ĐBSCL có những vùng sản xuất lúa tập trung, diện tích lớn và ngành nông nghiệp cùng với nông dân đã quan tâm ứng dụng nhiều loại máy móc, thiết bị vào sản xuất, chính điều này đã góp phần giảm lượng giống gieo sạ, giảm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và giảm phát thải khí nhà kính.
Những cánh đồng không dấu chân người...
Lợi ích của cơ giới hóa đã giúp người dân tiết kiệm lượng giống, thuốc bảo vệ thực vật và hơn hết là nâng cao thu nhập của người dân trong canh tác lúa. Ông Cao Văn Hiếu, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang cho biết, những năm gần đây cơ giới hóa đã thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Giờ đây đã có những cánh đồng không dấu chân người, từ gieo sạ, phun thuốc, thu hoạch đều sử dụng công nghệ, người dân chỉ cần nắm vững công nghệ để thực hiện. Chính việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất đã giúp nâng cao giá trị nông sản của Việt Nam thời gian qua.
“Sạ lúa thực hiện bằng máy bay, nếu tư nhân tự sắm sẽ rất tốn kém nên cần giao cho các HTX, sau đó chuyển cho bà con khu vực đó làm dịch vụ với giá phải chăng, chắc chắn bà con làm theo mô hình đó”, ông Hiếu đề xuất.
Mặc dù, cơ giới hóa đồng bộ đã đưa nông sản Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng cũng cần phải nhìn nhận một thực tế rằng, mức độ cơ giới hoá mới tập trung ở một số sản phẩm chủ lực như lúa, cà phê, gia súc, gia cầm và tôm nhưng vẫn chưa đồng bộ. Những hạn chế trong cơ giới hóa được chỉ rõ về chế tạo máy móc, thiết bị trong nước hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu buộc phải nhập máy móc từ các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Ấn Độ.
Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cần Thơ cho biết, việc đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong giai đoạn 2016-2020 của địa phương, góp phần giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao chất lượng hạt gạo. Trong đó, các khâu làm đất, bơm tưới trên lúa được cơ giới hóa hoàn toàn.
Việc ứng dụng cơ giới hoá trong sản xuất lúa cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất của nông dân trong giai đoạn hiện nay, tuy nhiên, một số khâu cơ giới hoá còn thiếu đồng bộ như gieo sạ, cuộn rơm, cắt rạ. Nguyên nhân là những vùng này sản xuất lúa manh mún, nhỏ lẻ, cơ giới một số khâu còn hạn chế, khó khăn do thiếu điều kiện hạ tầng thực hiện, khi thực hiện chi phí cao, hiệu quả thấp.
Ông Trần Thái Nghiêm cũng nhấn mạnh, để cơ giới hóa đồng bộ cần xác định vùng sản xuất lúa tập trung để tiếp tục hoàn thiện, củng cố, phát triển mô hình cánh đồng lớn gắn với xây dựng vùng nguyên liệu. Ngoài ra, trong các chuỗi liên kết với nông dân, doanh nghiệp tiếp tục phát huy vai trò dẫn dắt, hỗ trợ sớm triển khai các tiến bộ kỹ thuật, trong đó có việc mạnh dạn đưa vào các máy móc thiết bị tiên tiến phục vụ sản xuất. Đồng thời, triển khai về chính sách hỗ trợ vốn vay mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tiếp cận nguồn vốn được hỗ trợ lãi suất theo quy định.
“Ứng dụng cơ giới hóa phải thông qua tổ, nhóm dịch vụ mới nâng cao hiệu quả sử dụng, hiệu quả khai thác cũng như lan tỏa nhanh cơ giới hóa trên đồng ruộng. Chính vì vậy xây dựng, triển khai chính sách hỗ trợ, tiếp cận máy móc, thiết bị từ phía nhà nước đến DN và người dân cần có sự quan tâm để hình thành các tổ, nhóm HTX, nông dân làm dịch vụ. Đó là thành phần nòng cốt trong giai đoạn cơ giới hóa hiện nay”, ông Nghiêm đánh giá.
