Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài sáng 22-4. Ảnh: SGGP
Động lực quan trọng
Ngày 29-12-1987, Luật ĐTNN chính thức được thông qua. Đây là một trong những đạo luật đầu tiên được xây dựng ngay sau đổi mới, tạo khung pháp lý cho hoạt động ĐTNN đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng, phát triển và hội nhập kinh tế thế giới. Lũy kế đến ngày 20-4-2023, cả nước có 37.065 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 445,87 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án ĐTNN trực tiếp ước đạt hơn 279,8 tỷ USD, bằng gần 62,8% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Có 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân đã tiếp nhận ĐTNN; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất (hơn 265,5 tỷ USD, chiếm 59,6% tổng vốn đăng ký). Theo đối tác, có 143 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án còn hiệu lực, đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký gần 81,5 tỷ USD (chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư); Singapore đứng thứ hai với hơn 73 tỷ USD (chiếm 16,4% tổng vốn đầu tư)… Vốn ĐTNN đã có mặt ở 63 tỉnh thành, trong đó TPHCM là địa phương dẫn đầu, với gần 56,7 tỷ USD (chiếm 12,7% tổng vốn đầu tư).
ĐTNN góp phần thúc đẩy 3 công cuộc chuyển đổi cơ bản của nền kinh tế. Đó là từ nền kinh tế kế hoạch tập trung sang nền kinh tế thị trường; từ khu vực kinh tế nhà nước và khu vực kinh tế tập thể là chủ yếu sang kinh tế nhiều thành phần; từ một nền kinh tế đóng cửa, bị bao vây, cấm vận sang mở cửa, hội nhập sâu rộng và toàn diện vào nền kinh tế thế giới. ĐTNN còn tác động tích cực đến cải cách, đổi mới thể chế kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bộ máy quản lý nhà nước, cải thiện uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, nhấn mạnh, Việt Nam rất coi trọng nguồn vốn ĐTNN, song để xây dựng nền kinh tế tự chủ thì cần khai phóng nguồn lực trong nước, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh.
Khích lệ đầu tư
Sau một thời kỳ suy giảm do tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, năm 2013 đánh dấu đà bật tăng của ĐTNN khi tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký cấp mới và tăng thêm vào Việt Nam là hơn 21,6 tỷ USD, tăng 54,5% so với cùng kỳ năm 2012 - trở thành điểm sáng của nền kinh tế. Đáng lưu ý là phần lớn số vốn mới cấp phép tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, nhất là công nghệ cao (chiếm gần 77% tổng vốn). Xu thế này vẫn đang tiếp tục trong suốt 10 năm qua, đúng với định hướng thu hút các dự án công nghệ cao, quản trị hiện đại, giá trị gia tăng cao và có tác động lan tỏa tích cực. Điểm mạnh cũng như cơ hội mở ra cho Việt Nam trong việc thu hút vốn ngoại giai đoạn này là Việt Nam đã tham gia 2 hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới là: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định FTA Việt Nam - EU (EVFTA).
Nhiều nhà đầu tư lớn của Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Mỹ, Canada… đã quyết định lựa chọn Việt Nam làm địa chỉ sản xuất - kinh doanh, trong đó phải kể đến Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc). Không chỉ là nhà ĐTNN lớn nhất tại Việt Nam với số vốn đăng ký gần 20 tỷ USD, có đóng góp quan trọng về doanh thu xuất khẩu, công ăn việc làm và các loại thuế cho ngân sách, Tập đoàn Samsung còn thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam (khánh thành ngày 23-12-2022), với tham vọng phát triển thành trung tâm nghiên cứu hàng đầu ở Đông Nam Á và là một trong những trung tâm nghiên cứu lớn nhất thế giới; góp phần đặt nền móng cho nhân tài công nghệ Việt Nam…
Tại Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài ngày 22-4 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, sau khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam sẽ có các giải pháp thu hút đầu tư, hỗ trợ khác ngoài thuế trên cơ sở không trái với các quy định và cam kết quốc tế. Về phía cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, Thủ tướng đề nghị xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thân thiện môi trường, tập trung vào các ngành mới nổi như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo, kinh tế tri thức, ứng phó biến đổi khí hậu với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”…
Trong xu hướng suy giảm chung của kinh tế thế giới hiện nay, Ngân hàng Thế giới dự báo, năm 2023, tăng trưởng GDP toàn cầu chỉ đạt 1,7%, thấp nhất trong gần 3 thập niên qua. Tuy nhiên, tại cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 22-4 vừa qua, ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam, công nhận Việt Nam vẫn là một “ngôi sao đang lên trong lĩnh vực kinh doanh và đầu tư”. Ông Gabor Fluit cũng gợi mở với tình hình kinh tế hiện nay, để duy trì tốc độ phát triển và thu hút thêm đầu tư, cần đẩy mạnh hơn nữa quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, tăng cường chuyển đổi số cho cả khu vực công và khu vực tư, đặc biệt trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và doanh nghiệp.
Trong khi đó, ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc (Kocham) tại Việt Nam, cho biết, với môi trường đầu tư tiếp tục ổn định, thủ tục hành chính ngày càng được cải thiện, đơn giản hơn, hiệu quả hơn, ưu đãi của Chính phủ rộng hơn, nhất là khi thuế suất tối thiểu toàn cầu chuẩn bị được áp dụng, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp công nghệ cao và các công ty tài chính, năng lượng, đang xem xét tăng vốn đầu tư và đầu tư mới. “Tôi tin rằng, sự quan tâm và nỗ lực tháo gỡ khó khăn của Chính phủ Việt Nam sẽ khích lệ các doanh nghiệp nước ngoài tin tưởng đầu tư nhiều hơn nữa. Các doanh nghiệp đang còn ngập ngừng cũng sẽ được khích lệ để đưa ra quyết định gắn bó với Việt Nam”, ông Hong Sun nhấn mạnh.
Trong năm 2023 và những năm tiếp theo, TPHCM tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao kinh tế nhằm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; cụ thể hóa và làm sâu sắc hơn mối quan hệ với các đối tác; tích cực phối hợp chặt chẽ và hiệu quả với Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài và cơ quan đại diện nước ngoài tại thành phố để tìm kiếm các đối tác tin cậy, các nguồn vốn đầu tư, giới thiệu các thế mạnh và những dự án ưu tiên của thành phố với các nước; tiếp tục đẩy mạnh thu hút ngoại lực, xây dựng hình ảnh thành phố là đối tác chủ động, đô thị tầm trung, phát huy hiệu quả của các cơ chế hợp tác cấp địa phương mà thành phố là thành viên. TPHCM là địa phương dẫn đầu cả nước về số dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với 11.007 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn khoảng 55,45 tỷ USD.
Nguồn SGGP