Gói hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động là nhóm chính sách thực hiện theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Với mục tiêu đào tạo lại 1 triệu lao động, tổng kinh phí thực hiện 4.500 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/tháng, tối đa 6 tháng mỗi người; tuy nhiên, đến nay chỉ còn hơn 1 tháng để nhận hồ sơ (hết hạn vào cuối tháng 6-2022), nhưng tiến độ thực tế triển khai rất chậm.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến trung tuần tháng 5-2022, mới có bảo hiểm xã hội của 12 tỉnh, thành phố nhận hồ sơ đề nghị chi hỗ trợ của 31 doanh nghiệp được địa phương phê duyệt. Đáng nói, kết quả giải ngân cũng mới đạt hơn 17 tỷ đồng để đào tạo lại cho khoảng 4.000 lao động.
Do đâu mà một chính sách mang tính cấp bách, có mục tiêu tốt với ý nghĩa dân sinh rất lớn lại thực hiện chưa thành công như mong đợi?
Có nhiều nguyên nhân, nhưng lý do căn bản được chỉ ra là sự vào cuộc của cơ quan chức năng và một số địa phương chưa thực sự tốt khi còn tồn tại tư tưởng cái gì dễ thì làm, khó thì né tránh. Trong khi đó, việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan mất nhiều thời gian khiến doanh nghiệp ngần ngại… Chưa kể, có không ít doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện “đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ”… Thời kỳ “hậu Covid-19”, bản thân doanh nghiệp cũng chưa bố trí thời gian cho công tác đào tạo, đào tạo lại người lao động, mà chủ yếu có nhu cầu tuyển mới bổ sung nguồn nhân lực hoặc mở rộng quy mô sản xuất…
Với thực tế này, có nhiều ý kiến kiến nghị kéo dài chính sách để bảo đảm quyền lợi cho người lao động và doanh nghiệp. Tuy vậy, trước khi được cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định có kéo dài hay không thì các cơ quan chức năng, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cần sớm khắc phục những điểm hạn chế nêu trên trong quá trình thực hiện chính sách. Đặc biệt, nơi nào đã nhận hồ sơ cần rà soát lại, phê duyệt sớm để doanh nghiệp triển khai ngay; đồng thời tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi trong nhận, phê duyệt hồ sơ từ nay cho đến ngày 30-6-2022. Với những địa phương chưa triển khai hoặc làm chậm, cần xác định đây là một trong những công việc quan trọng để tập trung đôn đốc, giải quyết một cách hiệu quả.
Cùng với đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp cần tiếp tục coi đây là cơ hội để cùng nhau vượt qua khó khăn do dịch Covid-19. Trong đó, các trường nghề cần chủ động hơn nữa trong phối hợp với cơ quan chức năng và người sử dụng lao động rà soát nhu cầu, xây dựng phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Đặc biệt, cần phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp lập hồ sơ, thanh quyết toán đúng quy định pháp luật… Người lao động được thụ hưởng chính sách cần tận dụng cơ hội này để nâng cao tay nghề, bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định về lâu dài.
Cùng với thực hiện tốt các nhiệm vụ nêu trên, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần cộng đồng trách nhiệm, tiếp tục rà soát, đánh giá việc thực thi chính sách để có những đề xuất, kiến nghị phù hợp thực tiễn, bảo đảm quyền lợi của người lao động./.
Theo Hà Nội mới