Tài sản vô giá
“Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song tình nghĩa Lào - Việt sẽ mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông”, câu nói của Chủ tịch Kaysone Phomvihane đã khắc họa rõ nét bản chất mối quan hệ khắng khít của hai nước, hai dân tộc.
Sau khi Việt Nam và Lào ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác vào ngày 18-7-1977, quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước không ngừng được củng cố, đổi mới và ngày càng phát triển sâu rộng. Ngày nay, mối quan hệ hợp tác đó đã bước sang một trang sử mới trong điều kiện mới, với nhiều nội dung hợp tác thực chất hơn, hiệu quả hợp tác liên tục được nâng cao.
Ông Khamjane Vongphosy, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Lào, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Lào - Việt Nam, cho biết, Việt Nam hiện có hơn 400 dự án FDI tại Lào. Các dự án này đã và đang góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của Lào, đặc biệt là các dự án tại vùng sâu, vùng xa. Hai bên tăng cường kết nối về kinh tế, nhất là về thương mại, đầu tư, tài chính, hạ tầng giao thông, năng lượng, viễn thông, du lịch...
Năm 2023, hai nước kỷ niệm 46 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (1977-2023). Nhân dịp này, trên trang Thông tấn xã Lào (KPL) có đăng bài viết ca ngợi “Mối quan hệ Lào - Việt Nam biểu tượng của tình hữu nghị đặc biệt trên thế giới”.
Bài viết nhấn mạnh, trong lịch sử quan hệ quốc tế, mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Lào và Việt Nam là tấm gương sáng chưa từng có, mang lại nhiều thành quả cho nhân dân hai nước trong quá trình đấu tranh giành độc lập, tự do cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chọn Lào là điểm đến đầu tiên ngay sau khi đảm nhiệm cương vị Chủ tịch nước thể hiện chính sách nhất quán của ta luôn coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.
Còn tại Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ ba tổ chức tại Trung Quốc, nhân cuộc gặp cấp cao giữa ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ với Lào, xem Lào là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại, quan hệ Việt - Lào là tài sản vô giá, là mối quan hệ mẫu mực, thủy chung, trong sáng hiếm có trong quan hệ quốc tế.
Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việt - Lào hai nước chúng ta; Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”, với quyết tâm và nỗ lực cao nhất của cả hai Đảng, hai Chính phủ và nhân dân hai nước, có thể tin tưởng rằng mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào sẽ mãi mãi được giữ gìn, vun đắp.
Chân thành, tin cậy
Ngày 22-8, Đại tướng Hun Manet chính thức trở thành tân Thủ tướng của Campuchia. Quan hệ hai đất nước Việt Nam - Campuchia đã phát triển rất tốt đẹp trong thời kỳ lãnh đạo của Thủ tướng Hun Sen. Với việc Thủ tướng Hun Manet kế nhiệm Thủ tướng Hun Sen, quan hệ Việt Nam - Campuchia được kỳ vọng sẽ còn phát triển thịnh vượng và rực rỡ hơn nữa. Sự gần gũi về địa lý cùng những nét tương đồng về văn hóa, lịch sử là nền tảng vững chắc để Việt Nam và Campuchia vun đắp, phát triển một trong những mối quan hệ có truyền thống lâu đời tại khu vực Đông Nam Á.
Bất chấp biết bao khó khăn, thử thách cùng với những thăng trầm của lịch sử, với phương châm: “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”, trong những năm qua, quan hệ Việt Nam - Campuchia đã không ngừng phát triển trên mọi lĩnh vực.
Hợp tác chính trị - ngoại giao giữa Việt Nam và Campuchia không ngừng được củng cố, giữ vai trò nòng cốt, định hướng tổng thể cho quan hệ hai nước. Hai bên thường xuyên duy trì truyền thống trao đổi các đoàn cấp cao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội cũng như giữa các bộ, ngành, địa phương và giao lưu nhân dân.
Về phương diện kinh tế, hai bên đã ký kết Hiệp định kinh tế - thương mại từ năm 1998. Kể từ đó đến nay, quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Campuchia phát triển mạnh. Năm 2022, kim ngạch thương mại song phương đạt 10,57 tỷ USD, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm 2021. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ ba của Campuchia trong ASEAN. Đến nay, Việt Nam có 205 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Campuchia, với tổng vốn 2,94 tỷ USD, đứng đầu ASEAN và trong tốp 5 nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Campuchia.
Tạo động lực mới
“Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” là phương châm mà Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xác lập trong thời gian qua.
Hơn 7 thập niên kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt - Trung đã đi qua những thăng trầm nhưng hợp tác hữu nghị vẫn là dòng chảy chính. Kể từ khi Trung Quốc - Việt Nam thiết lập Quan hệ đối tác hợp tác Chiến lược toàn diện, sự tin cậy chính trị giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước không ngừng đi vào chiều sâu. Với nỗ lực chung của cả hai bên, quan hệ Đối tác hợp tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc những năm gần đây đã tạo động lực mới cho quan hệ song phương phát triển mạnh mẽ toàn diện trên các lĩnh vực.
Nhìn lại chặng đường 73 năm qua, có thể thấy rằng, hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước đã kề vai sát cánh, dành cho nhau sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn và quý báu. Chuyến công tác của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” theo lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã duy trì xu thế đi lên và tiếp thêm động lực tích cực cho sự phát triển quan hệ hai bên, đạt các mục tiêu đề ra, góp phần triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Trung Quốc duy trì vị thế là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, chiếm 24,6% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước tính đến hết tháng 9-2023 (theo Bộ Công thương). Chiều ngược lại, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN.
Theo ông Hùng Ba, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia xã hội chủ nghĩa, hai nền kinh tế đang phát triển và mới nổi, cùng chia sẻ lợi ích quan trọng trong các vấn đề quốc tế, trong khuôn khổ Liên hợp quốc và cơ chế kinh tế đa phương. Quan hệ Việt - Trung đã đạt mức cao nhất từ trước tới nay trên nhiều lĩnh vực hợp tác và vẫn có nhiều cơ hội phát triển.
Trong bối cảnh xu hướng đa cực, đa trung tâm ngày càng rõ nét, các quốc gia ra sức củng cố sức mạnh tổng hợp, chú trọng nâng cao “sức mạnh mềm”, tranh thủ vươn lên định vị vị thế tốt hơn trong cấu trúc khu vực và thế giới đang định hình, tình đoàn kết hữu nghị truyền thống và quan hệ hợp tác toàn diện, tốt đẹp giữa Việt Nam và các nước bạn Lào, Campuchia, Trung Quốc nói riêng, với các nước đối tác hợp tác quốc tế nói chung là động lực để các bên cùng nhau hành động vì một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Ngay sau khi kết thúc tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ ba, tại thủ đô Bắc Kinh, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã lần lượt có các cuộc hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Ủy viên trưởng Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Nhân đại) Trung Quốc Triệu Lạc Tế và Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Thái Kỳ.
Đây là lần đầu tiên Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có các hoạt động hội kiến song phương với lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước Trung Quốc trên cương vị là người đứng đầu Nhà nước Việt Nam.
Các cuộc hội kiến của Chủ tịch nước lần này là sự tiếp nối của một loạt hoạt động tiếp xúc cấp cao giữa lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước kể từ đầu năm 2023 đến nay, trong bối cảnh kỷ niệm 15 năm thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung.
Nguồn SGGP