Quyết tâm hơn trong chuyển đổi số
Chuyển đổi số được xác định là chìa khóa phát triển tất yếu của doanh nghiệp trong kỷ nguyên 4.0 với những ưu điểm vượt trội như tối ưu chi phí hoạt động, cải thiện trải nghiệm khách hàng và tạo ra những mô hình kinh doanh mới. Tuy nhiên, theo khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin (VINASA), tỷ lệ các doanh nghiệp đang triển khai các hoạt động chuyển đổi số chỉ khoảng 15% và chỉ có 30% trong số này đã tìm hiểu và sẵn sàng mọi nguồn lực cho chuyển đổi số.
Nhìn theo hướng tích cực, chính dịch Covid-19 lại đang ép các doanh nghiệp phải chuyển đổi số mạnh mẽ hơn, thúc đẩy sự tái phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ và quy trình làm việc theo hướng mọi thứ chuyển sang mô hình online và công nghệ hóa, giúp các doanh, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt khó khăn.
Các cửa hàng kinh doanh dịch vụ sẵn sàng cung cấp sản phẩm take away (mua mang đi), sản phẩm từ quầy được đưa lên mạng một cách triệt để. Các siêu thị cũng đồng loạt cung cấp dịch vụ giao hàng online, các hãng xe công nghệ cũng nhanh chóng cho ra đời các dịch vụ mới như "đi chợ online"... Một số doanh nghiệp trong ngành bất động sản cho các dự án lên mạng, bán qua các phần mềm, thực hiện quay video giới thiệu dự án cho khách hàng thay vì xem trực tiếp như trước.
Một số chi phí từng được doanh nghiệp cho là cố định thì nay lại là chi phí biến đổi (ví dụ: chi phí thuê văn phòng); trong khi đó, một số năng lực trở thành điều kiện tối thiểu trong vận hành doanh nghiệp (ví dụ tự động hóa và công nghệ giúp phối hợp làm việc).
FPT là doanh nghiệp đi đầu trong chuyển đổi số. Ảnh: Internet
Thói quen làm việc online cũng góp phần nâng cao hiệu suất lao động. Hãng tin Bloomberg dẫn một nghiên cứu cho biết một ngày làm việc giữa đại dịch COVID-19 dài hơn 48,5 phút so với bình thường, số cuộc họp tăng khoảng 13% và số email (thư điện tử) trung bình mà người ta gửi cho đồng nghiệp mỗi ngày cũng nhiều hơn 1,4 lần.
Nhưng chuyển đổi số cũng đặt ra không ít thách thức, nếu không muốn nói là nguy cơ, như an ninh mạng và bảo mật dữ liệu, gian lận kỹ thuật số, thông tin sai lệch và khoảng cách số và các vấn đề về cơ sở hạ tầng, cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.
Tận dụng thói quen
Đại dịch Covid – 19 làm thay đổi nhiều thói quen của con người. Nhưng cũng có những thói quen hiếm khi thay đổi, nhất là khi đã trở thành nhu cầu thiết yếu, một văn hóa, một lối sống. Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp tận dụng, tiếp cận người tiêu dùng trong sự chuyển đổi về phương tiện, công cụ lao động mới.
Điển hình là thói quen uống trà và cà phê của người dân châu Âu. Trong một phóng sự của VTV phản ánh trực tiếp từ nước Anh rằng trong khi nhiều người dân Anh co cụm trong nhà thì thứ vẫn khiến họ phải đến siêu thị, các điểm bán hàng thực phẩm thiết yếu để mua nhu yếu phẩm phục vụ gia đình ngoài thực phẩm đó là trà và cà phê. Thậm chí nhiều gia đình vẫn phải tiêu thụ cà phê như thức uống ưa thích không thể thiếu mỗi ngày. Và đó là cơ hội của các doanh nghiệp Việt Nam.
Thức ăn sẵn do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất bày bán tại siêu thị Nhật Bản. Ảnh: Internet.
Tính đến cuối tháng 7, Việt Nam đã xuất khẩu cà phê đạt kim ngạch 1,8 tỷ USD, chỉ giảm 15% về sản lượng so với cùng kỳ 2019. Nhưng rõ ràng sức giảm so với chuyện cắt đặt đơn hàng tới 80% ở một số ngành từ khu vực châu Âu, là quá nhỏ. “Nguyên lý” cơ hội từ thói quen, lựa chọn ưu tiên của đời người, từ nhu cầu, từ lối sống của người tiêu thụ, đã thắng.
Đối diện với COVID-19, chúng ta chỉ có một lựa chọn duy nhất: Trở thành cái bị thay đổi, bị xóa hay là người chủ động chuyển đổi, tự mình làm nên thay đổi./.
PV tổng hợp