Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp, là nơi thể hiện sâu sắc nhất bản chất của Nhà nước, của nền công lý nước ta, đồng thời thể hiện chất lượng hoạt động và uy tín của hệ thống tư pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Do đó, đổi mới tổ chức Tòa án nhân dân tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là chủ trương lớn và nhất quán của Đảng được ghi nhận trong các văn kiện của các nhiệm kỳ gần đây. Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 chỉ rõ: “Tổ chức hệ thống tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính, … Xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp, theo hướng đề cao quyền hạn, trách nhiệm pháp lý, nâng cao và cụ thể hóa tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất, đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm, kiến thức xã hội đối với từng loại cán bộ; tiến tới thực hiện chế độ thi tuyển đối với một số chức danh”.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng chỉ rõ: Tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử; bảo đảm các nguyên tắc độc lập, nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, của đương sự. Tiếp tục chủ trương trên, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng khẳng định: “Tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của Tòa án nhân dân”. “Tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Hoạt động tư pháp phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân. Nghiên cứu, ban hành Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, trong đó có Chiến lược pháp luật và cải cách tư pháp”.
Để bảo đảm nguyên tắc độc lập xét xử của Tòa án theo tinh thần Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trước hết cần đổi mới tổ chức của hệ thống tòa án theo hướng thành lập tòa án sơ thẩm khu vực thay cho tòa án nhân dân cấp huyện hiện nay. Trong thực tế, ngoài 3 Tòa án cấp cao được tổ chức tại thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh là không phụ thuộc vào đơn vị hành chính, còn lại tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều có Tòa án nhân dân cấp tỉnh và các đơn vị hành chính cấp huyện đều có Tòa án nhân dân cấp huyện.
Điểm yếu của việc tổ chức Tòa án nhân dân ở mỗi huyện bao gồm: 1) Do mỗi đơn vị hành chính cấp huyện đều tổ chức một Tòa án dẫn đến tình trạng dàn trải về biên chế, cơ sở vật chất, tạo sự thừa, thiếu cục bộ. Nhiều Tòa án luôn trong tình trạng quá tải về công việc... Trong khi đó, nhiều địa phương có số lượng án phải giải quyết ít, cá biệt có những địa phương chỉ có 4 vụ, việc/năm nhưng vẫn phải tổ chức bộ máy với đầy đủ các chức danh chánh án, phó chánh án, thẩm phán, thư ký Tòa án, văn phòng, kế toán, bảo vệ 2) việc thành lập Tòa án nhân dân cấp huyện theo địa giới hành chính như hiện nay rất khó bảo đảm nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật vì rất dễ bị tác động hoặc can thiệp từ phía chính quyền địa phương, bởi Thẩm phán bị ràng buộc rất nhiều yếu tố. Ngay cả trong trường hợp Tòa án xét xử và đưa ra quyết định chính quyền địa phương thua kiện thì bản án cũng rất khó được thi hành. Từ những phân tích trên cho thấy, việc thành lập tòa án sơ thẩm khu vực có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc bảo đảm nguyện tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật và hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 chỉ rõ: “Tổ chức hệ thống tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính … tòa án sơ thẩm khu vực được tổ chức ở một hoặc một số đơn vị hành chính cấp huyện”.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu thành lập tổ chức đảng trong ngành tòa án, tổ chức đảng ngành kiểm sát theo hệ thống dọc để độc lập với các đảng bộ địa phương cấp tỉnh, cấp huyện. Việc thành lập tổ chức đảng theo hệ thống dọc trong ngành Tòa án và ngành kiểm sát sẽ tránh được sự can thiệp từ phía đảng bộ địa phương đối với hoạt động tư pháp nói chung và hoạt động xét xử của tòa án nói riêng, tạo điều kiện cho việc bảo đảm nguyện tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Thực hiện quy trình phân án ngẫu nhiên. Phân án ngẫu nhiên sẽ tạo điều kiện cho Thẩm phán hoạt động được độc lập, hạn chế được sự phụ thuộc về mặt hành chính giữa Thẩm phán và Chánh án. Về phương diện lý luận, thì việc Chánh án phân công án sẽ hợp lý hơn, vì Chánh án biết rõ năng lực và sở trường của từng Thẩm phán. Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay, trình độ năng lực của đội ngũ Thẩm phán là tương đối đồng đều (vì họ đều đáp ứng được những tiêu chí nhất định), nếu thực hiện quy trình phân án ngẫu nhiên sẽ giúp cho Thẩm phán ít bị ràng buộc hơn trong mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thẩm phán trong thực hiện nguyên tắc độc lập trong xét xử. Giải pháp này rất đơn giản, dễ áp dụng, cần được xem là giải pháp trước mắt và hoàn toàn phù hợp với thực tế hiện nay.
Kiện toàn cơ chế bảo vệ Thẩm phán. Ngoài việc chế độ chính sách thì về mặt pháp luật cũng phải có cơ chế để bảo vệ. Nếu làm được tốt những việc này thì hoạt động của cơ quan tư pháp trong thời gian tới, đặc biệt trong nhiệm kỳ tới sẽ có hiệu quả nhiều hơn nữa và tốt hơn nữa, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ cán bộ tư pháp. Thực tế cho thấy, ngoài chia sẻ của Đại biểu trên, không hiếm trường hợp Thẩm phán bị hành hung, đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe danh dự nhân phẩm và tài sản của bản thân, gia đình và người thân. Nếu không bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe danh dự, nhân phẩm và tài sản cho bản thân thẩm phán và gia đình họ thì rất khó đòi hỏi sự công tâm, khách quan và độc lập xét xử của Thẩm phán.
Sự an toàn của Thẩm phán và gia đình, người thân của họ cần được bảo đảm thường xuyên, liên tục 24/24. Ngoài ra, về mặt pháp lý, cần bổ sung tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với trường hợp phạm tội đối với người thi hành công vụ và người thân thích của người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân. Theo quy định hiện hành, phạm tội đối với người thi hành công vụ (trong đó có thẩm phán) được quy định là tình tiết tăng nặng định khung trong một số trường hợp phạm tội cụ thể như cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hủy hoại hoặc làm hư hỏng tài sản của người khác... Tuy nhiên, nếu bổ sung tình tiết tăng nặng mới này vào Điều 52 của Bộ luật hình sự thì mức độ bảo vệ sẽ rộng hơn mà không giới hạn lại trong một số tội như hiện nay. Việc bổ sung này là cần thiết và sẽ tạo cơ sở pháp lý để bảo vệ người thi hành công vụ nói chung và thẩm phán, hội thẩm nói riêng, góp phần bảo đảm thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử của tòa án.
Đổi mới cơ chế quản lý Tòa án nhân dân các cấp và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán. Theo quy định hiện nay, tòa án nhân dân tối cao quản lý nhân sự của ngành tòa án, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện nguyện tắc: Thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập chỉ tuân theo pháp luật …Cần nghiên cứu mô hình quản lý Tòa án của Hội đồng tư pháp quốc gia. Theo đó, Hội đồng này có trách nhiệm tuyển chọn ứng viên Thẩm phán để trình Chủ tịch nước bổ nhiệm; tổ chức đào tạo, thi tuyển, sát hạch Thẩm phán; Hội đồng xem xét và quyết định kỷ luật Thẩm phán, trường hợp nghiêm trọng thì quyết định chuyển cho cơ quan điều tra có thẩm quyền để truy cứu trách nhiệm hình sự. Thành phần Hội đồng tư pháp quốc gia do nguyên thủ quốc gia đứng đầu và có sự tham gia của các cựu Thẩm phán có kinh nghiệm và uy tín nghề nghiệp./.
PV