Gắn phòng, chống tham nhũng với tiêu cực
Thực tiễn cho thấy tham nhũng luôn gắn với tiêu cực. Phát biểu tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng ngày 18.3.2021, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Không chỉ đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế, mà quan trọng hơn phải chống tiêu cực trong cả lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Hai cái này nó có liên quan đến nhau, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thì mới dẫn đến tham nhũng, đây mới là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống. Cái lợi ích kinh tế nó thường gắn liền với quyền lợi chính trị, chức quyền, với sự hư hỏng về đạo đức, lối sống…”.
Để gắn kết chặt chẽ hơn giữa công tác phòng, chống tham nhũng với đấu tranh chống tiêu cực, ngày 16.9.2021, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 32-QĐ/TW bổ sung, mở rộng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo để chỉ đạo cả công tác phòng, chống tham nhũng và công tác phòng, chống tiêu cực.
Thực tế gần một năm qua cho thấy, việc ban hành Quy định số 32-QĐ/TW là cần thiết bởi lẽ tiêu cực là một phạm trù có nội hàm rộng, vốn là một thuật ngữ được sử dụng khá phổ biến trong nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, dùng để chỉ những biểu hiện, hành vi trái với các chuẩn mực xã hội của một quốc gia, cộng đồng, tập thể. Tuy nhiên, để Quy định số 32-QĐ/TW đi vào cuộc sống, rất cần việc cụ thể hóa và đồng bộ hóa quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tiêu cực trong cán bộ, đảng viên mà trọng tâm là quy định về các hành vi tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp cần tập trung phòng, chống.
Mặt khác, để xử lý được tiêu cực của cán bộ, đảng viên phải căn cứ vào các hành vi cụ thể được biểu hiện ra bên ngoài (lời nói, hành động, việc làm) và phải được quy định trong các văn bản của Đảng, Nhà nước.
Do đó, cần có thêm những quy định mang tính nguyên tắc giúp nhận diện các hành vi tiêu cực. Một số nghiên cứu đã rà soát các nghị quyết, quy định của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, lựa chọn ra các hành vi cụ thể vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước có tính nghiêm trọng, phức tạp hoặc liên quan đến tham nhũng, nhưng khi hợp nhất lại thì thấy cách gọi tên và thuật ngữ sử dụng trong các quy định không có sự thống nhất, đồng bộ với nhau, không ít hành vi chưa có chế tài xử lý.
Điển hình như, trong 27 biểu hiện suy thoái nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) có chủ nghĩa cá nhân, bệnh “thành tích”… nhưng khi tham chiếu đến các văn bản quy định những điều đảng viên không được làm, xử lý kỷ luật đảng viên… thì chưa rõ thuộc trường hợp nào để xử lý và cũng chưa có văn bản pháp luật nào quy định về chế tài xử lý những biểu hiện tiêu cực này; trong văn bản của Đảng quy định xử lý các hành vi “chạy” (chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy tội…), nhưng đối chiếu với các quy định pháp luật thì cách hiểu và vận dụng chế tài xử lý vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.
Thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Thực hiện Chương trình công tác năm 2022 và Kết luận tại phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác này, Bộ Chính trị đã giao cho Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, xây dựng. Sau một thời gian chuẩn bị nghiêm túc, khẩn trương, Đề án này đã được thông qua.
Ngày 2.6 vừa qua, Ban Bí thư đã ban hành Quy định số 67-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Ban Chỉ đạo). Đây là căn cứ quan trọng để Ban Chỉ đạo các tỉnh, thành phố đề ra phương hướng hoạt động hiệu quả, trách nhiệm.
Theo Quy định số 67-QĐ/TW, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khi thành lập sẽ chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Đây là nội dung đầu tiên mà nhân dân đang kỳ vọng ở Ban Chỉ đạo cấp tỉnh bởi vì từ thực tiễn kinh nghiệm trong hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã cho thấy, việc Ban Chỉ đạo Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã tạo ra những kết quả phòng, chống tham nhũng mang tính đột phá, xử lý dứt điểm, nghiêm minh, công khai nhiều cán bộ cao cấp, cả đương chức và nghỉ hưu, cả tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang có vi phạm liên quan đến các vụ án.
Ban chỉ đạo cấp tỉnh cũng sẽ phải xử lý các vụ án, vụ việc và hành vi tiêu cực khác ngoài tham nhũng ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, phẩm chất đạo đức, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh, thành phố.
Ngoài xử lý những vụ việc tham nhũng, tiêu cực nổi cộm ở địa phương, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khi được thành lập cũng phải quan tâm xử lý “tham nhũng vặt”, đó là vụ việc nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công, những lĩnh vực mà người dân thường xuyên phải tiếp xúc.
Nhân dân đang kỳ vọng vào sự hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Trước mắt, sau khi thành lập, các Ban chỉ đạo cần tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương. Có thể chọn một số khâu yếu, việc khó, có nhiều vướng mắc trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực để tập trung chỉ đạo tháo gỡ những lĩnh vực trọng tâm để kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhất là kiểm tra, giám sát thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, kiểm tra chuyên đề về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực y tế, thuế, hải quan, đất đai.
Yếu tố quan trọng để Ban Chỉ đạo cấp tỉnh hoạt động thực chất, hiệu quả là Ban Chỉ đạo Trung ương cần chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tăng cường giao nhiệm vụ thông qua những vụ án, vụ việc cụ thể.
Điều này giúp Ban Chỉ đạo địa phương vừa có chỗ dựa vững chắc về chính trị, vừa khắc phục được tình trạng nể nang, né tránh, đùn đẩy, lợi ích cục bộ ở địa phương... Mặt khác, cũng cần làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục để nhân dân và cán bộ, đảng viên hiểu sâu sắc về chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn của Ban Chỉ đạo, từ đó họ tin tưởng, trở thành những đôi mắt, cánh tay giúp Ban Chỉ đạo hoạt động hiệu quả./.
Đỗ Phú Thọ (theo LĐO)