Xu thế tiêu dùng mới
Các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini mọc lên ngày một nhiều tại khắp các địa phương trên cả nước đã không chỉ đáp ứng nhu cầu thiết yếu, tâm lý tiêu dùng của người dân về tính nhanh gọn, thuận tiện mà còn đảm bảo những yêu cầu về chất lượng, xuất xứ hàng hóa, tính thẩm mỹ, sạch, đẹp... của người tiêu dùng.
Những năm trở lại đây, tại Hà Nội các chuỗi cửa hàng tiện lợi mọc lên như nấm. Hàng loạt các thương hiệu nổi tiếng xuất hiện như: Circle K, Family mart và cả Vinmart+... Với tính năng thuận tiện, hệ thống cửa hàng tiện lợi len lỏi vào từng ngõ ngách các con phố trên địa bàn thủ đô.
Dọc tuyến phố Tây Sơn, Hà Nội, dễ dàng nhận thấy mọc lên rất nhiều cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini và đây là những kênh bán hàng thu hút khá đông đảo người tiêu dùng. Tương tự, tại các phố lớn như Nguyễn Trãi, Cầu Giấy, Nguyễn Lương Bằng, Bà Triệu… nhiều thương nhân nắm bắt cơ hội đầu tư các cửa hàng tiện lợi theo đúng xu hướng của thị trường.
Không chỉ phố lớn, ngay những con phố nhỏ trong các ngõ, hẻm như phố Chính Kinh (Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội), chỉ dài khoảng vài trăm mét những cũng có tới 3-4 cửa hàng tiện lợi với cái tên Circle K hay Vinmart+...
Hệ thống các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini cũng mọc lên ồ ạt tại TP Hồ Chí Minh cũng như các địa phương khác. Theo phản ảnh của người dân ở TP Hồ Chí Minh, sự ra đời của những chuỗi cửa hàng tiện lợi mởi 24/24 như Circle K đã làm thay đổi đáng kể thói quen tiêu dùng của người dân Sài thành.
Người tiêu dùng hướng đến các cửa hàng tiện lợi nhiều hơn. Ảnh: Đại Đoàn kết
Tại Nghệ An, trong vòng 5 năm trở lại đây cũng chứng kiến sự xuất hiện tới tấp của các cửa hàng tiện lợi. Hiện tại Nghệ An có 17 trung tâm thương mại, 95 siêu thị, ngoài ra còn hơn 100 cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi hiện đại hoạt động theo mô hình chuỗi đang phát triển nhanh, góp phần rất lớn vào việc tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa của địa phương này.
Nói về sự thay đổi thói quen tiêu dùng của mình, chị Hoàng Thu Thủy (ở phố Chính Kinh, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, nhà chị ở tòa chung cư trên phố Chính Kinh, mỗi lần đi chợ mua đồ, chị chỉ cần đi cầu thang máy xuống dưới chân chung cư là đã có thể vào ngay siêu thị Đức Thành, đi thêm vài bước chân là Vinmart+, không thiếu bất cứ thứ gì từ thịt, cá, rau củ quả, đến đồ gia dụng...
“Mua sắm ở các cửa hàng tiện lợi có xuất xứ rõ ràng, hàng hóa được niêm yết giá, không phải mặc cả, và đáng nói hơn cả là an tâm về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. 3 năm nay, từ khi chuyển về khu chung cư này, tôi thay đổi thói quen mua sắm, thay vì mua ở các chợ dân sinh, cửa hàng tạp hóa, tôi chọn cửa hàng tiện lợi vì sự tiện lợi đúng nghĩa” - chị Thủy chia sẻ.
Nếu như trước đây, cứ mỗi dịp cuối tuần, chị Thu Phương (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) đến các siêu thị lớn để mua sắm những mặt hàng thực phẩm thiết yếu phục vụ sinh hoạt trong một tuần, thì nay, thói quen này đã thay đổi.
Theo chị Phương, từ ngày gần nhà mọc lên các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, nhà chị không còn phải tích trữ thực phẩm trong tủ lạnh để dùng dần như trước mà hàng ngày chỉ cần dành 10 -15 phút là có thể mua được đồ tươi ngon về chế biến bữa ăn cho cả nhà.
“Mua hàng ở các chuỗi cửa hàng tiện lợi hoàn toàn yên tâm về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như các yếu tố thuận tiện, nhanh chóng về thời gian” - chị Phương nói.
Kênh truyền thống gặp khó
Thực tế này đang đặt ra những mối lo ngại đối với các kênh bán hàng truyền thống như cửa hàng tạp hóa, chợ dân sinh... Theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, nắm bắt được xu hướng tiêu dùng hiện nay của người dân Việt Nam là ưa sự thuận tiện và chất lượng của sản phẩm nên các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi mọc lên ngày càng nhiều hơn, thay thế dần các kênh bán hàng truyền thống.
Theo nhận định của TS Lê Huy Khôi (Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công thương (Bộ Công thương), trong nhiều năm trở lại đây, sự gia tăng ngày càng mạnh siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi cho thấy sự bắt nhịp của các DN trong nước trước xu thế mới của hội nhập.
“Chúng ta thấy sự xuất hiện len lỏi của các siêu thị nhỏ vào từng ngõ ngách, khu dân cư. Đây cũng là một thế mạnh của ngành bán lẻ nước nhà trước sự thâm nhập mạnh mẽ của các nhà bán lẻ ngoại” – ông Khôi nêu quan điểm. Mặc dù bày tỏ những lo ngại về sự tồn tại của các kênh bán hàng truyền thống, song theo TS Khôi, đây vẫn là kênh còn nhiều dư địa vì thói quen tiêu dùng của người Việt Nam vẫn chuộng kênh truyền thống.
Đặc biệt, các hệ thống siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi cũng chưa thể vươn xa được đến các khu vực nông thôn, vùng sâu xa, miền núi. Do đó, các kênh bán lẻ truyền thống vẫn có nhiều “đất sống”. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, với xu hướng tiêu dùng ngày càng thay đổi của người dân Việt Nam chuộng sự tiện ích và cung cách phục vụ ân cần, niềm nở cũng như các yếu tố khác… thì các kênh bán hàng truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa) rất cần phải có sự thay đổi, cải tiến mạnh mẽ mới có thể cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay./.
Theo Đại Đoàn kết