Cùng với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, các quốc gia phải mở cửa giao lưu kinh tế để tìm kiếm các cơ hội phát triển, đẩy mạnh hoạt động thương mại dựa trên lợi thế so sánh về hàng hóa dịch vụ của từng quốc gia. Với bối cảnh như vậy, việc xây dựng thương hiệu Việt, nhất là thương hiệu mạnh, thương hiệu quốc gia, là điều kiện cần thiết nhằm nâng cao vị thế và mang lại nhiều giá trị cạnh tranh thiết thực.
Lâm Đồng là vùng đất thuộc Nam Tây Nguyên, với nhiều điều kiện được thiên nhiên ưu đãi và nguồn nhân lực phù hợp để phát triển nông nghiệp công nghệ cao với các loại nông đặc sản ưu thế so với các vùng khác. Vì vậy, nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản thông qua hình thành chuỗi trong chế biến, sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu… nhằm tăng tính cạnh tranh của sản phẩm, đăng ký chỉ dẫn địa lý để nông sản Lâm Đồng có thể bước ra thị trường khu vực luôn được quan tâm.
Nhằm tăng cường quảng bá, phát triển thương hiệu đặc trưng cho các sản phẩm nông nghiệp, du lịch của tỉnh, UBND tỉnh Lâm Đồng đã hợp tác với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và tổ chức JICA (Nhật Bản) đầu tư xây dựng, phát triển thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” nhằm “mang những điều kỳ diệu kết tinh từ miền đất đặc biệt này đến với mọi người”. Địa bàn triển khai chủ yếu là thành phố Đà Lạt và các huyện lân cận như Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và Lâm Hà. Các sản phẩm được chọn quảng bá thương hiệu bao gồm rau, hoa, cà phê Arabica và du lịch canh nông, với mục tiêu trở thành thương hiệu số một tại Việt Nam, từng bước lan tỏa thương hiệu đến thị trường quốc tế.
Du lịch canh nông tại Đà Lạt. Ảnh: Internet
Ngày 8/12/2017, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận độc quyền thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” với 04 loại hình sản phẩm gồm: rau, hoa, cà phê Arabica và du lịch canh nông của Đà Lạt - Lâm Đồng, đặt nền tảng mở đầu cho quá trình chung tay xây dựng thương hiệu của tỉnh Lâm Đồng.
Sau hơn 3 năm triển khai với quyết tâm cao, thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đã được các ngành, địa phương tập trung quảng bá trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng và các sự kiện kinh tế - xã hội của địa phương như: xây dựng, đăng tải video clip “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” trên các Đài Phát thanh - Truyền hình của Trung ương và địa phương, trên internet, mạng xã hội và quảng bá ở nước ngoài; xây dựng trang thông tin về thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” phục vụ quảng bá trên các báo, tạp chí, thông qua các sự kiện Festival Hoa Đà Lạt, Lễ hội Trà và Tơ lụa Bảo Lộc ...
Theo đánh giá của Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, việc phát triển và quảng bá, bảo hộ thương hiệu “Đà lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trở thành thương hiệu số 1 tại Việt Nam với 4 nhóm sản phẩm là: rau, hoa, cà phê Arabica và du lịch canh nông.
Giai đoạn 2017-2019, đã có 379 tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, gồm 318 tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh sản phẩm hoa; 46 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh rau, 5 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cà phê Arabica và 10 tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh sản phẩm du lịch canh nông. Các sản phẩm nông sản đăng ký sử dụng nhãn hiệu tăng 20% giá trị kinh tế.
Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng rau củ của tỉnh Lâm Đồng đã tăng trên 29% về giá trị, xuất khẩu hoa tăng 7,6% về lượng; cà phê tăng 23,7% về lượng xuất khẩu ... Thị trường xuất khẩu chủ yếu của các mặt hàng rau củ sang 11 nước khu vực Đông Nam Á, EU, Mỹ; hoa tươi xuất sang 12 nước tại khu vực Đông Á, Australia, châu Âu và ASEAN; cà phê xuất khẩu đi tất cả các châu lục.
Rau Đà Lạt. Ảnh: Internet
Phát huy kết quả đạt được, trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Lâm Đồng đưa ra kế hoạch phát triển thương hiệu “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành” với mục tiêu chính: Phát triển thương hiệu “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành” trở thành thương hiệu mạnh tại Việt Nam; bảo hộ và tập trung quảng bá, phát triển thương hiệu ra nước ngoài. Tập trung nguồn lực phát triển sản phẩm vượt trội về chất lượng, tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm, dịch vụ thường xuyên đối với sản phẩm mang thương hiệu trong đó quan tâm đến sự an toàn và uy tín khi sử dụng sản phẩm ...
Để nâng cao giá trị thương hiệu trong xu thế hội nhập và cạnh tranh mới, Lâm Đồng cần tiếp tục có những giải pháp thích hợp để phát triển thương hiệu “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành” trở thành thương hiệu mạnh tại Việt Nam. Bên cạnh những chủ trương, định hướng, trách nhiệm quản lý của các cấp chính quyền, sự đồng hành của nhân dân địa phương và doanh nghiệp, cần có sự chung tay góp sức nhiều hơn hữa của các phương tiện thông tin đại chúng để góp phần xây dựng, phát triển bền vững thương hiệu cả về giá trị, uy tín và sự gắn bó lâu dài, nâng cao giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp nói chung và các mặt hàng nông sản của Lâm Đồng nói riêng trong thời gian tới./.
Duy Tuấn