Dấn thân vào nông nghiệp sạch
Trò chuyện cùng phóng viên, anh Tuấn cho biết, là kỹ sư cầu đường nhưng với niềm đam mê làm nông nghiệp an toàn, nông nghiệp công nghệ cao, anh đã bỏ rất nhiều thời gian, tâm huyết để xây dựng mô hình trồng rau thủy canh làm hướng phát triển kinh tế cho gia đình.
Vườn rau thủy canh xanh mướt trị giá bạc tỷ của anh Lê Văn Tuấn (38 tuổi) ở Đồng Xanh, Đồng Nghệ, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng.
“Nhiều năm sinh sống tại TP.Đà Nẵng, tôi đã nhận thấy nhu cầu tiêu thụ rau sạch có tiềm năng phát triển rất lớn nơi đây, đầu năm 2018 từ nguồn vốn tích góp được, cộng với nguồn vốn vay ngân hàng, tôi đã quyết định đầu tư hơn 3 tỷ đồng để xây dựng vườn rau thủy canh này. Vườn rau thủy cảnh nhằm thỏa đam mê làm nông nghiệp công nghệ cao của bản thân, đồng thời đem lại nguồn rau xanh an toàn, sạch cho người tiêu dùng...”, anh Tuấn chia sẻ.
Từ vườn rau thủy canh công nghệ cao, mỗi ngày anh Tuấn cung cấp ra thị trường từ 150-200kg rau, củ các loại.
Vườn rau thủy canh công nghệ cao của anh Tuấn có tổng diện tích 10.000m2, với hệ thống nhà màng phủ kín, tưới phun sương tự động là mô hình tiêu biểu về đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại TP.Đà Nẵng. Hiện vườn rau thủy canh của anh Tuấn trồng các loại xà lách như romaine, batavia, xà lách mỡ; rau ngò, rau muống, cải bó xôi, cải ngọt, cải tím...và dưa lưới vỏ xanh ruột vàng, vỏ vàng ruột xanh.
Tất cả hạt giống đều nhập khẩu từ Hà Lan, phân bón sử dụng phân yara của Hà Lan, phân Israel cùng với quy trình kiểm soát bệnh tật nghiêm ngặt nên các sản phẩm cung cấp ra thị trường với chất lượng tốt nhất.
Vườn rau thủy canh công nghệ cao của anh Tuấn có diện tích 10.000m2, là mô hình tiêu biểu về đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại TP.Đà Nẵng.
Mỗi ngày, từ vườn rau thủy canh rộng lớn, anh Tuấn cung cấp ra thị trường từ 150-200kg rau xanh, củ, quả thực phẩm các loại. Vườn rau thủy canh của anh Tuấn không chỉ cung cấp sản phẩm nông nghiệp sạch cho TP.Đà Nẵng mà còn giải quyết việc làm ổn định cho 10 lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.
t
Theo anh Tuấn, ưu điểm của kỹ thuật này là không bị ảnh hưởng bởi thời tiết thay đổi bất thường, kiểm soát được dịch bệnh.
Anh Tuấn cho phóng viên biết thêm, sau gần 2 năm đầu tư, đến nay vườn rau thủy canh đã đi vào ổn định sản xuất và đã khẳng định được thương hiệu tại thị trường TP.Đà Nẵng. Bên cạnh đó, anh còn mở rộng thị trường cung cấp rau sạch cho các vùng lân cận như tỉnh Quảng Nam, TP Huế.
Mong muốn mở rộng quy mô
Theo anh Tuấn, ưu điểm của mô hình trồng rau thủy canh công nghệ cao là tiết kiệm diện tích đất trồng, tránh được sâu bệnh, giúp cây trồng cách ly với điều kiện thời tiết bên ngoài như ánh nắng trực tiếp hay hạn hán, ngập lụt, từ đó đem lại năng suất cao. Nhờ vậy, vườn rau của anh Tuấn luôn cho thu hoạch quanh năm.
Mỗi ngày anh Tuấn cung cấp ra thị trường từ 150-200kg rau củ các loại.
Đến nay, anh Tuấn cơ bản đã tự tin về khâu sản xuất, cung cấp sản phẩm sạch, chất lượng ra thị trường và được người tiêu dùng đón nhận. Có thể xem đây là bước thành công ban đầu đối với anh kỹ sư xây dựng khi dấn thân sang lĩnh vực mới là sản xuất nông nghiệp.
Cũng như nhiều chủ đầu tư vườn rau sạch công nghệ cao, anh Tuấn cũng gặp không ít khó khăn cho dự án khởi nghiệp nông nghiệp này. Điều anh trăn trở lúc này chính là các chính sách ưu đãi, nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, đặc biệt là quỹ đất sạch. Với mong muốn được thuê đất của nhà nước với giá ưu đãi, với thời gian dài để yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Mô hình trồng rau thủy canh, trồng củ, quả công nghệ cao của anh Tuấn không chỉ cung cấp sản phẩm sạch cho người tiêu dùng TP.Đà Nẵng mà còn giải quyết việc làm ổn định cho 10 lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.
“Thời gian qua, huyện Hòa Vang cũng như TP.Đà Nẵng đã tạo điều kiện để tôi triển khai mô hình trồng rau thủy canh, nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên tôi vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn về vốn, vì mô hình trồng rau thủy canh theo hướng công nghệ cao đòi hỏi nguồn vốn rất lớn. Mong rằng thành phố Đà Nẵng sẽ tạo nhiều điều kiện hơn nữa về chính sách ưu đãi, đặc biệt là hỗ trợ vay vốn đầu tư để tôi có được nguồn vốn đầu tư sản xuất”, anh Tuấn trải lòng.
Anh Tuấn đang kiểm tra chất lượng cây giống.
Do tình hình dịch bệnh Covid-19, kinh tế Việt Nam nói chung gặp rất nhiều khó khăn, lĩnh vực nông nghiệp cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. “Sản lượng rau sạch của tôi bán ra thị trường cũng hạn chế, các thương lái thì ép giá, gây rất nhiều trở ngại cho khâu duy trì sản xuất. Hy vọng qua mùa dịch Covid-19 này thị trường ổn định hơn, để tôi yên tâm sản xuất...”, anh Tuấn chia sẻ với phóng viên.
Theo danviet.vn