Thời gian gần đây, tình trạng phát tán tin giả, tin sai sự thật ngày càng trở nên phổ biến trên không gian mạng internet, đặc biệt là về tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống dịch COVID-19 đang có dấu hiệu gia tăng. Từ thời điểm dịch COVID-19 xâm nhập và bùng phát, hầu hết các tỉnh thành trên cả nước đều đã có nhiều chủ tài khoản mạng xã hội bị xử phạt hành chính vì đưa tin giả. Mặc dù đã có nhiều trường hợp bị xử phạt, răn đe cũng như việc thông tin cảnh báo luôn được các cơ quan chức năng, cơ quan thông tấn báo chí thông tin thường xuyên và cập nhật liên tục, thế nhưng tin giả vẫn phát tán tràn lan.
Hiện nay, tin giả xuất hiện dưới rất nhiều hình thức khác nhau, ngoài mục đích là vụ lợi thì chúng còn được lan truyền rộng khắp, "câu view, câu like" trên mạng xã hội. Chính vì thế, tin giả thường được gắn với những thông tin, chủ đề "nóng" nhất, đang gây sự chú ý nhất. Vì vậy, để giúp mỗi người nhận biết và phân biệt được tin nào là thật, tin nào là giả thì thật là vô cùng khó cho chính bản thân của họ. Nhất là trong thời điểm này, dịch bệnh COVID-19, công tác phòng chống dịch bệnh đang là chủ đề được các nhiều người “xuất bản tin giả" sử dụng phổ biến nhất.
Công thức 5W+1H hiện được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực trong đó có lĩnh vực báo chí để viết tin bài được logic, không bị thiếu ý và đảm bảo cấu trúc bài viết chặt chẽ. 5W+1H còn được sử dụng hiệu quả trong nhiều trường hợp khác như: thuyết trình, nghiên cứu khoa học, tóm tắt một cuốn sách, ghi nhớ một sự kiện… 5W+1H cũng có thể sử dụng chung với Bản đồ tư duy để giải quyết nhiều vấn đề khác nhau trong giảng dạy, học tập, kinh doanh, đàm phán…
5W là viết tắt 5 chữ cái đầu của các từ tiếng Anh gồm: Who, What, Where, When, Why và 1H là How. Trên thực tế, nếu chúng ta biết vận dụng nguyên tắc này cùng một vài kỹ năng khác như: đối chiếu, so sánh, tra cứu, tìm kiếm… để xác định thông tin của mình đang đọc, đang chia sẻ có phải tin giả hay không hoàn toàn là một việc không khó. Thực chất việc này cũng không đòi hỏi quá nhiều thời gian cũng như kiến thức chuyên môn.
What: Cái gì?
Nội dung của thông tin mà bạn tiếp nhận là gì? Đặc điểm của thông tin mà bạn đang xem là hoạt động gì hay sự kiện là gì? Nội dung sự kiện là gì? Bạn cần nắm những “từ khóa” chính của tiêu đề mà bạn đang thấy hoặc nội dung chính yếu nhất của thông tin đó.
When: Khi nào
Vấn đề mà bạn tiếp nhận diễn ra khi nào, gần đây hay là đã diễn ra từ lâu. Bạn nên chú ý đến thời điểm được nêu ra hoặc dựa vào thông tin bài viết, bài đăng.
Where: Ở đâu
Địa điểm cụ thể nhất mà bạn biết là ở chỗ nào, diễn ra cụ thể ở địa điểm nào. Càng chi tiết thì chúng ta sẽ càng dễ tìm và so sánh nhất.
Why: Tại sao
Tại sao lại có thông tin này? Tại sao những người bạn của mình lại chia sẻ những thông tin này? Tại sao vấn đề ấy lại xảy ra tại thời điểm này? Những mối tương quan đến thông tin mà bạn tiếp nhận?
Who: ai
Đối tượng hay nhân vật mà bài viết đang nói đến là một nhân vật cụ thể nên chúng ta phải hiểu rõ thông tin đang đề cập đến những ai, con người nào?
How: như thế nào
Từ khóa cuối cùng của 5W+1H là như thế nào? Thông tin mà bạn tiếp nhận đã diễn ra như thế nào?
Bước cuối cùng, sau khi đặt ra những câu hỏi như vậy thì chúng ta đã có trong tay một bộ gồm nhiều “từ khóa” chính yếu nhất mà thông tin mình đang tiếp nhận. Bước tiếp theo, là hãy dùng nó để tra cứu, tìm kiếm trên không gian mạng internet (qua công cụ tìm kiếm Google, hoặc bất kỳ công cụ tìm kiếm nào) theo từng nội dung cụ thể. Chúng ta tìm xem chúng đã từng được đề cập trên các trang báo điện tử chính thống hay chưa, tìm hiểu thời gian đăng bài của các bài viết này. Việc làm này rất quan trọng vì hầu như các báo điện tử hiện nay đều cập nhật thông tin vô cùng nhanh chóng, kể cả những tin tức diễn ra từ các trang mạng xã hội chia sẻ. Việc tra cứu này giúp chúng ta xác định rõ ràng là thông tin đó đã được kiểm chứng. Hầu như, ở các trang báo đều có những thông tin bài viết rất cụ thể và rõ ràng, chúng ta hãy tìm đến những chi tiết này để minh chứng. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên cân nhắc về độ tin cậy về các trang báo điện tử có tên miền .vn hoặc .com.vn. Vì cũng có rất nhiều trang giả mạo, lấy tên miền khá giống nhằm giả mạo, câu view, lượt truy cập.
Công cụ internet hiện nay rất thông minh nên việc tìm kiếm là không khó. Vì vậy, vấn đề là chúng ta phải có những từ khóa (keyword) ngắn gọn nhất, dễ hiểu nhất, đồng thời phải dành nhiều thời gian “thử” lại nhiều lần với những từ khóa gần giống mà chúng ta đã, thì kết quả của việc tra cứu này sẽ mang lại độ chính xác, tin cậy rất cao.
Riêng đối với những tin kèm theo hình ảnh thì chúng ta cũng tự vấn 5W+1H để quy đổi ra những từ khóa cho mình, để từ đó có thể tìm kiếm, so sánh một cách nhanh nhất. Hoặc mọi người có thể tra cứu bằng công cụ Search bằng hình ảnh để xác định bức ảnh sử dụng trong tin bài có đúng thời điểm xảy ra sự kiện không, các tin giả thông thường lấy ảnh cũ, có tính gây sốc để tăng khả năng tương tác và chia sẻ lan truyền thông tin.
Hy vọng, mỗi người sau khi xem bài viết này sẽ tự trang bị cho mình những kiến thức cũng như kỹ năng cần thiết trong việc nhận diện tin giả vì nếu vô tình chia sẻ những thông tin sai lệch này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến cá nhân chúng ta, mà một khi đã được phát tán rộng rãi, nó có thể gây ra những hậu quả khôn lường.
Trường Vũ