Câu hỏi: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Xin cho biết, công thức phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam được xác định trong Chiến lược này.
Trả lời
Ngành công nghiệp bán dẫn với vai trò then chốt trong nền kinh tế số đang ngày càng khẳng định vị thế quan trọng trong bối cảnh thế giới bước vào kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đang có thay đổi và điều chỉnh lớn, chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu đang dịch chuyển từ chỗ chuyên môn hóa cao, tập trung ở một số ít quốc gia, khu vực, vùng lãnh thổ sang đẩy mạnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng và nâng cao năng lực trong nước. Việt Nam có lợi thế địa chính trị, nhân lực về công nghiệp bán dẫn, là cơ hội cho Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu(1).
Đảng, Nhà nước Việt Nam đặt ưu tiên hàng đầu cho phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, một ngành công nghiệp đang trở thành trụ cột trong nền kinh tế toàn cầu. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, ngày 05/08/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn(2) và ngày 21/9/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định ban hành Chiến lược Phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050(3). Chiến lược này đóng vai trò hết sức quan trọng hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn.
Chiến lược đề ra con đường phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2050 theo công thức sau:
C = SET + 1
Trong đó:
C: Chip (Chip bán dẫn);
S: Specialized (Chuyên dụng, Chip chuyên dụng);
E: Electronics (Điện tử, Công nghiệp điện tử);
T: Talent (Nhân tài, Nhân lực);
+ 1: Việt Nam (Việt Nam là điểm đến mới an toàn của chuỗi cung ứng toàn cầu về công nghiệp bán dẫn).
Về chip bán dẫn
Internet vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI) là các công nghệ cốt lõi của Cách mạng công nghiệp 4.0. IoT để số hóa thế giới thực, tạo ra thế giới số, tạo ra dữ liệu. AI để xử lý dữ liệu và tạo ra giá trị mới. Cốt lõi của IoT và AI là chip bán dẫn.
Công nghiệp bán dẫn, chip bán dẫn đã có mặt trong hầu hết các thiết bị, mọi mặt của đời sống xã hội, đã, đang và sẽ thay đổi, định hình thế giới; ảnh hướng to lớn tới an ninh kinh tế và an ninh quốc phòng. Công nghiệp bán dẫn nằm trong một bức tranh rất lớn và có tính toàn cầu, đó là chuyển đổi số.
Về định hướng chip chuyên dụng
Cách mạng công nghiệp 4.0 liên quan tới các công nghệ cốt lõi về AI, IoT và tự động hóa công nghiệp. Các ứng dụng này đòi hỏi hiệu suất tính toán rất cao, khả năng xử lý dữ liệu lớn, thời gian phản hồi nhanh. Chip chuyên dụng được thiết kế để tối ưu hóa những nhu cầu này, giúp đạt hiệu suất cao hơn các chip đa dụng. Chip chuyên dụng rất đa dạng, tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất, thúc đẩy đổi mới công nghệ. Các nước đi sau trong công nghiệp bán dẫn phải đi từ chip chuyên dụng.
Về định hướng công nghiệp điện tử
Phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam phải đi cùng với phát triển ngành công nghiệp điện tử, công nghiệp chuyển đổi số để tạo đầu ra cho chip bán dẫn. Chip bán dẫn là một thành phần đầu vào quan trọng của thiết bị điện tử. Nếu chỉ làm chip bán dẫn thì sẽ phụ thuộc đầu ra, phụ thuộc vào các doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện tử.
Công nghiệp điện tử đang có làn sóng mới là AI. Các thiết bị điện tử thế hệ mới cần được thông minh hóa bằng AI. Chip AI sẽ là linh hồn của các thiết bị điện tử thế hệ mới. Việt Nam sẽ là một trong các nước đi đầu nếu đi theo con đường này; đây là cơ hội cho Việt Nam phát triển ngành công nghiệp điện tử, tạo đầu ra cho bán dẫn, nhất là các chip chuyên dụng.
Ngành công nghiệp điện tử bao gồm thiết bị điện tử dân dụng và thiết bị điện tử chuyên dụng cho các ngành (viễn thông, y tế, năng lượng, ô tô, hàng không vũ trụ, quốc phòng an ninh,…) lớn hơn nhiều lần so với ngành công nghiệp bán dẫn. Công nghiệp chuyển đổi số còn có quy mô lớn hơn nhiều so với ngành công nghiệp điện tử. Thông qua hoạt động chuyển đổi số, số hóa thế giới thực, nhu cầu sử dụng chip bán dẫn chuyên dụng cho công nghiệp điện tử và công nghiệp chuyển đổi số gấp nhiều lần so với nhu cầu thiết bị điện tử truyền thống trước đây, chip chuyên dụng cũng dễ sản xuất và chi phí thấp hơn chip đa dụng.
Về định hướng nguồn nhân lực, nhân tài
Bước đi đầu tiên của Chiến lược là xây dựng Việt Nam thành một trong những trung tâm nhân lực toàn cầu về công nghiệp bán dẫn, từ đó tiến tới xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Trung tâm nhân lực toàn cầu không chỉ bao gồm nhân lực cho Việt Nam mà còn là nhân lực cho gia công, xuất khẩu lao động về công nghiệp bán dẫn. Nhân lực tạo ra lợi thế thu hút dầu tư nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, đóng gói, kiểm thử tại Việt Nam.
