Cơ giới hóa tất cả các khâu
Dẫn phóng viên ra thăm ruộng lúa, ông Nguyễn Văn Nguyền, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Mỹ Quới tại ấp Hậu Quới, xã Hậu Mỹ Bắc B, Cái Bè, Tiền Giang tự hào: “Cái thời làm lúa mà con người phải kéo cày thay trâu hay con trâu đi trước cái cày theo sau giờ chỉ còn là ký ức. Bây giờ, mỗi năm làm 3 vụ lúa nhưng nông dân sướng lắm, làm cái gì cũng có máy móc hỗ trợ”.
HTX Mỹ Quới được thành lập cách đây hơn 20 năm (năm 1999), với 33 thành viên ban đầu. Đến nay số thành viên đã tăng lên 677 người, với 791 cổ phần, diện tích canh tác lên tới 1.500 ha.
Ngành nghề chính của HTX Mỹ Quới là cung ứng lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chế tạo cơ khí và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho xã viên. Ngoài ra, HTX còn có dịch vụ cung cấp nước sinh hoạt nông thôn, với 6 giếng tầng sâu, phục vụ cho 1.504 hộ dân thuộc địa bàn giáp ranh giữa 3 tỉnh Tiền Giang, Long An và Đồng Tháp.
Xã viên HTX Gò Gòn cùng cán bộ thăm ruộng lúa chuẩn bị thu hoạch, nhờ áp dụng cơ giới hóa, nông dân không còn phải vất vả, bán mặt cho đất bán lưng cho trời, để làm ra hạt lúa. Ảnh: Nông nghiệp
Tham gia dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) Tiền Giang, HTX Mỹ Quới được đầu tư nhà kho sức chứa 1.000 tấn, 2 cống đập và 1 trạm bơm điện, phục vụ tưới tiêu cho 450 ha. Đồng thời, được tập huấn, nâng cao kỹ thuật trồng lúa cho nông dân.
Đến nay, xã viên được tập huấn kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” đạt gần 90% theo kế hoạch (yêu cầu là trên 70%) và tập huấn “1 phải, 5 giảm” đạt trên 50%. Từ đó, làm thay đổi tập quán, phương thức canh tác lúa, mang lại lợi ích to lớn cả về kinh tế, môi trường, xã hội
Đây là tiền đề để HTX Mỹ Quới hướng đến sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao. Giám đốc Nguyễn Văn Nguyền hào hứng cho biết thêm: “Năm nay, chúng tôi đã được tỉnh Tiền Giang hỗ trợ, đầu tư sản xuất lúa công nghệ cao 4.0, với diện tích 10 ha.
Theo đó, mạ được gieo bằng máy trên khay. Cấy bằng máy đa chức năng - “3 trong 1”, vừa cấy, vừa vùi phân và phun thuốc. Phân bón sử dụng loại chậm tan, đỡ tốn công lao động. Nói chung là cơ giới hóa thay cho sức người. Hiện lúa đang phát triển rất tốt.
Chúng tôi đang nghiên xem xét có thể đầu tư thêm máy phun thuốc nữa, không chỉ giải phóng sức lao động mà quan trọng là hạn chế tiếp xúc với môi trường độc hại, bảo vệ sức khỏe nhà nông”.
HTX Mỹ Quới còn làm tốt khâu đầu ra, tăng thêm lợi nhuận cho xã viên. Cụ thể, HTX ký kết hợp đồng với Cty TNHH MTV Phước Lộc Thiên Hộ thu mua 300 ha lúa cho nông dân, với giá từ 4.900 đến 6.200 đồng/kg lúa, với tổng số tiền hơn 8,8 tỷ đồng.
Qua đó, giúp cho xã viên đạt lợi nhuận cao hơn 1,5 triệu đồng/ha so với nông dân bên ngoài. Sản xuất, làm ăn hiệu quả, thành viên HTX Mỹ Quới còn được hưởng nhiều lợi ích khác như: Làm cánh đồng lớn được hỗ trợ 50% lúa giống, sử dụng nước sinh hoạt với giá rẻ hơn, được chia lợi nhuận hàng năm nếu tham gia cổ phần…
Hạ giá thành, tăng lợi nhuận
Ông Giang Văn Ngân, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Thạnh (huyện Tân Hưng, Long An) cho biết: Trên địa bàn xã Hưng Thạnh có tổng cộng 5 HTX. Trong đó, có 4 HTX Dịch vụ Nông nghiệp, 1 HTX Nuôi trồng Thuỷ sản. Khi dự án VnSAT được triển khai trên địa bàn, có 3 HTX được lựa chọn tham gia.
Đến nay, các HTX đã được đón nhận lợi ích từ dự án là HTX Gò Gòn và Hưng Tân. Qua đó, quá trình tổ chức sản xuất, hoạt động kinh doanh của HTX có hiệu quả. Theo bộ tiêu chí của Bộ NN-PTNT, cũng như theo quy định của từng HTX thì được nhân dân đồng tình ủng hộ rất cao.
Cụ thể, dự án VnSAT của Bộ NN-PTNT đã đầu tư tại HTX Nông nghiệp Gò Gòn một trạm bơm điện và HTX Hưng Tân 3 trạm bơm điện, đường nội đồng bê tông hoá trên 1,5 km.
Lúa sau khi thu hoạch về, được chuyền tải bằng băng chuyền trong quá trình phơi sấy, nông dân không còn phải khuân vác nặng nhọc. Ảnh: Nông nghiệp.
