1. Tuyên truyền và công tác tuyên truyền
Trên thế giới có nhiều quan điểm khác nhau về tuyên truyền, nhưng tựu chung đều khẳng định tuyên truyền là một dạng thức của truyền thông hay là hoạt động truyền thông mang tính thuyết phục. Điều đó có nghĩa, tuyên truyền là đem một học thuyết, một tư tưởng nào đó để truyền bá cho người khác, thuyết phục họ tin và làm theo theo học thuyết, tư tưởng đó. Tuyên truyền là hoạt động có mục đích mang lại lợi ích cho chủ thể tuyên truyền. Điều này dẫn tới một sự lo ngại rằng, vì lợi ích, người tuyên truyền sẽ thiếu khách quan và có thể dùng các thủ đoạn áp đặt, nhồi sọ, bịa đặt… để lôi kéo, dẫn dụ người khác. Tuy nhiên, tuyên truyền là một hoạt động xã hội, tốt hay xấu phụ thuộc vào mục đích của chủ thể tuyên truyền. Nếu mục đích của chủ thể tuyên truyền hướng tới là tốt đẹp, mang lại lợi ích cho cộng đồng, xã hội thì tuyên truyền là một hoạt động rất cần thiết và lành mạnh. Nếu mục đích của người tuyên truyền là xấu xa, vị kỷ thì tuyên truyền bị ghét bỏ, xa lánh là đương nhiên. Vì vậy, hiện nay bên cạnh các quốc gia coi trọng tuyên truyền, thì cũng có quốc gia kỳ thị tuyên truyền, nguyên nhân là do cách tiếp cận khác nhau mà thôi.
Tuyên truyền có nhiều nội dung: triết học, chính trị, khoa học, nghệ thuật… Trong đó, lĩnh vực sử dụng tuyên truyền nhiều nhất là chính trị, nói cách khác, khi nói đến tuyên truyền là nói đến việc truyền bá các tư tưởng, học thuyết chính trị.
Ở Việt Nam, công tác tuyên truyền là một bộ phận trong công tác tư tưởng của Đảng. Đó là hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo và thực thi việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước để xây dựng niềm tin, cổ vũ hành động tích cực, tự giác của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Công tác tuyên truyền vốn dĩ là hoạt động của Đảng, phục vụ lợi ích của Đảng, nhưng lợi ích của Đảng thống nhất với lợi ích của quốc gia, dân tộc và nhân dân. Mặt khác, Đảng ta là đảng cầm quyền nên công tác tuyên truyền không chỉ là công tác của Đảng mà còn là nhiệm vụ của các tổ chức chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội.
Công tác tuyên truyền là đem các nội dung đã có sẵn (hệ tư tưởng, Cương lĩnh, nghị quyết, chỉ thị, luật pháp, chính sách) của Đảng và Nhà nước phổ biến rộng rãi đến quần chúng làm cho họ hiểu, tin và sẵn sàng hành động hiện thực hóa các nội dung đó. Để làm được điều đó, cán bộ tuyên truyền phải có tri thức, có niềm tin vững chắc, thành thục kỹ năng tiếp cận và thuyết phục công chúng.
Tuyên truyền để người lao động tự do tham gia bảo hiểm xã hội. Ảnh: Internet.
2. Truyền thông chính sách
Những năm gần đây, ở Việt Nam mới xuất hiện khái niệm truyền thông chính sách. Đây là cách nói khác của thuật ngữ truyền thông chính sách công vốn có nguồn gốc từ các nước phát triển và du nhập vào nước ta trong quá trình hội nhập quốc tế. Hiện nay, nhiều người vẫn quan niệm truyền thông chính sách vớicông tác tuyên truyền là một. Tuy nhiên, khi nói đến truyền thông chính sách, người ta chỉ đề cập đến hoạt động truyền thông của nhà nước. Vì vậy, truyền thông chính sách là quá trình tương tác, trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan truyền thông nhà nước với đông đảo quần chúng trong chu trình chính sách, bao gồm: nhận diện vấn đề chính sách; hoạch định chính sách; thực thi chính sách và đánh giá chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển và đồng thuận xã hội.
