thời giúp điều chỉnh, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cụ thể.
Sau 7 năm với 12 cuộc đàm phán, ngày 2-4-2023, Việt Nam và Israel đã tuyên bố kết thúc quá trình đàm phán, chuẩn bị ký kết FTA Việt Nam - Israel (VIFTA) ngay trong năm nay. Đây là FTA song phương đầu tiên Việt Nam kết thúc đàm phán với một quốc gia ở khu vực Tây Á. Sau khi ký kết, đây sẽ là FTA thứ 16 mà Việt Nam tham gia trong tiến trình hội nhập.
Năm 2022, TPHCM đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế nhằm tăng cường thu hút và nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư tại thành phố. Thành phố tích cực triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương như Chỉ thị số 41-CT/TW về tăng cường công tác ngoại giao kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Nghị quyết 22-NQ/TW... và đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của TPHCM duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 49,5 tỷ USD (tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2021); tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 66,2 tỷ USD (tăng 10% so với cùng kỳ). Tốc độ tăng trưởng GRDP trên địa bàn TPHCM năm 2022 ước tăng 9,03% so với cùng kỳ và vượt kế hoạch đề ra.
Nguồn SGGP