Vào thời điểm những năm 1960-1961, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân miền Nam đặt ra nhu cầu rất lớn và cấp thiết về vũ khí, trang thiết bị. Trong bối cảnh đó, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định mở tuyến đường biển từ Bắc vào Nam để chi viện cán bộ, vũ khí, trang thiết bị phục vụ kháng chiến. Ngày 23/10/1961, Trung tướng Hoàng Văn Thái – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng ký Quyết định 97/QĐ thành lập Đoàn 759 (tiền thân của Lữ đoàn 125 – Bộ Tư lệnh Vùng 2 – Quân chủng Hải quân hiện nay) với nhiệm vụ đóng tàu để vận chuyển vũ khí, người, trang thiết bị hỗ trợ kháng chiến cho chiến trường liên khu IV, V và miền Nam bằng đường biển; phối hợp tổ chức, bảo vệ bến bãi tiếp nhận; sẵn sàng đánh trả các cuộc bao vây tập kích của kẻ thù, thậm chí phá hủy tàu khi cần để giữ bí mật cho tuyến đường vận chuyển. Từ đó, ngày 23/10/1961 được coi là thời điểm đánh dấu sự ra đời của “Đường Hồ Chí Minh trên biển”.
Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 11/10/1962, chiếc tàu gỗ Phương Đông 1 mang theo hơn 30 tấn vũ khí đã khởi hành từ bến Đồ Sơn (thành phố Hải Phòng) và chỉ sau 05 ngày di chuyển, tàu đã cập bến Vàm Lũng (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) sáng sớm ngày 16/10/1962. Đây là chuyến đi đầu tiên và cập bến thành công theo “Đường Hồ Chí Minh trên biển”, đặt dấu mốc cho một loạt chuyến đi tiếp theo vào các tỉnh Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre và Bà Rịa – Vũng Tàu… trong một giai đoạn rất dài từ năm 1961 đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng năm 1975, với những chiến công to lớn: 1.879 lượt tàu thuyền các loại, 4 triệu hải lý hành trình, đưa 152.876 tấn vũ khí, trang thiết bị phục vụ chiến đấu và hơn 80 nghìn cán bộ, chiến sỹ từ miền Bắc chi viện cho miền Nam ruột thịt.
Là một trong năm “Đường mòn Hồ Chí Minh” chi viện cho chiến trường miền Nam (đường bộ, đường biển, đường xăng dầu, đường tiền tệ, đường không), “Đường Hồ Chí Minh trên biển” có những nét độc đáo riêng, gắn với sự dũng cảm, bản lĩnh, trí tuệ, nhạy bén của cán bộ chiến sĩ tham gia. Đó là cách thức vận chuyển linh hoạt: khi thì bí mật ban đêm, lúc lại đường hoàng công khai giữa ban ngày; khi thì chạy cả một chặng đường dài hai chiều Bắc – Nam, lúc lại đi trên nhiều chặng đường ngắn Bắc – Trung – Nam. Đó là sự đa dạng trong chuẩn bị phương tiện vận chuyển từ tàu gỗ, tàu sắt mang hình dáng tàu đánh cá hoặc tàu buôn thông thường cho đến những chiếc tàu hai đáy (dưới để vũ khí, trang thiết bị, trên để dụng cụ nghi binh), được điều khiển bởi những “ngư dân”, “nhà buôn” cùng các phương thức liên lạc riêng. Đó là những tính toán chính xác cùng sự nhanh nhạy của những người chỉ huy, thủy thủ đoàn về luồng lạch, con nước lên xuống cũng như ứng phó với các diễn biến bất ngờ trên đường di chuyển để vượt qua mạng lưới tình báo, thông tin liên lạc dày đặc cùng khả năng kiểm soát số đông trên biển của kẻ địch, đưa những con tàu chở nặng vũ khí, trang thiết bị… cập bến nhanh nhất, an toàn nhất.
Không những vậy, “Đường Hồ Chí Minh trên biển” còn tiêu biểu cho khát vọng, bản lĩnh Việt Nam. Đó là khát vọng độc lập, thống nhất đất nước với chân lý ngời sáng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”; là tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, sẵn sàng chịu đựng gian khổ trước sóng to, gió lớn, trên những con tàu nhỏ, trang bị thô sơ trong điều kiện đặc biệt khó khăn về di chuyển, ngụy trang; là tinh thần dũng cảm chiến đấu với kẻ địch khi bị phát hiện, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ bí mật của con đường vận chuyển huyết mạch này. Tiêu biểu là cuộc chiến đấu ngoan cường của thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và thợ máy Ngô Văn Thứ trên chiếc tàu “không số” 235 vào rạng sáng ngày 01/3/1968, để rồi khi đã bắn tới viên đạn cuối cùng vào kẻ thù, các anh cùng con tàu và 14 tấn vũ khí mang theo đã vĩnh viễn nằm lại với biển đảo của Tổ quốc. Tấm gương chiến đấu hy sinh của đồng chí Nguyễn Phan Vinh, đồng chí Ngô Văn Thứ cùng nhiều cán bộ, chiến sỹ trên những con tàu không số và nhân dân nơi bến bãi tập kết đã viết lên bản trường ca bất hủ và vô tận về bản lĩnh Việt Nam, khát vọng Việt Nam, ý chí Việt Nam, đồng thời để lại cho lớp lớp thế hệ mai sau những bài học sâu sắc về sự trung thành vô hạn với lý tưởng cách mạng, với Đảng, tận tụy phục vụ nhân dân, sẵn sàng hy sinh khi Tổ quốc cần.
Những đóng góp cực kỳ to lớn, kịp thời của “đường Hồ Chí Minh trên biển” trong việc vận chuyển các loại vũ khí hiện đại cùng trang thiết bị chiến tranh và cán bộ, chiến sỹ chi viện cho chiến trường miền Nam đã góp phần giải quyết được bài toán vũ khí cho các lực lượng của ta trong đối phó với các chiến lược chiến tranh của Mỹ ở miền Nam. Trong một báo cáo gửi về Phủ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa ngày 15/09/1963, Thiếu tá Nguyễn Thành Hoàng - Tỉnh trưởng An Xuyên (Cà Mau) đã phải hoảng hốt thừa nhận: "Vũ khí của Việt cộng vượt ra ngoài tất cả các ước tính của chúng ta. Việt cộng đã dùng Cối 81, Đại liên 12,7 mm, DKZ 75... là những thứ mà quân đội Việt Nam Cộng hòa chưa có. Đạn của chúng rất dồi dào, điều mà trước đây chúng chưa bao giờ làm được".
Sáu mươi năm đã trôi qua, sứ mệnh vẻ vang của những chuyến tàu “không số” đã khép lại nhưng tinh thần anh dũng bất khuất mà những thủy thủ tàu “không số” nói riêng, của các cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trực tiếp tham gia vào “đường Hồ Chí Minh trên biển” nói chung vẫn đã, đang và sẽ mãi là ngọn cờ cổ vũ, nguồn động lực to lớn để con tàu cách mạng Việt Nam rẽ sóng lướt nhanh về bến bờ mà các chiến sỹ tàu “không số” xưa kia, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân hôm nay luôn hằng mong ước, đó là xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, ấm no, tự do, hạnh phúc.
Hà Sơn