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ NN&PTNT, cơ giới hóa phải đem lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, cho tập thể và cả DN thu mua nông sản thị trường trong nước cũng như xuất khẩu mới đem lại hiệu quả bền vững. Nếu như chú ý đến cơ giới hóa mà không chú ý đến lợi nhuận của người dân, DN sẽ không bền vững.
Ông Lê Thanh Tùng cũng cho rằng, sự đồng bộ không chỉ là ở trang thiết bị mà phải có sự liên kết với nhau với mục tiêu giữ được chất lượng nông sản và làm giảm chi phí sản xuất của người dân. Ngoài ra, cần đồng bộ về phương thức sản xuất từ cá nhân, trang trại, HTX cho đến liên vùng mới thực sự đem lại hiệu quả.
“Cơ giới hóa phải được hiểu cả về trang thiết bị và công nghệ để áp dụng vào quy trình sản xuất. Sự đồng bộ này đi từ nhận thức của người tổ chức sản xuất, từ những DN, từ những trang trại, từ HTX đến chính quyền địa phương. Tất cả địa phương trong vùng ĐBSCL phải có sự liên kết mới nâng cao tính bền vững, mang lại hiệu quả cho nền sản xuất nông nghiệp”, ông Tùng chỉ rõ.
Tổ chức ngành hàng mới là điều kiện đủ
Ngành nông nghiệp cũng nhận thấy rằng, cần sắp xếp lại ngành hàng, tổ chức lại sản xuất, tạo ra quy mô sản xuất lớn hơn sẽ từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị nông sản Việt Nam. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, cơ giới hóa là việc làm cần thực hiện để tối ưu hóa trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng nông sản, tạo ra giá trị cao hơn.
Trong đó, để phát huy hiệu quả của cơ giới hóa cần phải tổ chức lại ngành hàng và đây là yếu tố sống còn. Khi tổ chức lại ngành hàng sẽ đưa những công nghệ, thiết bị và thị trường vào để mang lại hiệu quả thực sự. Nếu như diện tích nhỏ lẻ sẽ hạn chế việc ứng dụng cơ giới hóa, nên phải liên kết giữa người dân, HTX, tổ hợp tác cùng nhau phát huy thế mạnh từ công nghệ, thiết bị, máy móc, khi đó mới thực sự tối ưu hóa được sản phẩm để tạo ra giá trị cao hơn.
“Nếu chiến lược cơ giới hóa trong ngành hàng nông nghiệp là điều kiện cần, thì tổ chức ngành hàng là điều kiện đủ. Cơ giới hóa nông nghiệp để tạo ra được năng suất cao hơn, sự đồng đều về chất lượng nông sản tạo ra giá trị cao hơn, nhưng trên nền tảng phải tổ chức lại sản xuất quy mô lớn hơn. Quy mô lớn hơn không có nghĩa chỉ là tích tụ đất đai lớn hơn, đó là sự liên kết hợp tác của người nông dân trong vùng nguyên liệu đó, tạo ra những HTX hay những hình thức hợp tác để người ta cùng sử dụng chung được phương tiện, công nghệ, thiết bị máy móc đó một cách tối ưu”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Hiện nay, tỷ lệ cơ giới hóa đã mang lại những tín hiệu tích cực đối với những ngành hàng chủ lực của vùng ĐBSCL. Tuy nhiên trong thực tế, tỷ lệ cơ giới hóa ở một số khâu sản xuất và lĩnh vực ngành hàng vẫn còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Vì vậy, để hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp bền vững, cần phải tổ chức lại ngành hàng và việc tổ chức lại này cần sự chung tay của người dân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương để sớm đạt được mục tiêu cơ giới hóa đồng bộ, đưa Việt Nam trở thành trung tâm công nghệ tiên tiến, chế biến nông sản đứng hàng đầu thế giới vào năm 2030./.
Phạm Hải/VOV-ĐBSCL