Với khả năng đáp ứng nhanh nhu cầu lao động thông qua đào tạo lại, đào tạo nâng cao từ nguồn nhân lực sẵn có dồi dào là các kỹ sư điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin, công nghệ số, cùng với lợi thế nguồn nhân lực có năng lực về STEM, thì Việt Nam là một trong các nước có ưu thế hàng đầu thế giới để trở thành trung tâm nhân lực toàn cầu về công nghiệp bán dẫn. Nhân lực là trụ cột cốt lõi và là nền tảng để hình thành ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.
Phát triển nguồn nhân lực đồng thời cả chiều rộng và chiều sâu, nhân lực là ưu tiên hàng đầu và là yếu tố quyết định; tăng cường đào tạo, phát huy các lợi thế về nguồn nhân lực (nhất là STEM) để Việt Nam trở thành một trong các trung tâm nhân lực bán dẫn toàn cầu, có khả năng đáp ứng nhu cầu nhân lực cho tất cả các công đoạn trong hoạt động bán dẫn.
Việc chuẩn bị nguồn nhân lực dựa trên dự báo, tầm nhìn dài hạn, nhưng vẫn phải bám sát nhu cầu thị trường. Thúc đẩy ký kết các cam kết về nhu cầu nhân lực giữa cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp bán dẫn trong và ngoài nước, để tạo đầu ra, đảm bảo cho đào tạo thành công. Ở tầm quốc gia, Chính phủ sẽ ký kết các hợp tác quốc gia về cung cấp nhân lực bán dẫn với một số quốc gia đang thiếu hụt nhân lực bán dẫn.
Ngoài việc đào tạo dài hạn như đào tạo STEM từ phổ thông, đào tạo đại học và sau đại học, vẫn phải chú trọng việc đào tạo nhanh trong ngắn hạn. Cách tốt nhất trong ngắn hạn là đào tạo lại, đào tạo nâng cao, đào tạo chuyển tiếp cho các kỹ sư công nghệ thông tin, kỹ sư phần mềm, kỹ sư điện tử. Để có đủ giáo viên, người hướng dẫn, cơ sở vật chất và giáo trình thì cần có sự hợp tác giữa các doanh nghiệp bán dẫn và các cơ sở đào tạo, cần có sự đầu tư của Nhà nước cho các cơ sở đào tạo. Đào tạo lại giáo viên, thu hút các giáo viên bán dẫn nước ngoài, nhất là Việt kiều, là ưu tiên cao ở giai đoạn đầu.
Vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu
Thế giới đang cơ cấu lại ngành công nghiệp bán dẫn theo hướng đa dạng hóa nguồn cung với mô hình “X+1”, không chỉ về sản xuất mà ở tất cả các công đoạn của công nghiệp bán dẫn. Các nước đã có công nghiệp bán dẫn, hoặc một phần của công nghiệp bán dẫn, đều muốn có thêm một cơ sở nữa ở nước khác để bảo đảm an toàn. Việt Nam có quan hệ tốt đẹp với hầu hết các cường quốc công nghiệp bán dẫn nên có thể là một trong ít nước “+1” này và có khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở tất cả các công đoạn của công nghiệp bán dẫn.
Việt Nam sẽ thu hút FDI theo mô hình “X+1”. Với mô hình này, Việt Nam sẽ trở thành lựa chọn “+1”, cung cấp sự an toàn cho ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu; Việt Nam không chỉ cung cấp hạ tầng nhân lực, đất đai, điện, nước, giao thông, viễn thông, các ưu đãi thuế mà còn mang lại sự an toàn cho công nghiệp bán dẫn. Công nghiệp bán dẫn có ảnh hướng to lớn tới an ninh kinh tế và an ninh quốc phòng nên đảm bảo sự an toàn sẽ luôn là ưu tiên số một.
Việt Nam có lợi thế địa chính trị về công nghiệp bán dẫn. Việt Nam nằm ở trung tâm của khu vực đang chiếm tới 70% sản lượng sản xuất của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Việt Nam là quốc gia có nền chính trị ổn định và nằm trong nhóm nước có tốc độ phát triển nhanh nhất, có quan hệ đối tác chiến lược với nhiều cường quốc bán dẫn. Hiện nay, Đảng và Nhà nước Việt Nam đặt ưu tiên hàng đầu cho phát triển công nghiệp bán dẫn. Đây là những yếu tố quan trọng để Việt Nam có cơ hội trở thành một trong các trung tâm công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Từ nay đến năm 2050, Việt Nam sẽ triển khai công thức C = SET+1 để thực hiện Chiến lược với quan điểm phát triển: đi từ nhân lực tới nghiên cứu, thiết kế, đóng gói, kiểm thử đến sản xuất; thúc đẩy hợp tác mang tính chiến lược với một số quốc gia, khu vực, vùng lãnh thổ, đối tác quan trọng trong hệ sinh thái bán dẫn toàn cầu; kết hợp vai trò nhà nước trong định hướng dài hạn và sự linh hoạt của thị trường trong ngắn hạn.
T.H
(Theo: Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 1018/QĐ-TTg ngày 21 tháng 9 năm 2024 ban hành Chiến lược Phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050).
Chú thích
(1). Hương Bùi: “Cơ hội cho Việt Nam tham gia chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu”, http://thinhvuongvietnam.com/, ngày 10/09/2024.
(2). “Thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn”, http://thinhvuongvietnam.com/, ngày 09/09/2024.
(3). Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 1018/QĐ-TTg ngày 21 tháng 9 năm 2024 ban hành Chiến lược Phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050.
T.H