Ngày 09/11/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Trung ương ký ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Đây là lần đầu tiên, Đảng ta xác định thống nhất, đầy đủ, rõ ràng về các đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong một Nghị quyết của Trung ương. Đây là một điểm mới, nổi bật của Nghị quyết này.
Các đặc trưng bao gồm: Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Đây là đặc trưng riêng có của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là tất yếu lịch sử, quy luật của xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, nhân tố bảo đảm bản chất, sự thành công của công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Đặc trưng này khẳng định Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.
Quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ theo Hiến pháp và pháp luật. Công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân vừa là bản chất, vừa là mục tiêu của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Quan điểm của Đảng, Nhà nước ta là lấy con người làm trung tâm, bảo đảm quyền con người và phát triển con người toàn diện; mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.
Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật. Đây là đặc trưng xuyên suốt bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đây là đặc trưng thể hiện giá trị đặc thù của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, được thực hiện nghiêm minh và nhất quán. Đây là đặc trưng mang tính phổ biến của mọi nhà nước pháp quyền; là điều kiện cần và đủ để bảo đảm xã hội có trật tự, kỷ cương.
Độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Đây là một trong những đặc trưng cốt lõi, được thừa nhận rộng rãi, như một giá trị không thể thiếu của nhà nước pháp quyền.
Tôn trọng và bảo đảm thực hiện các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Các đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam được xác định trên cơ sở Cương lĩnh, Hiến pháp và Văn kiện Đại hội Đảng các nhiệm kỳ, phù hợp với những đặc trưng, giá trị phổ quát của nhà nước pháp quyền đã được thế giới công nhận, đồng thời thể hiện được tính đặc thù của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam./.
PV