Về vai trò của Nhà nước
(1). Hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế, chính sách quản lý và phát triển hệ thống giáo dục đại học trong điều kiện phát riển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Trong đó có cơ chế tự chủ của các trường đại học.
(2). Tiếp tục tăng đầu tư của nhà nước gắn với đổi mới phương thức và cơ chế đầu tư của nhà nước cho phát triển giáo dục đại học phù hợp với xu thế chung của thế giới và điều kiện cụ thể của Việt Nam, nâng cao hiệu quả đầu tư, theo hướng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, có tính cạnh tranh gắn với kết quả, chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chuyên mông của trường. Hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp để huy động các nguồn lực của của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục đại học.
(3). Xây dựng, hoàn thiện và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách xã hội trong giáo dục đại học đối với các đối tượng liên quan; đảm bảo công bằng, bình đẳng và tạo động lực lành mạnh – hiệu quả phát triển giáo dục đại học.
Nhà nước cần phải đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý giáo dục đại học, tập trung vào ban hành hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách để quản lý nhà nước về sứ mạng, mục tiêu, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch định hướng phát triển giáo dục đại học, về quản lý chất lượng giáo dục đại học. Xây dựng cơ chế quản lý sở hữu nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập. Ban hành khuôn khổ pháp lý cho sự vận động và phát triển giáo dục đại học trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; Xây dựng khuôn khổ pháp lý và cơ chế, chính sách cho các cơ sở giáo dục - đào tạo đại học thực hiện cơ chế tự chủ; cơ chế, chính sách về đổi mới mô hình giáo dục đại học từ mô hình truyền thống sang mô hình nhà trường hiện đại - sáng tạo cho thế kỷ 21, theo hướng “Chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế”. Xây dựng cơ sở pháp lý và cơ chế bảo đảm điều tiết vĩ mô của nhà nước về cơ cấu và quy mô giáo dục đại học đáp ứng nhu cầu nhân lực của đất nước trong từng thời kỳ; bảo đảm vai trò kiểm tra, giám sát của cộng đồng; phát huy vai trò của các đoàn thể, tổ chức quần chúng, đặc biệt là các hội nghề nghiệp trong việc giám sát sự phát triển và chất lượng giáo dục đại học.
Về vai trò tự chủ của các cơ sở giáo dục - đào tạo đại học
(1). Phải đảm bảo định hướng, mục tiêu giáo dục - đào tạo toàn diện của Đảng và Nhà nước đề ra.
(2). Hoàn thiện đồng bộ cơ chế tự chủ cả về 3 phương diện: Thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; tổ chức, biên chế, nhân sự; cơ chế tài chính phù hợp với từng loại hình trường và trình độ phát triển cụ thể.
Trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn: Trên cơ sở các quy định chung của nhà nước, các trường được chủ động lựa chọn, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, nghiên cứu… sao cho có chất lượng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của xã hội; đảm bảo kết hợp có hiệu quả “dạy chữ, dạy người, dạy nghề”. Xây dựng và thực hiện cơ chế tự do học thuật và tự chủ quản trị phù hợp với loại hình và trình độ của trường.
Về tổ chức, biên chế, nhân sự: Xây dựng, hoàn thiện, ban hành và thực hiện có hiệu quả quy chế Hội đồng trường (đối với trường công lập), Hội đồng quản trị (đối với ngoài công lập); xây dựng quy chế lựa chọn, bầu cử, đề bạt dân chủ, đúng người có năng lực, phẩm chất vào ban lãnh đạo và các cấp quản lý của trường; xây dựng cơ chế, quy chế tuyển chọn, luân chuyển, sử dụng, đãi ngộ… giáo viên có tính cạnh tranh.
Về cơ chế tài chính: Trên cơ sở quy định chung của nhà nước thực hiện tính đúng, tính đủ chi phí giáo dục - đào tạo (bao gồm cả nguồn của nhà nước, nguồn tài trợ của xã hội và nguồn từ cơ chế thị trường). Xây dựng và thực hiện tự chủ thu, chi, cân đối thu chi, có tích luỹ để phát triển. Tự chủ trong việc đầu tư phát triển, cơ chế chi phí giảng dạy (đào tạo) hợp lý, xây dựng và công khai mức học phí, gắn với trách nhiệm đảm bảo chất lượng giáo dục - đào tạo. Xây dựng cơ chế tài chính phù hợp đối với các loại trường hoạt động không vì lợi nhuận, vì lợi nhuận, đảm bảo kết hợp hợp lý, đúng đắn, có hiệu quả về mặt lợi ích giữa nhà nước, xã hội, nhà trường, giáo viên, người học, nhà đầu tư phù hợp với điều kiện và yêu cầu của nước ta. Xây dựng quy chế tự chủ trong việc trả lương cho giáo viên và cán bộ quản lý, nhân viên theo nguyên tắc gắn thu nhập với năng lực chuyên môn, kết quả và chất lượng giáo dục - đào tạo, kết quả hoạt động tài chính của trường nhằm khuyến khích, trọng dụng, phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giỏi, trình độ cao.
Đối với các trường công lập, về tài chính cần nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện cơ chế tự chủ với các cấp độ sau: Vẫn được nhà nước vẫn đảm bảo 100% kinh phí; Tự chủ - tự đảm bảo một phần kinh phí chi thường xuyên; Tự chủ - Tự đảm bảo 100% kinh phí chi thường xuyên; Tự chủ - tư đảm bảo 100% kinh phí chi thường xuyên và một phần chi đầu tư phát triển; Tự chủ - tư đảm bảo 100% kinh phí chi thường xuyên và toàn bộ chi đầu tư phát triển.
(3). Xây dựng cơ chế quản trị nhà trường phù hợp, hiệu quả, theo hướng hiện đại. Vận dụng đúng đắn, hợp lý, có hiệu quả các nguyên tắc và công cụ về cung cấp hàng hóa dịch vụ công trong giáo dục và của cơ chế thị trường trong quản trị - vận hành nhà trường; thực hiện sự cạnh tranh lành mạnh, nâng cao chất lượng cung ứng hàng hóa dịch vụ giáo dục - đào tạo đại học. Thực hiện có hiệu quả các chính sách xã hội trong giáo dục - đào tạo đại học. Phải coi quản trị nhà trường là một nghề quan trọng có tính đặc thù, cần được đào tạo một cách bài bản, khoa học; thục hiện khoa học hóa, chuyên nghiệp hóa, dân chủ hóa quản trị cơ sở giáo dục - đào tạo đại học.
(4). Thực hiện đầy đủ - công khai minh bạch trách nhiệm giải trình đối với các cơ quan quản lý nhà nước, người học, xã hội./.
TQT