Thực tiễn đất nước ta hơn 90 năm qua, ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội (CNXH) do Đảng ta giương cao đã đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Và qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, trong đó có 10 năm thực hiện Cương lĩnh năm 2011, 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, 7 năm thực hiện Hiến pháp 2013. Đó là một công trình vĩ đại của Đảng và nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN), là minh chứng khẳng định việc Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới, đi lên CNXH là tất yếu, hợp quy luật.
Về lý luận, con đường đi lên CNXH ở Việt Nam có cơ sở khoa học từ việc nhận thức rõ quy luật tất yếu của lịch sử phát triển. Học thuyết Mác – Lênin chính là học thuyết đúng đắn về sự phát triển của nhân loại.Ở Việt Nam, chỉ từ khi chủ nghĩa Mác – Lênin được Hồ Chí Minh tiếp thu, vận dụng sáng tạo, truyền bá vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước mới làm cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động nhận thức được bản chất bóc lột, thối nát của chế độ thực dân, phong kiến và nhận thức được vai trò, sứ mệnh lịch sử của mình. Cũng từ đó làm chuyển biến phong trào công nhân từ tự phát lên tự giác, phong trào yêu nước từ lập trường dân tộc sang lập trường giai cấp; đưa giai cấp công nhân Việt Nam bước lên vũ đài chính trị và trở thành lực lượng lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiên phong của mình là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Về thực tiễn, thắng lợi của cách mạng XHCN Tháng Mười Nga năm 1917 đã mở ra một thời đại mới, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới. Tính tất yếu của thời đại mới đã tạo khả năng và điều kiện để Việt Nam và các dân tộc khác tìm ra con đường giải phóng dân tộc một cách triệt để và đi lên CNXH.Thực tiễn cách mạng Việt Nam là minh chứng rất rõ khi chúng ta đã chiến thắng những đế quốc hùng mạnh nhất để giải phóng dân tộc, giữ vững chủ quyền đất nước, quyền làm chủ của nhân dân và tiến lên CNXH. Sau 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, đất nước ta đã ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội những năm trước đổi mới, ra khỏi tình trạng bao vây, cấm vận của các lực lượng thù địch, ra khỏi tình trạng nước kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp. Quy mô, trình độ khoa học và công nghệ của nền kinh tế, thu nhập của nhân dân được nâng lên. Nền kinh kế thị trường định hướng XHCN từng bước hình thành, ngày càng hoàn thiện, hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, tạo ra những tiền đề, điều kiện quan trọng cho đất nước tiếp tục phát triển. Những thành tựu đó đã khẳng định tính đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong lãnh đạo nhân dân Việt Nam kiên định con đường XHCN và lựa chọn mô hình CNXH với những đặc trưng vừa phù hợp với đặc điểm của đất nước và con người Việt Nam, vừa phù hợp với tính chất, xu thế phát triển của thời đại mới.
Trong bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mang tên “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” đã mô tả một cách khái quát cuộc khủng hoảng mới nhất của chủ nghĩa tư bản – với những biểu hiện như: suy thoái kinh tế, gia tăng khoảng cách giàu nghèo, và thất bại trong việc xử lý dịch COVID-19. Đồng thời, chỉ ra rằng cuộc khủng hoảng này xuất phát từ mâu thuẫn nội tại của chủ nghĩa tư bản: “Các cuộc khủng hoảng đang diễn ra một lần nữa chứng minh tính không bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái của nó…Thực tế là các thiết chế dân chủ theo công thức "dân chủ tự do" mà phương Tây ra sức quảng bá, áp đặt lên toàn thế giới không hề bảo đảm để quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân - yếu tố bản chất nhất của dân chủ”. Điều này càng khẳng định những quan điểm xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động ca ngợi CNTB, phủ định CNXH là sai trái. Cách lựa chọn của Việt Nam khi xử lý dịch Covid-19 đã đặt tính mạng của người dân lên cao nhất, đồng thời dung hòa nhu cầu phòng dịch với nhu cầu mưu sinh của đa số, là một trong những biểu hiện của định hướng nhân văn như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã viết.
Phải chăng những mong ước tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi.
Mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH ở nước ta là không bao giờ thay đổi. Tuy nhiên, chúng ta phải không ngừng sáng tạo, bám sát thực tiễn của đất nước, phân tích, đánh giá bối cảnh thế giới để xác định con đường đi lên CNXH một cách phù hợp, tránh tư tưởng chủ quan, nóng vội, hoặc bi quan, dao động. Vì xã hội XHCN mà Đảng và nhân dân ta phấn đấu xây dựng trên đất nước Việt Nam là một hình mẫu xã hội ưu việt, kết tinh những giá trị tốt đẹp nhất, phản ánh khát vọng của nhân dân Việt Nam, phù hợp với các giá trị phổ quát của nhân loại: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
Nga Trịnh