Đối với Việt Nam, khi xem xét về cơ chế tự chủ đại học cần nhận rõ một số điều kiện có tính đặc thù chế định lẫn nhau:
Trình độ phát triển của nền kinh tế - xã hội còn tương đối thấp. Trình độ phát triển của nền giáo dục nói chung, nhất là giáo dục đại học chưa ở loại trình độ cao và còn không ít bất cập; Thể chế và trình độ quản lý nhà nước, quản trị xã hội, trong đó có quản lý - quản trị giáo dục nói chung, nhất là quản lý - quản trị giáo dục đại học còn tương đối thấp, còn nhiều bất cập, còn mang nhiều yếu tố quản lý - quản trị truyền thống tập trung bao cấp.
Nước ta vẫn đang còn trong giai đoạn tiếp tục đổi mới và hoàn thiện thể chế và cơ chế phát triển, trong đó có giáo dục, nhất là giào dục đại học; ảnh hưởng của cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp còn khá nặng cả trong nhận thức, cơ chế chính sách và thực tiễn hoạt động (cả ở tầng vĩ mô và tầng vi mô là các cơ sở giáo dục). Yêu cầu của quá trình đổi mới - phát triển đất nước và toàn cầu hóa - hội nhập quốc tế, trong đó có giáo dục, nhất là giáo dục đại học, đòi hỏi phải đổi mới mạnh mẽ thể chế phát triển giáo dục, trong đó có cơ chế tự chủ đại học, song phải có mô hình và bước đi phù hợp với điều kiện và trình độ phát triển của nước ta, đồng thời tiếp cận với những tiêu chí - chuẩn mực chung của quốc tế.
Bản chất và nội dung của cơ chế tự chủ đại học
Về bản chất, nhìn nhận một cách khái quát : Tự chủ đại học là một cơ chế đồng bộ - phù hợp nhằm tạo cho cơ sở giáo dục đại học là một đơn vị pháp lý có quyền tự chủ cao, gắn hữu cơ - thống nhất về quyền, nghĩa vụ, lợi ích, trách nhiệm, và trách nhiệm giải trình với Nhà nước và các chủ thể liên quan trong việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, tổ chức và nhân sự, huy động và sử dụng các nguồn lực…, tạo động lực cho sự phát triển bền vững và hiệu quả của cơ giáo dục đại học, thực hiện tốt mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, đất nước và hội nhập quốc tế.
2. Nội dung chủ yếu của cơ chế tự chủ đại học :
1). Xét về mục đích – mục tiêu của cơ chế tự chủ : Mục đích – mục tiêu chung của cơ chế tự chủ đại học là tạo động lực cho sự phát triển và nâng cao chất lượng nền giáo dục đại học, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực trình độ cao của đất nước trong giai đoạn phát triển mới - phát triển theo chiều sâu, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thích ứng với thể chế kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Như vậy, cơ chế tự chủ đại học phải là một yếu tố cấu thành hữu cơ của thể chế giáo dục (được đổi mới), nhằm tạo động lực cho sự phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Thể chế tổng quát phát triển giáo dục - đào tạo Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế là: Nhà nước đóng vai trò chủ đạo đồng bộ với cơ chế tự chủ của các cơ sở giáo dục - đào tạo và vai trò của xã hội, vận dụng phù hợp và hiệu quả cơ chế thị trường, đảm bảo cho giáo dục - đào tạo phát triển theo định hướng của Nhà nước, có hiệu quả và chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước, đảm bảo tốt hơn công bằng và bình đẳng xã hội trong giáo dục - đào tạo trong giai đoạn mới.
Nội dung của cơ chế tự chủ và các chủ thể liên quan:
-Nội dung về quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đối với quản lý và phát triển giáo dục nói chung và đối với giáo dục đại học.
-Tự chủ của cơ sở giáo dục trong việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học…
-Tự chủ của cơ sở giáo dục trong việc xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ về tổ chức, biên chế, nhân sự…
-Tự chủ của cơ sở giáo dục trong việc xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ về tài sản, tài chính…
- Trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đối với nhà nước và xã hội.
-Vai trò và trách nhiệm của xã hội, các chủ thể trong xã hội đối với cơ sở giáo dục đại học và ngược lại.
Còn xét về phương diện nội bộ của cơ sở giáo dục đại học, thì nội dung của cơ chế tự chủ phải được thể hiện ở thành tố chủ yếu sau :
-Tính đồng bộ về quyền hạn, nghĩa vụ, lợi ích, trách nhiệm của nhà trường trước nhà nước và xã hội với tính cách là một đơn vị tự chủ.
-Các nội dung và sự phân định hợp lý về quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm và cơ chế hoạt động giữa Hội đồng trường và Ban giám hiệu
- Sự phân cấp hợp lý về quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm và cơ chế hoạt động giữa Ban giám hiệu và các đơn vị trực thuộc trong trường khi thực hiện các nội dung của cơ chế tự chủ.
-Vai trò và trách nhiệm của Tổ chức Đảng trong nhà trường khi thực hiện cơ chế tự chủ.
-Quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm và lợi ích của đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên, đội ngũ những người lao động khác trong trường khi thực hiện cơ chế tự chủ.
