Vụ việc Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) thông đồng với lãnh đạo y tế ở một số địa phương "thổi giá" kit xét nghiệm Covid- 19 vừa được phanh phui đang gây phẫn lộ trong dư luận xã hội. Bằng cách nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào, Công ty Việt Á xác định giá bán mỗi bộ kit xét nghiệm là 470.000 đồng, đắt hơn 4 lần giá thực tế. Chỉ với 5 hợp đồng được ký kết với Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hải Dương (CDC), Công ty Việt Á đã thu về 151 tỉ đồng, trong đó giám đốc Phạm Duy Tuyến ẵm tới 30 tỉ đồng tiền phần trăm hoa hồng.
Vụ bê bối kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á không chỉ gây thiệt hại nặng nề về kinh tế, mà còn làm mất lòng tin của nhân dân, thậm chí gây hoang mang cho cả hệ thống phòng chống dịch các cấp.
Vụ việc "thổi giá" kít xét nghiệm Covid-19 không chỉ dừng ở Hải Dương, chiếc vòi bạch tuộc của Công ty Việt Á đã lan ra nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đang được cơ quan điều tra của Bộ Công an tiếp tục làm rõ. Theo kết quả điều tra bước đầu, đến nay, Công ty Việt Á đã cung cấp kit xét nghiệm COVID-19 cho trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế của 62 tỉnh, thành trên cả nước, doanh thu lên tới gần 4.000 tỷ đồng.
Đây không phải lần đầu tiên việc "thổi giá" thiết bị y tế được phát hiện. Và không chỉ có các cá nhân, công ty nhỏ lẻ lợi dụng dịch bệnh để "đục nước béo cò", mà cả người làm trong ngành y tế cũng lợi dụng chức vụ, bất chấp quy định để trục lợi.
Còn nhớ, vào thời điểm dịch COVID-19 mới xuất hiện ở nước ta, tại CDC Hà Nội từng xảy ra vụ việc "thổi giá" thiết bị y tế, khi Nguyễn Nhật Cảm (giám đốc CDC Hà Nội thời điểm đó) câu kết với các đối tượng, thỏa thuận mua bán các máy, thiết bị y tế cho đơn vị này bỏ qua các quy trình, thủ tục chỉ định thầu, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 5,4 tỷ đồng. Tiếp đến là vụ Giám đốc Bệnh viện Gò Vấp (Thành phố Hồ Chí Minh) đầu cơ, thu gom khẩu trang y tế với số lượng lớn bán ra nước ngoài để kiếm lời hồi năm 2020 cũng khiến dư luận bức xúc.
Cũng liên quan tới sai phạm đấu thầu thiết bị y tế, vụ việc chấn động xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Tim Hà Nội khiến giám đốc của 2 bệnh viện này vướng vòng lao lý...
Không chỉ trục lợi từ hành vi "thổi giá" thiết bị y tế , nhiều người còn lợi dụng nhu cầu tiêm vaccine COVID-19 cao trong dân để nghĩ ra các thủ đoạn lừa đảo tinh vi. Một số cá nhân, tổ chức liên lục mời chào tiêm vaccine qua đủ hình thức như điện thoại, mạng xã hội, thư điện tử, tờ rơi quảng cáo… Đánh vào tâm lý muốn tiêm vaccine COVID-19 nhanh chóng, những kẻ lừa đảo đã gửi thư điện tử cho nhiều người, hướng dẫn đăng ký tiêm vaccine để họ vào một trang web và cung cấp các thông tin cá nhân như thẻ tín dụng, tài khoản, mã OPT, chuyển tiền trước cả triệu đồng.
Hành vi lừa đảo tiêm vaccine không phải tới năm nay mới xuất hiện, mà đã có từ năm trước đó. Tại Quy Nhơn và Bình Định, 18 người đã bị lừa đảo, chiếm đoạt trên 63 triệu đồng để được kẻ lừa đảo tiêm vaccine COVID-19 mà thực chất là nước cất và kháng sinh.
Còn nhớ khi dịch COVID-19 mới bùng phát đầu năm 2020, có đối tượng đã mất nhân tính khi thu gom găng tay cao su y tế đã qua sử dụng để đóng gói như hàng mới, bán cho người tiêu dùng. Thậm chí, các đối tượng còn không làm cả khâu vệ sinh, khử trùng số găng tay đã qua sử dụng đó. Ngoài ra, còn không ít người đầu cơ, găm hàng, nâng giá hoặc bán khẩu trang, nước sát khuẩn tay giả hoặc kém chất lượng.
Hành vi lợi dụng thời điểm dịch bệnh để trục lợi đã đẩy xã hội rơi vào tình cảnh bấn loạn và rất nhiều tập thể, cá nhân trở thành nạn nhân của hành vi này. Tình hình càng khó khăn, phức tạp, "nước càng đục", thì xuất hiện càng nhiều kẻ cơ hội, dùng mọi thủ đoạn kiếm tiền trên nỗi đau của đồng loại. Nhẹ thì chỉ là hành vì lừa đảo tiền bạc, nặng thì có thể gây mất mạng người.
Hơn hai năm qua, người dân cả nước đã quá mệt mỏi vì dịch COVID-19, một loại dịch bệnh chưa từng có tiền lệ. Không có việc làm, thu nhập, rất nhiều gia đình lâm vào cảnh bần cùng khi dịch bệnh kéo dài. Cả hệ thống y tế, chính trị nước nhà phải căng mình đối phó với đại dịch. Đồng bào trong và ngoài nước, từ trẻ em đến cụ già, từ người nghèo đến các doanh nhân, đã góp công sức và tiền bạc cho cuộc chiến chống đại dịch. Vậy mà vẫn có những cá nhân vì lợi ích nhỏ nhoi đã nhẫn tâm trục lợi trên nỗi đau và khó khăn của người khác, chà đạp lên nỗ lực của cả dân tộc làm lợi bất chính. Hành vi của họ khiến dư luận phẫn nộ, cản trở nỗ lực chống dịch bệnh của cả dân tộc. Không quá khi gọi đó là hành vi bất nhân, vô cảm, một hành vi tội ác cần phải trừng trị thích đáng.
Cuộc chiến với đại dịch chắc chắn còn lâu dài va chắc chắn sẽ còn xuất hiện những kẻ trục lợi nữa với thủ đoạn tinh vi hơn. Song song với công tác chống dịch, các cơ quan chức năng đã tăng cường cảnh báo, nâng cao nhận thức cho người dân trước các hành vi trục lợi, lừa đảo.
Bởi vậy, chung tay với cơ quan chức năng trong chống dịch bệnh và ngăn chặn hành vi trục lợi, tinh thần cảnh giác và tố giác của mỗi người và cộng đồng sẽ khiến những kẻ "đục nước béo cò" không còn đất sống.
Chống hành vi trục lợi cũng là một nỗ lực mà toàn dân có thể tham gia để đẩy lùi dịch bệnh./.
Theo Tổ quốc