Người dân có thể phải mua xăng dầu giá cao hơn nếu ở vùng sâu, vùng xa
Theo quy định hiện hành, Nhà nước đưa ra giá cơ sở để làm căn cứ điều hành giá bán lẻ xăng dầu. Tức là, mức giá điều hành do Nhà nước công bố giống như giá trần để các doanh nghiệp tự xác định giá bán lẻ xăng dầu trong hệ thống. Ví dụ, Nhà nước công bố giá bán lẻ với E5RON92 là 21.350 đồng/lít thì doanh nghiệp công bố giá bán ra không được cao hơn giá này.
Theo Bộ Công Thương, việc quy định giá cơ sở theo một công thức cố định với các chi phí được tính dựa trên chi phí bình quân do các doanh nghiệp báo cáo không phản ánh đúng thực tế của từng doanh nghiệp, cũng như những phát sinh mà họ phải bỏ ra.
Chẳng hạn, doanh nghiệp sẽ bị thua lỗ khi chi phí tăng cao liên tục, trong khi không được cập nhật, tính đúng, đủ trong công thức tính giá cơ sở nên ảnh hưởng khả năng duy trì kinh doanh và chiết khấu trong hệ thống phân phối. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến thị trường xăng dầu bất ổn vừa qua.
Để khắc phục tình trạng này, cơ quan quản lý đề xuất 2 phương án.
Phương án 1, vẫn điều hành giá xăng dầu như hiện nay, nhưng sửa công thức giá cơ sở theo hướng bổ sung một số chi phí thực tế phát sinh của doanh nghiệp chưa được tính, như premium trong nước. Các quy định về phương thức, tần suất xác định chi phí... sẽ được rà soát để đảm bảo tính đúng, đủ vào giá cơ sở xăng dầu.
Phương án 2, Nhà nước chỉ công bố các yếu tố cấu thành giá, gồm giá thế giới (giá Platt’s), các loại thuế, lợi nhuận định mức, mức trích, sử dụng Quỹ bình ổn giá... Đây được coi là giá định hướng, các doanh nghiệp trên cơ sở dữ liệu này sẽ cộng các chi phí kinh doanh, vận chuyển, premium... để tự xác định và công bố giá bán lẻ của mình. Doanh nghiệp tự kê khai khi thay đổi giá bán, báo cáo liên Bộ Công Thương - Tài chính để giám sát.
Bộ Công Thương đề nghị chọn phương án 2 với lý do cần đưa giá xăng dầu dần về sát với thị trường, giảm dần sự can thiệp Nhà nước. Mặt khác, phương án này đảm bảo các chi phí trong giá xăng dầu sát thực tế phát sinh của từng doanh nghiệp, hạn chế đầu cơ, găm hàng và khuyến khích các doanh nghiệp tạo nguồn cung ổn định cho thị trường.
"Khi doanh nghiệp đầu mối được tự quyết định các chi phí kinh doanh, họ sẽ cân đối, duy trì chiết khấu trong hệ thống phù hợp với thực tế cung cầu trên thị trường, nên vấn đề bất cập về chiết khấu được giải quyết", Bộ Công Thương nêu quan điểm.
Ngược lại, Bộ Công Thương cũng cho rằng, nhược điểm khi doanh nghiệp được hoàn toàn xác định, công bố giá bán lẻ là sẽ có nhiều mức giá trên thị trường. Với khu vực, địa bàn không có nhiều doanh nghiệp xăng dầu cung ứng, hoặc vùng sâu, xa sẽ phát sinh chi phí cao, người dân có thể phải mua xăng dầu giá cao hơn.
Doanh nghiệp bán lẻ ‘than' bất công
Điểm mới nữa tại dự thảo Nghị định lần này là thương nhân phân phối được lấy hàng từ 3 doanh nghiệp đầu mối (hiện nay chỉ được lấy từ 1 đầu mối). Theo Bộ Công Thương, việc này nhằm kiểm soát tốt hơn số lượng đơn vị cấp hàng cho hệ thống của thương nhân phân phối, nhưng vẫn đảm bảo linh hoạt để họ hoạt động, nhất là thương nhân có địa bàn kinh doanh rộng, có thể chọn lấy hàng của 3 đơn vị đầu mối tại 3 miền đất nước.
Với các đại lý bán lẻ xăng dầu, Bộ Công Thương cho rằng nên tiếp tục duy trì quy định hiện nay về việc chỉ được lấy từ 1 nguồn cung ứng. Cơ quan này lập luận, quy định như vậy phù hợp với Luật Thương mại, giúp kiểm soát chất lượng, giá bán xăng dầu đến người tiêu dùng. Khi nguồn cung gặp khó khăn, có đơn vị chịu trách nhiệm về cung cấp xăng dầu cho đại lý để cơ quan Nhà nước chỉ đạo, xử lý.
Cùng với đó, quyền, nghĩa vụ của đại lý cũng được đảm bảo. Nếu đại lý lấy từ nhiều nguồn với mức giá khác nhau, họ không có quyền quyết định giá bán, không biết bán theo giá của đơn vị nào.
Bình luận về những đề xuất trên, ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh), nêu quan điểm không nên để doanh nghiệp đầu mối tự tính giá bán rồi tự phân chia chiết khấu, trong khi doanh nghiệp bán lẻ là đối tác của doanh nghiệp đầu mối và hoạch toán độc lập chứ không phải doanh nghiệp trực thuộc của doanh nghiệp đầu mối.
“Hiện tại, đầu mối cho bán lẻ chiết khấu 200 đồng/lít xăng dầu, trong khi bình quân một cửa hàng bán 1.000 lít/ngày thì phải thuê 2 nhân viên với mức lương khoảng 7,5 triệu/người/tháng; 1 tháng phải chi 15 triệu tiền lương, tương đương 500.000 đồng/ngày, trong khi thu về 1.000 lít chỉ với 200.000 đồng tiền chiết khấu; Chưa kể điện nước, hao hụt, chi phí quản lý, lãi ngân hàng…”, ông Giang Chấn Tây phàn nàn.
Theo đó, ông đề nghị nếu không quy định chiết khấu thì phải cho doanh nghiệp bán lẻ lấy hàng ở ít nhất là 2 nơi mới cạnh tranh được chiết khấu, vì doanh nghiệp đầu mối sợ cho chiết khấu thấp thì doanh nghiệp bán lẻ sẽ lấy hàng ở nơi nào cho chiết khấu cao hơn, chứ cứ giữ quy định như trên sẽ dẫn đến thua lỗ và cửa hàng bán lẻ sẽ phải đóng cửa.
Trong khi đó, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), nêu quan điểm phương án cho doanh nghiệp tự quyết giá bán là không có ý nghĩa gì khi một mặt hàng vẫn còn có doanh nghiệp thống lĩnh, nắm 50% thị phần. Doanh nghiệp chỉ tự quyết giá khi mặt hàng này không có doanh nghiệp thống lĩnh thị trường.
Theo TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, nên cho doanh nghiệp bán lẻ quyền tự quyết định chọn đầu mối nào, chỉ nên quy định muốn thay đổi đầu mối thì phải có bước đi, thủ tục ra sao, "làm sao doanh nghiệp kinh doanh với ông A. trong một thời gian nhưng thấy ông B., ông C. có chiết khấu tốt hơn thì có thể chuyển sang được". Ông tin rằng với sự công khai, minh bạch, dưới sự giám sát của cơ quan quản lý và xã hội thì thị trường minh bạch hơn.