-Quyền, quyền hạn, lợi ích, nhĩa vụ, trách nhiệm của người học.
Nhận thức rõ mối quan hệ hữu cơ giữa tự chủ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn với tự chủ về tổ chức, biên chế, nhân sự, và với tự chủ về tài chính, gắn với trách nhiệm giải trình của một cơ sở giáo dục đại học. Trong cơ chế tự chủ này: tự chủ mang tính mục tiêu chi phối và định hướng phát triển phải là tự chủ thực hiện nhiện vụ chuyên môn theo những tiêu chí đặt ra; tự chủ về tổ chức, biên chế, nhân sự là điều kiện trực tiếp và phù hợp để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn đặt ra; còn tự chủ về tài chính là điều kiện để thực hiện có hiệu quả cả hai nội dung tự chủ trên.
Trách nhiệm giải trình của nhà trường và vấn đề Hội đồng Trường
Trách nhiệm giải trình của một trường đại học phải được thể hiện ở cả ba nội dung tự chủ (về thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ chuyên môn; về tổ chức biên chế và nhân sự; về tài chính) đối với các chủ thể “bên ngoài” là Nhà nước và xã hội, và đối với “bên trong” là các đơn vị trong trường, đội ngũ giáo viên và đội ngũ sinh viên…Trách nhiệm giải trình của một cơ sở giáo dục đại học có thể được hiểu khái quát là: Trách nhiệm về tính công khai, minh bạch trong các hoạt động của nhà trường về các nội dung tự chủ đối với cả “bên trong” và “bên ngoài”; trách nhiệm về kết quả, hiệu quả, chất lượng các hoạt động và sản phẩm, dịch vụ do nhà trường cung cấp; trách nhiệm tuân thủ các quy định của Nhà nước và quy chế hoạt động của trường cả về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, tổ chức - biên chế - nhân sự, và về công tác tài chính. Điều đó nói lên là không nên đồng nhất và nhầm lẫn khái niệm “Trách nhiệm giải trình” với khái niệm “tự chịu trách nhiệm” của trường đại học. Có thể nói “Tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình” là hai mặt thể hiện của cùng một thực thể cơ chế tự chủ đại học. Không thể có cơ chế tự chủ đại học có hiệu quả nếu chỉ nhấn mạnh một mặt nào đó và không được chế định đồng bộ với mặt kia. Bởi vì tự chủ của nhà trường phải được gắn với yêu cầu thực hiện được tốt trách nhiệm xã hội.
Khi xã hội phát triển, nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường, xã hội hóa và hội nhập quốc tế giáo dục đại học phát triển mạnh, mối quan hệ của trường đại học đối với xã hội và nền kinh tế trở nên rất đa dạng cả về nguồn lực đầu tư, sự tham gia của các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và mọi người dân vào phát triển giáo dục đại học, đặt ra những yêu cầu mới đối với giáo dục đại học, “đặt hàng” cho giáo dục đai học; bản thân người học cũng không còn theo sự phân công của nhà nước và ra trường cũng làm việc theo nhu cầu của thị trường lao động; trường đào tạo theo nhu cầu của xã hội; chi phí cho học tập trở thành một khoản “đầu tư” có mục đích của người học trả cho trường được lựa chọn vào học. Vai trò của Nhà nước đối với trường đại học đã thay đổi căn bản so với trước; nhà trường không thể phát triển nếu chỉ trông vào nguồn lực của nhà nước; sự phát triển của trường đại học có sự tham gia và chi phối trực tiếp và gián tiếp của nhiều chủ thể.
Tất cả những thay đổi khách quan trên, đòi hỏi muốn phát triển trường đại học phải trở thành một đơn vị tự chủ, nhưng trong đó về phương diện lợi ích và trách nhiệm đã có sự ràng buộc của nhiều chủ thể cả về phía bên ngoài và bên trong: nhà nước, nhà trường, nhà đầu tư, các đối tác liên quan, bộ máy quản lý nhà trường, đội ngũ giáo viên (khi đó thu nhập không phải chỉ từ lương nhà nước trả mà còn từ kết quả hoạt động cung cấp dịch vụ của trường…). Chính sự ràng buộc về lợi ích và trách nhiệm giữa các chủ thể bên ngoài và bên trong liên quan đến định hướng phát triển của nhà trường, đầu tư phát triển của nhà trường, đến mục tiêu phát triển và nâng cao chất lượng - thương hiệu của trường, đến cơ chế phân bổ lợi ích giữa các chủ thể và thành viên…Đòi hỏi phải có Hội đồng trường thay mặt cho cả nhà nước và các bên có lợi ích liên quan, thay mặt cho xã hội và đại diện cho lợi ích công, để định hướng và giám sát hoạt động của bộ máy quản lý - điều hành nhà trường, đảm bảo cho trường phát triển với sự hài hòa lợi ích giữa các chủ thể và xã hội. Bản thân Ban giám hiệu của trường với chức năng và địa vị pháp lý của mình không thể có đủ thẩm quyền quyết định những vấn đề liên quan đến lợi ích và quyền của các chủ thể khác (còn tiếp)
TQT