Trong quá trình điện khí hoá cũng như hỗ trợ sản xuất đối với các trạm bơm điện của 2 HTX được nhận vừa rồi đạt hiệu quả rất cao trong việc giảm giá thành sản xuất. Nếu không được đón dự án VnSAT này, thành viên HTX phải tiếp tục góp vốn trở lại cũng như là trích khấu hao hàng năm, hết khấu hao phải đầu tư lại, đầu tư mới để xây dựng HTX phục vụ bơm tưới tiêu cho bà con.
Nhờ có dự án VnSAT mà bà con được thụ hưởng, giảm giá thành bơm nước cho thành viên rất lớn. Chi phí vận hành các trạm bơm giảm trên 100 triệu đồng mỗi HTX. Về lâu dài sẽ mang lại hiệu quả rất cao. Đây là một mong đợi lâu nay của các thành viên HTX.
Ông Trương Hữu Trí, Giám đốc HTX Nông nghiệp Gò Gòn (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng, Long An) cho biết: HTX có 520 thành viên, diện tích sản xuất đạt 560 ha.
Hiện tại HTX có 82,5 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP được chứng nhận. Thực hiện cơ giới hoá, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trên đồng ruộng, HTX đã thực hiện san phẳng mặt ruộng bằng tia lazer cho khoảng 100 ha. Trên cánh đồng không có vỏ chai, bao bì thuốc BVTV.
“Hệ thống mương máng chúng tôi xây dựng gồm 1 máng chính và 13 máng con. Tại các máng con này, chúng tôi xây các hố chứa thuốc BVTV cho người dân. Hiện nay, phun xịt thì đã có dịch vụ công của HTX làm công việc này. Người nông dân chỉ cần theo dõi dự báo dịch hại.
Ví dụ đợt này mình phun xịt đợt rầy thì tôi thông báo với bà con liều lượng phun xịt, rồi giao cho dịch vụ công thực hiện. Tiền thuốc, rồi ngày công bao nhiêu người dân ghi để đó. HTX sẽ ứng chi cho người làm dịch vụ công hàng ngày. Người nông dân khỏi phải bỏ ra. Đợi tới cuối vụ bán lúa rồi mới trừ chi phí đầu tư ban đầu, còn lại lợi nhuận bà con đến nhận”, ông Trương Hữu Trí chia sẻ.
“Bây giờ bà con khoẻ lắm, tại vì đồng ruộng đã có chúng tôi quản lý hết. Khi đến cắt lúa thì HTX cũng có máy gặt đập liên hợp làm. Chúng tôi sẽ gặt lúa theo lượng hàng thoả thuận giao với các công ty hàng ngày. Thành viên cũng không cần phải gọi máy gặt đập liên hợp nữa.
Hiện nay, trên cơ sở hỗ trợ đào tạo, tập huấn của dự án VnSAT, HTX Gò Gòn đang định hướng tập huấn khoảng 100 nông hộ để làm theo hướng VietGAP, nhân rộng mô hình này”, ông Trí cho biết thêm.
Ông Ngân Văn Hải có có 3ha đất ruộng cho hay, từ lúc HTX Nông nghiệp Gò Gòn được thành lập đã đăng kí tham gia là thành viên. Khi tham gia HTX ông nhận được rất nhiều lợi ích như được hỗ trợ đào tạo sản xuất lúa VietGAP, hệ thống bơm tưới cùng thụ hưởng chung rất kịp thời.
Bên cạnh đó, cơ giới trên đồng ruộng từ khâu cày ải, phơi đất, phun xịt, thu hoạch lúa,.. được đội dịch vụ công của HTX thực hiện hết. Nhà nông mà giờ lúc nào cũng nông nhàn.
Với sự hỗ trợ đầu tư kho chứa của dự án VnSAT, nông dân có thể trữ lúa chờ giá tốt rồi bán, vừa tăng thu nhập vừa giảm áp lực cho thị trường khi thu hoạch rộ. Ảnh: Nông nghiệp.
Theo Ban quản lý dự án VnSAT Long An, lũy kế từ khi triển khai dự án cho đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ trang thiết bị và cơ sở hạ tầng cho các tổ chức nông dân (HTX). Được chia thành các tiểu dự án (3 đợt tiểu dự án).
Cụ thể, hỗ trợ trang thiết bị, cơ giới hóa gồm các HTX: Hưng Phú, Đồng Đưng, Tân Hưng, Cây Trôm, Hậu Thạnh Tây, Tân Long, Vĩnh Thuận. Các HTX được đầu tư cơ sở hạ tầng là Đồng Đưng, Gò Gòn, Hưng Phú, Hương Trang, Bình Hòa, Tân Hưng, Cây Trôm, Thạnh Hưng, Hậy Thạnh Tây, Tân Long, Vĩnh Thuận.
Về kết quả hoạt động đào tạo, tập huấn, từ đầu năm đến nay dự án đã tập huấn 28 lớp về quy trình sản suất “3 giảm, 3 tăng”, với 840 người tham dự, tương đương diện tích 1.680 ha.
Lũy kế, từ khi thực hiện dự án, đã tập huấn tổng cộng 10.885 hộ (không trùng lắp) về quy trình sản xuất “3 giảm, 3 tăng”, tương đương diện tích 26.935 ha và 8.058 hộ (không trùng lắp) về quy trình “1 phải, 5 giảm”, tương đương diện tích 22.554 ha./
Theo Nông nghiệp