Truyền thông chính sách giống tuyên truyền ở chỗ đều là hoạt động truyền bá thông tin, tri thức chính trị và giữa chúng có mối quan hệ biện chứng, đan xen, chuyển hóa lẫn nhau. Điểm khác biệt cơ bản giữa tuyên truyền và truyền thông chính sách làở chỗ, tuyên truyền là việc truyền bá những chủ trương, đường lối, chính sách, luật pháp của Đảng và Nhà nước đã ban hành, trong khi đó, truyền thông chính sách được thực hiện từ khi chính sách chưa ra đời. Ở giai đoạn nhận diện vấn đề chính sách, truyền thông làm nhiệm vụ phát hiện, chuyển tải những băn khoăn, bức xúc, nhu cầu, nguyện vọng của người dân và doanh nghiệp về những mâu thuẫn, ách tắc trong cuộc sống đến cơ quan ban hành chính sách để đưa vào chương trình nghị sự. Ở giai đoạn hoạch địch chính sách, truyền thông tham gia phản biện chính sách, phản ánh ý kiến của các chính khách, chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân về bản dự thảo chính sách để góp phần gia tăng chất lượng chính sách do các cơ quan nhà nước soạn thảo. Ở giai đoạn thực thi chính sách, truyền thông cũng giống công tác tuyên truyền là phổ biến rộng rãi chính sách đến mọi người dân, nhất là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp của chính sách để họ tin tưởng, ủng hộ và thực hiện chính sách đó. Ở giai đoạn cuối cùng, truyền thông theo dõi, giám sát, phát hiện và phản ánh ý kiến của người dân về những thành tựu và hạn chế mà chính sách mang lại, giúp cho cơ quan ban hành chính sách có cơ sở để quyết định duy trì, sửa đổi hay bãi bỏ chính sách đó.
Nếu tuyên truyền là làm cho nhân dân hiểu, tin và làm theo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, thì truyền thông chính sách lại huy động sự tham gia của người dân vào quá trình chính sách của Nhà nước, thực hiện mục tiêu dân chủ hóa đời sống chính trị của đất nước và tạo sự đồng thuận xã hội. Mục đích khác nhau dẫn tới phương pháp tác động cũng khác nhau. Các phương pháp cơ bản của tuyên truyền là giải thích, thuyết phục, ám thị, nêu gương… Phương pháp cơ bản của truyền thông chính sách là lắng nghe, chia sẻ, đối thoại, phát huy vai trò chủ thể của người dân. Do đó, truyền thông chính sách rất phù hợp với bối cảnh bùng nổ thông tin và xu hướng dân chủ hóa đời sống chính trị của Việt Nam theo phương châm mà Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: "mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân".
Hai khái niệm này có điểm giống nhau và khác nhau, nhưng không triệt tiêu, mà hỗ trợ lẫn nhau. Trong tuyên truyền vẫn phải tăng cường đối thoại, nắm bắt thông tin phản hồi, tôn trọng nhu cầu, lợi ích của đối tượng thì mới có thể xây dựng được niềm tin vững chắc của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Truyền thông chính sách trong những hoàn cảnh, nhiệm vụ đặc biệt khó khăn, gian khổ, khẩn trương như: chiến tranh; phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; phòng, chống dịch bệnh; thiên tai, thảm họa… phải sử dụng các biện pháp tuyên truyền thì mới có hiệu quả.
Hiểu đúng về công tác tuyên truyền và truyền thông chính sách không chỉ để có thái độ và hành động đúng mà còn là cơ sở khoa học để đấu tranh với các quan điểm coi nhẹ, kỳ thị, bôi nhọ công tác tuyên truyền của Đảng.
Lương Ngọc Vĩnh